Sau trận lũ lịch sử quét qua, hàng chục người dân vùng rốn lũ Bình Định bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện cấp cứu. Nhiều trường hợp chuyển biến nặng, dẫn đến rối loạn đông máu.
"Từ trước đến nay, chưa bao giờ khoa Nội Tổng hợp lại tiếp nhận cấp cứu nhiều người dân bị rắn cắn như vậy. Bệnh nhân bị rắn cắn tăng đột biến, có ngày nhập viện 3-4 ca, nhiều trường hợp chuyển biến nặng dẫn đến rối loạn đông máu. Vùng cơ thể bị rắn cắn sưng bầm, phù nề, các bác sĩ phải điều trị tích cực", bác sĩ Dũng nói.
Các chuyên gia truy tìm nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ cắn người tăng đột biến ở miền Trung cuối năm 2014. Ảnh: Minh Hoàng. |
Lãnh đạo nhiều địa phương ở Bình Định lo ngại người dân dọn dẹp sau mưa lũ bị rắn lục đuôi đỏ cắn không biết xử lý ban đầu, bị chuyển biến nặng phải cấp cứu nên hoang mang, lo lắng.
Trước đó, sau đợt mưa lũ lịch năm 2013, đến giữa cuối năm 2014, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người dân các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, khiến số lượng người nhập viện cấp cứu tăng đột biến.
Các chuyên gia Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về miền Trung khảo sát, truy tìm nguyên nhân. Các chuyên gia kết luận rắn lục đuôi đỏ tăng bất thường ở khu vực này là do biến đổi khí hậu.
Loài rắn xuất hiện nhiều và cắn người tại một số tỉnh Nam Trung Bộ chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ (còn gọi tên khác là rắn lục mép trắng, rắn lục tre, tên khoa học là Trimeresurus Albolabris, thuộc họ Rắn lục Viperidae).
Loài rắn này thường không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. Thời tiết ấm áp dài tạo thuận lợi cho rắn lục đuôi đỏ phát triển và sinh sản kéo dài hơn mọi năm.
Mặt khác, các trận lũ lớn trước đây đã cuốn loài rắn lục đuôi đỏ từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào đã kích thích loài này sinh sản nhiều bất thường.
Theo Minh Hoàng (Zing.vn)