Trưa 19/12, Trạm đo chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cho chỉ số ở khu vực trung tâm Hà Nội đạt ngưỡng nguy hại cho sức khỏe.
Theo thang đánh giá, chỉ số AQI từ 101-200 là chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch.
Chỉ số AQI từ 201-300 nghĩa là chất lượng không khí ở mức xấu, những người mắc bệnh về tim, hô hấp nên ở trong nhà, những người khỏe mạnh cũng nên tránh ra ngoài.
AQI hơn 300 thì chất lượng không khí vào mức nguy hại. Ở mức này, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Chỉ số AQI vào chiều 19/12 tại khu vực Láng Hà là 342. Ảnh: Aqicn. |
Trong khi đó, chỉ số AQI của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường, đặt tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) ngày 18/12 là 138 ( nhóm chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe, hạn chế đi ra ngoài).
Trước chỉ số môi trường do trạm đo của Đại sứ quan Mỹ đưa ra ở mức báo động, nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng.
Chị N.L viết: “Không khí tệ đến này ư? Choáng váng quá rồi, nghĩ đến con phải chơi ở trong nhà, ra đường thì phải đeo khẩu trang loại chuyên dụng. Nhà thì không được mở của đón gió trời…”
Tuy nhiên, chị N.L cũng tự động viên bản thân, dù gì thì cũng phải thích ứng. “Những nỗi lo lắng này sẽ chìm theo cuộc sống thường nhật và tạm lắng cho đến khi ai đó khơi gợi lại, rồi rồ dại vài giây phút rồi lại lắng xuống”, chị N.L chia sẻ.
Sau đó, chị này lại đăng một trạng thái với nội dung: “Mua khẩu trang PM2,5 ở đâu ạ, các cao nhân? Máy lọc không khí của hãng nào thì tốt?”. Với dòng chia sẻ của chị N.L, nhiều người bạn vào comment đồng cảm như: “Không thở được ấy chị ạ”, “Lên núi trồng cây thôi chị ơi”…
Chỉ số AQI ở mức cao khiến nhiều người bày tỏ lo lắng cũng như châm biếm trên trang Facebook cá nhân ngày 19/12. Ảnh chụp màn hình. |
Nhiều chủ tài khoản Facebook cũng đưa hình ảnh thời trang ngộ nghĩnh, châm biếm để chống ô nhiễm không khí lên trang cá nhân để cảnh cáo mọi người khi ra đường.
Đây không phải lần đầu, chỉ số chất lượng không khí gây xôn xao người dân dân Hà Nội. Gần đây, trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Mỹ cho chỉ số AQI là 245, khiến Hà Nội xếp thứ hai về mức ô nhiễm trong số các thành phố được đo, chỉ sau Ardhali Bazar của Ấn Độ. Thời điểm tháng 3, trạm này đo chỉ số AQI ở khu vực Láng Hạ là 388.
Tuy nhiên, theo Đại sứ quán Mỹ, số liệu trên không thể phản ánh chính xác tình trạng không khí của cả một thành phố rộng lớn mà chỉ phản ánh khu vực xung quanh nơi đặt máy, cụ thể là tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ.
Chiều 19/11, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết sẽ cho kiểm tra vì chưa nắm được.
Trong khi đó, một chuyên gia môi trường cũng cho rằng không thể lấy chỉ số AQI ở một trạm đo để đánh giá không khí chung của một thành phố. "Lúc thời tiết khô hanh, giờ cao điểm giao thông đặc biệt vào buổi trưa thì chỉ số tại trạm đo Đại sứ quán Mỹ cao là đương nhiên", vị chuyên gia nói.
Báo cáo môi trường quốc gia 2011-2015 vừa được Bộ Tài Nguyên và Môi công bố cho biết, tại các đô thị lớn như Hà Nội hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí AQI1 cho thấy, tại các đô thị lớn, số ngày có AQI ở mức kém (AQI = 101-200) và xấu (AQI = 201-300) chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại (AQI>300). Nồng độ bụi cũng thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, điều này được thể hiện rõ ở khu vực miền Bắc. Số liệu quan trắc tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho thấy ô nhiễm bụi (đặc biệt là bụi mịn) thường tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa (từ tháng 11 đến tháng 3). |
Theo Thắng Quang (Zing.vn)