Từ ngày 10 đến sáng 11/2, hàng trăm người dân ở Hà Tĩnh ra ngã ba, ngã tư dọc quốc lộ 1A để đón xe khách vào Nam ra Bắc làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Hành khách chủ yếu là công nhân, sinh viên không đặt mua vé xe từ trước. Dù đứng chờ ở quốc lộ từ 7h sáng, song đến trưa, nhiều người vẫn chưa bắt được xe. Mỗi khi ôtô chạy qua, họ giơ tay vẫy, đáp lại là cái lắc đầu từ phụ xe bởi phương tiện đã kín chỗ.
Đứng ở ngã ba Thạch Long (huyện Thạch Hà), anh Nguyễn Văn Tâm (công nhân) cho biết đã đợi hơn ba tiếng nhưng vẫn chưa đón được xe vào TP HCM. Theo anh Tâm, ngày bình thường giá vé là 800.000 đồng một người, sau Tết nhà xe tăng giá gấp đôi.
"Không kịp đặt vé từ trước nên bây giờ tôi rất khó xử, sợ vào muộn lỡ việc. Giá vé đắt hơn và thậm chí không có giường nằm mà phải ngồi giữa xe tôi cũng chấp nhận nhưng các nhà xe không đồng ý", anh Tâm nói.
Không đón được xe, nhiều người mệt mỏi khi đứng vạ vật bên quốc lộ 1A, một số em nhỏ dựa vào va li hoặc ngủ gục trên vai bố mẹ.
"Hôm qua tôi bắt xe vào Đắk Lắk và bị hét giá 1,5 triệu đồng mỗi người. Giá này cao gấp ba lần ngày thường nên gia đình đành quay về nhà. Sáng nay, mong cả nhà sẽ gặp may, bắt được chiếc xe có giá mềm hơn", chị Trần Thị Lý (trú huyện Cẩm Xuyên) nói.
Lãnh đạo Công ty cổ phần bến xe Hà Tĩnh cho rằng, "nhiều người dân đã tự làm khó mình khi không chủ động vào bến mua vé mà ra dọc quốc lộ 1A đón xe, dẫn tới việc bị chặt chém hoặc lỡ hành trình".
Theo vị này, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau dịp nghỉ Tết, bến xe Hà Tĩnh đã tăng 20 đầu xe mỗi ngày, nâng tổng số đầu xe tại bến lên hơn 100 xe. Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà xe tăng không quá 30% giá vé so với ngày thường, ký cam kết niêm yết giá vé công khai.
"Việc người dân không vào bến mua vé khiến doanh nghiệp không dự trù được lượng khách để tăng cường đầu xe, các bên liên quan trong đó chính người dân, các nhà xe và cơ quan quản lý đều gặp khó khăn với tình huống này", lãnh đạo bến xe Hà Tĩnh nói.