Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị Hà Nội khẳng định 23% người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đi buýt nhanh sau 5 tháng hoạt động.
Dự án buýt nhanh Hà Nội được đầu tư với tổng số vốn 55 triệu USD (tương đương với hơn 1.100 tỷ đồng) chính thức vận hành từ ngày 1/1.
Sau 5 tháng hoạt động, nhiều người cho rằng dự án đang thất bại bởi số lượng hành khách ít, không đúng như kỳ vọng của người dân.
Về vấn đề này, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị Hà Nội, khẳng định sau 5 tháng hoạt động hiệu quả của buýt nhanh là lượng hành khách sử dụng tăng, 23% người dân bỏ phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông trên hành lang giao thông Tố Hữu - Lê Văn Lương - Giảng Võ...
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội. Ảnh: Văn Chương. |
Hành khách tăng, 23% người dân bỏ xe máy đi BRT
- Trong 5 tháng buýt nhanh chính thức hoạt động, ông cho rằng đã đến lúc đánh giá mức độ hiệu quả của buýt nhanh?
- Tôi cho rằng việc đánh giá hiệu quả của BRT sau 5 tháng hay 1 năm hoạt động là chưa đủ. Khi áp dụng một biện pháp giao thông chúng ta phải có cái nhìn toàn diện và dài hơn.
Tuyến BRT 01 được vận hành trên hành lang giao thông rất phức tạp, mật độ giao thông cao. Ai cũng biết rủi ro ùn tắc khi đưa một loại hình vận tải công cộng mới vào hành lang Tố Hữu – Lê Văn Lương – Giảng Võ lớn như thế nào.
Theo số liệu thống kê, thời điểm buýt nhanh chạy miễn phí, lượng khách trung bình là 30 khách/lượt, 3 tháng bán vé, lượng khách trên 40 khách/lượt.
Trong số khách đi buýt nhanh có đến 23% bỏ xe máy để sử dụng loại hình vận tải công cộng này. Đây là tín hiệu khá tích cực và là mục đích của vận tải công công.
Tôi cho rằng đó được xem là hiệu quả của buýt nhanh Hà Nội.
- Con số 23% người dân bỏ xe máy để sử dụng buýt nhanh đã được khảo sát như thế nào?
Buýt nhanh Hà Nội vận hành trên hành lang giao thông phức tạp. Ảnh: Tiến Tuấn - Lê Hiếu. |
- Chúng tôi phát phiếu khảo sát cho 5.000 hành khách sử dụng buýt nhanh. Trong phiếu khảo sát có độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, phương tiện đi lại trước khi sử dụng BRT… 23% hành khách nói rằng họ bỏ xe máy để chuyển sang buýt nhanh.
- Theo thống kê, hiện nay buýt nhanh trung bình có hơn 40 hành khách/lượt trong khi đó số hành khách có thể phục vụ của xe BRT là 90 người. Như vậy, công suất mỗi xe chưa đạt 50%?
- Trước đây, chúng tôi có một tuyến buýt thường ký hiệu BN nhiệm vụ “chạy mồi” cho tuyến BRT. Tuyến BRT hơn 1 năm với lộ trình giống như tuyến buýt nhanh hiện tại.
Theo thống kê, trung bình mỗi xe buýt thường chỉ có 12 khách/lượt (chiếm 20% công suất của xe). Trong khi đó lượng khách trung bình của buýt nhanh là hơn 40 khách/lượt (gần 50% công suất của xe).
Lượng khách trung bình của buýt thường là 3.000 khách/ngày. Trong khi đó lượng khách của buýt nhanh khoảng 13.000 khách/ngày, cao điểm hơn 17.000 khách/ngày.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc). |
Mất lượng khách lớn vì đường sắt trên cao
- Đến năm 2018, khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, BRT sẽ mất một khối lượng hành khách đáng kể. Ông có nghĩ như vậy?
- Chắc chắn khi tuyến đường sắt trên cao hoạt động sẽ ảnh hưởng đến lượng khách đang sử dụng buýt nhanh. Nhiều người sẽ chọn đường sắt bởi vận hành nhanh hơn.
Nhưng hành lang BRT và đường sắt trên cao nằm ở hai vị trí khác nhau. Đặc biệt, hành lang BRT đang có tốc độ phát triển đô thị rất lớn. Một loạt công trình, khu dân cư đang mọc lên ồ ạt.
Chúng ta phải xây dựng BRT để đón sẵn sự phát triển đô thị ồ ạt này. Nếu để 5-10 năm nữa khi tuyến đường này chật chội mới phát triển BRT e rằng không kịp.
Theo ông Hải, 23% hành khách bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng buýt nhanh. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Hà Nội sẽ thí điểm cho buýt thường chạy chung đường với buýt nhanh vì lượng khách. Nhiều người cho rằng không nên vì một việc tức thời mà phá vỡ quy hoạch lớn?
- Hiện nay buýt nhanh đang có tuần suất 5-10 phút/chuyến. Vì thế trên hành lang này có nhiều khung giờ trống. Để tránh lãng phí, chúng ta có thể kết hợp sử dụng buýt thường vào để tận dụng. Tôi cho rằng đây là phương án khả thi.
Khi đề xuất áp dụng sẽ không xe buýt thường nào chạy dọc toàn tuyến buýt thường chạy chung đường với buýt nhanh mà chỉ chạy chung ở 1-2 km.
Nguy cơ xung đột giao thông giữa buýt thường và buýt nhanh sẽ có nhưng nó ở mức thấp.
Chưa thể nói buýt nhanh thất bại
- Buýt nhanh được đầu tư 55 triệu USD (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo ông với lượng khách hiện nay, dự án BRT có hoàn được vốn?
- Một dịch vụ công cộng không thể đánh giá đến hiệu quả kinh tế trong 6 tháng, 1 năm được.
Tôi cho rằng hiệu quả của tuyến BRT này không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông. Đây là những thứ mà chúng ta không thể tính toán được ra tiền.
Còn hiệu quả kinh tế, về việc có hoàn được vốn trong 50 năm hay không thì tôi không thể trả lời chính xác vào thời điểm này.
Có thể thời gian tới, sang năm hoặc sang năm nữa lượng khách sẽ có sự thay đổi. Chúng ta nên nhớ buýt nhanh mới chỉ vận hành được 5 tháng.
Lộ trình tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: Google Maps. |
- Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội biết buýt nhanh thất bại nhưng vẫn cố thực hiện bằng được. Quan điểm của ông như thế nào?
- Không thể nói buýt nhanh thất bại được.
Một giải pháp chúng ta đưa ra mà nó làm giao thông Hà Nội phức tạp, hỗn loạn thêm thì mới là thất bại.
Hà Nội đưa vào một giải pháp thí điểm mà chưa được thực hiện ở Việt Nam, trong một bối cảnh giao thông phức tạp mà đến nay kết quả như vậy đó là tín hiệu khá tích cực.
Từ khi buýt nhanh vận hành, lượng hành khách liên tục tăng, chất lượng hành lang giao thông được cải thiện, áp lực giao thông trên tuyến đường thấp đi…
Vẫn biết chúng ta còn nhiều việc cần phải làm với tuyến BRT này nhưng để đánh giá buýt nhanh thành công hay thất bại thời gian sẽ trả lời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)