Mạng không nghẽn, việc bán vé tàu Tết năm nay cũng gặp ít sự cố hơn nhưng hàng chục trường hợp hành khách đã thanh toán tiền nhưng không in được vé.
"Vì mạng quá chậm nên lúc đó tôi không thể in vé. Chờ đến hơn 9h30, tôi đặt lệnh để in nhưng hệ thống báo là không có dữ liệu. Một lát sau tôi vào in lại, hệ thống báo vé đã hết thời gian, tạm khóa...", chị Nhàn cho biết.
Ga Sài Gòn thông thoáng sáng 5/10. Ảnh: Hữu Nguyên |
Tương tự, anh Vinh (ngụ quận Tân Phú) cũng đặt hai vé tàu SE25 chặng Quy Nhơn - Sài Gòn qua mạng. Sau khi điền thông tin đầy đủ, hệ thống xác nhận vào email của anh là "đặt vé thành công". Tiếp đó, anh Vinh đến Ngân hàng VIB thanh toán 2.068.000 đồng nhưng sau đó không in được vé.
Sáng hôm sau, anh vào mạng kiểm tra, phát hiện vé của mình đặt trước đó hết thời hạn thanh toán và đã được người khác tạm giữ. Gọi đến Ngân hàng VIB, anh nhận được thông tin vé tàu mình đặt đã bị hủy. Sốt ruột, anh Vinh đến ga Sài Gòn thì được nhân viên Tập đoàn FPT (đơn vị cung cấp phần mềm bán vé tàu điện tử) thông báo đang giải quyết.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải (công ty Giải pháp Công nghệ FPT), nguyên nhân dẫn đến các trường hợp trên do mô hình kết nối thanh toán giữa hệ thống bán vé điện tử các đơn vị thu tiền phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của mạng Internet, đặc biệt là tại các điểm giao dịch thu tiền hộ.
"Một số kết nối từ điểm thu tiền hộ không đảm bảo chất lượng do đường truyền Internet không ổn định. Vì vậy, một số khách hàng đã thanh toán trực tuyến, thanh toán tại các điểm thu hộ nhưng cổng thanh toán lại không hoặc chậm thông báo về hệ thống bán vé điện tử để hoàn tất giao dịch", đại diện FPT cho biết.
|
Nhân viên Công ty FPT hỗ trợ hành khách tại ga Sài Gòn. Ảnh: Hữu Nguyên |
Cũng theo ông Hải, trong ngày 2/10, hai ghế chị Nhàn đặt trước đó đã hiển thị trở lại trên hệ thống báo "ghế trống". Sau đó có hành khách khác vào đặt chỗ, nhưng người này lại không mua vé. Đội hỗ trợ bán vé điện tử đã thông báo đến chị Nhàn, nếu có nhu cầu thì đặt mua trở lại. Chị Nhàn quyết định đặt lại một vé tuyến Nha Trang – Sài Gòn. Còn anh Vinh cũng đã được tạo điều kiện mua vé.
"Qua 5 ngày, đội hỗ trợ ghi nhận được 17 trường hợp bị các sự cố tương tự. Hiện đã giải quyết để in vé cho một số hành khách, còn một vài trường hợp chưa hỗ trợ được. Chúng tôi đang phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam đề tìm cách giải quyết", ông Hải cho biết.
Ngoài nhóm hành khách trên, theo thống kê của Công ty Giải pháp Công nghệ FPT, trong những ngày đầu tổ chức bán vé tàu Tết qua mạng, còn có 2 nhóm hành khách khác đến nhờ hỗ trợ. Đó là những người không biết cách thức mua vé online và hành khách đã đặt chỗ qua mạng thành công nhưng không nhận được email xác nhận, hoặc quên mã đặt chỗ.
Theo đại diện FPT, Tổng công ty đường sắt Việt Nam và FPT tiếp tục hỗ trợ hành khách mua vé tàu Tết trực tiếp tại ga Sài Gòn, tổng đài 19006469, fanpage Facebook "Vé tàu điện tử". Hành khách có nhu cầu hỗ trợ hãy kết nối thông qua các kênh trên.
Đơn vị này cũng khuyến cáo trong giai đoạn cao điểm, để đảm bảo quyền lợi của người đi tàu, hành khác nên lưu lại mã đặt chỗ, mã thanh toán, thông tin cá nhân để thuận tiện cho việc hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt, đối với khách hàng thanh toán trực tuyến phải đảm bảo nhận được thông báo "mua vé thành công" trên màn hình của hệ thống bán vé điện tử thì mới hoàn tất giao dịch.
"Thông báo thành công trên cổng thanh toán mới chỉ đảm bảo khách hàng đã chuyển trả tiền mua vé chứ chưa đảm bảo sẽ nhận được vé. Trong trường hợp gặp vấn đề do thanh toán, khách hàng liên hệ với các kênh hỗ trợ của Đường sắt Việt Nam và FPT để đươc trợ giúp", đại diện FPT cho biết.
Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)