Có nhiều người đã tự nhận mình tham gia tàn phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định). Vậy, ai là chủ mưu thực sự đứng đằng sau vụ phá rừng nghiêm trọng này?
Vụ việc 60,9ha rừng tại xã An Hưng bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc đang khiến dư luận tại tỉnh Bình Định sục sôi. Theo tìm hiểu của Dân Việt, các đầu mối về kẻ chủ mưu phá rừng đang dần lộ diện.
Lâm tặc đã dọn sạch gần 61ha rừng tại huyện miền núi An Lão, Bình Định. (Ảnh: D.T). |
Theo ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện tại cơ quan chức năng đã tạm giữ lô gỗ có khối lượng hơn 26m3 và 28 ster củi cháy không có giấy tờ, được phát hiện tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Trường Sơn tại xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty CP Đầu tư - kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, do ông Lê Văn Thiệt làm Tổng Giám đốc - PV). Điều đáng nói, lô gỗ này được nghi do lâm tặc vận chuyển từ khu vực rừng bị phá (xã An Hưng).
“Ban đầu làm việc, có đến 5 người nhận nhưng qua đấu tranh thì còn lại 2 người nhận số gỗ trên. Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp điều tra làm rõ đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép", ông Dũng cho hay.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định. (Ảnh: D.T) |
Theo nguồn tin của ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, doanh nghiệp đã “kêu gọi” nông dân chia nhỏ để nhận trách nhiệm phá rừng với mục đích chạy tội. Điều đáng ngạc nhiên, có rất nhiều người tự nhận chính mình là kẻ phá rừng.
“Trước đây, có đến khoảng 6 người nhận phá rừng nhưng hiện tại có 2 người nhận. Đặc biệt, có một ông chăn trâu đã đến gặp tổ công tác và tự nhận mình là người tổ chức phá rừng. Tuy nhiên, theo nguồn tin ông này trước đây là lái xe cho ông Thiệt. Vì vậy, cần điều tra làm rõ. Vụ việc này nghiêm trọng đến mức, Bí thư huyện An Lão nói nếu không điều tra cho ra thủ phạm phá rừng thực sự thì sẽ không dám làm Bí thư nữa, vì vừa qua vụ việc phá rừng có hiện tượng đối phó trách nhiệm”, ông Hổ cho hay.
Dùng tiền “mua” người dân nhận phá rừng?
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão đưa ra thông tin, khu vực rừng bị tàn phá là nơi có trại nuôi bò lâu năm của ông Thiệt.
“Đây cũng là một lý do khiến kiểm lâm chủ quan, có kiểm tra nhưng đi không hết địa bàn nên không phát hiện được lâm tặc phá rừng”, ông Tá phân trần.
Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão. (Ảnh: D.T) |
Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão tỏ ra lo lắng: “Cần điều tra đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vì tình hình hiện nay, tôi nghe thông tin là người ta dùng tiền mua một số hộ dân để bà con nhận chia nhỏ ra, nếu không xử lý được thì sẽ rất khó khăn cho địa phương”.
Ông Nam thừa nhận, khi nghe tin vụ phá rừng với quy mô lớn trên địa bàn, lãnh đạo huyện An Lão rất ngỡ ngàng. Bởi lẽ, theo lý do mà ông đưa ra là lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo, có kế hoạch quản lý rừng rất cụ thể nhưng Hạt kiểm lâm An Lão triển khai không nghiêm túc. 7 tháng đầu năm 2017, có đến 5 Chủ tịch UBND xã nơi địa bàn để xảy ra phá rừng bị kiểm điểm, thế nhưng tình trạng phá rừng vẫn tái diễn.
“Cây rừng được đốn và chở về ở dưới xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) chỉ có 1 tuyến đường độc đạo. Trong khi đó, trạm kiểm lâm Hoài Sơn cách vùng này 5 km, được đặt ngay trên đường nhưng suốt thời gian dài trạm kiểm lâm không phát hiện được người ta chở cây ra, vào. Không hiểu lý do vì sao?”, ông Nam thắc mắc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Tấn - Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn - cho rằng, trạm kiểm lâm được ông Nam nhắc đến không phải chốt kiểm lâm của huyện mà chỉ là chốt bảo vệ rừng hình thành từ dự án trồng rừng trước đó.
“Trạm này mục đích là quản lý rừng hiện có, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ là chốt trưởng, kiểm lâm địa bàn là chốt phó. Trạm chỉ hoạt động giờ hành chính, những người phụ trách chỉ làm ban ngày, ban đêm không trực”, ông Tấn nói.
Theo nhận định của lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Bình Định, lâm tặc đã lợi dụng ban đêm để mang gỗ ra khỏi rừng từ con đường độc đạo này, chuyển về xưởng chế biến gỗ tại huyện Hoài Nhơn.
Lượng cây khai thác trái phép còn ngổn ngang tại hiện trường. (Ảnh: D.T) |
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đặt ra nghi vấn, chỉ có 1 đường độc đạo (đi qua chốt chặn bảo vệ rừng tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn - PV) lâm tặc mang gỗ ra khỏi rừng nhưng không ai phát hiện là điều rất lạ.
“Ai chủ mưu, ai cầm đầu, phải làm cho ra! Đây là cả uy tín danh dự của tỉnh và trách nhiệm của tỉnh với Trung ương. Tôi yêu cầu Chi cục kiểm lâm chỉ đạo Hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nguồn gốc gỗ tại các xưởng chế biến sản xuất gỗ trên địa bàn. Nếu Hạt nào để gỗ lậu trong xưởng, ngay lập tức cắt chức Hạt trưởng Hạt kiểm lâm. Họ sản xuất sờ sờ đó mà để vậy là không được, không biết trong này có sự thông đồng hay không, cần làm rõ điều này”, ông Dũng yêu cầu.
Theo D.Tuấn (Dân Việt)