Muốn vào nội đô, tài xế phải nộp tiền
Thông tin TP. Hà Nội sẽ xây dựng 87 trạm thu phí phương tiện ô tô đi vào nội đô bắt đầu từ năm 2025 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và nhất là các chủ phương tiện ô tô thường xuyên đi lại tại Hà Nội.
Đề xuất trên nằm trong đề án “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” do Sở GTVT và đơn vị tư vấn thực hiện với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150 km2.
Để thu phí phương tiện đi ô tô đi vào khu vực trên, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt. Trong đó triển khai làm 3 giai đoạn, đầu tư thí điểm 15 trạm ở giai đoạn 1; 59 trạm tại giai đoạn tiếp theo và hoàn thiện 13 trạm còn lại trong thời gian còn lại.
Việc thu phí sẽ áp dụng công nghệ không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, nhiều người dân và tài xế đã bày tỏ ý kiến của mình.
Anh Dương Trung Dũng (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn ranh giới “cứng” là đường vành đai 3 để thu phí là quá cứng nhắc vì đó không phải làn ranh của khu vực tắc đường và không tắc đường. Thực tế, ở nhiều khu vực bên ngoài vành đai này còn tắc “khủng” hơn khu vực nội đô rất nhiều.
“Nhà tôi chỉ cách vành đai 3 khoảng 500 mét, hàng ngày di chuyển bằng ô tô cá nhân. Nếu đi làm, đưa đón con cái và đi công việc phải sẽ qua lại đến cả chục lần. Vậy không hiểu sau này xe của tôi sẽ bị thu tiền như thế nào? Có chính sách miễn giảm gì không hay cứ qua trạm là mất tiền.”, anh Dũng chia sẻ băn khoăn với VietNamNet.
Còn anh Trần Văn Hiếu (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ quan điểm “Bản chất tắc đường một phần là do đường sá nhỏ hẹp, khu vực trung tâm tập trung quá nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan công sở, chung cư cao tầng,… Nhu cầu vào khu vực này là tất yếu chứ có ai muốn rúc vào chỗ tắc đâu?”.
Theo anh Hiếu, việc cần làm lúc này là đầu tư hệ thống hạ tầng, quy hoạch đô thị thật tốt. Đồng thời TP. Hà Nội sớm thúc đẩy các dịch vụ vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt thông minh, với diện bao phủ đủ lớn trước khi nghĩ tới việc thu phí phương tiện vào nội đô.
Liệu có khả thi?
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp ĐH Giao thông vận tải cho rằng, việc thu phí để vào một khu vực hạn chế nào đó đã được áp dụng ở một số quốc gia như Anh, Singapore và đạt hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng tại Hà Nội và cho rằng, nếu lấy “vùng thu phí” là vành đai 3 trở vào thì chưa hợp lý bởi lẽ phạm vi quá rộng. Trong khi khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông lại không chỉ riêng trong vành đai 3.
“Các cơ quan tư vấn cần có đánh giá hợp lý trước khi thực hiện. Có thể thí điểm trong 1 khu vực nhỏ như 1-2 quận, nếu khả thi thì mở rộng quy mô ra và phải theo lộ trình cụ thể chứ không nên áp việc thu phí một cách tuỳ tiện khi chưa có nghiên cứu, thí điểm”, GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo GS.TS Sùa, muốn đạt hiệu quả thì việc thu phí phải đúng là “không dừng”, điều này có thành công hay không phụ thuộc lớn vào thiết bị và công nghệ. Trước đó, cần có các quy định bắt buộc xe ô tô phải được liên thông với hệ thống thanh toán không dừng và bổ sung chế tài xử phạt với các xe cố tình không nộp phí.
“Nếu không áp dụng triệt để, lái xe vẫn phải xếp hàng dài chờ thanh toán mới được qua thì 87 trạm thu phí này sẽ tạo thành 87 điểm tắc nghẽn giao thông mới của Thủ đô. Lúc đó, mục tiêu là “giải quyết ùn tắc” sẽ bị phá hỏng”, GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng, các phương án kỹ thuật áp dụng thu phí cần được thực hiện khoa học, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ tại trạm dẫn đến mục tiêu ban đầu chưa giải quyết được lại tạo ra bất cập mới. Đồng thời, khi triển khai thu phí cần tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm, phương tiện ưu tiên,...
Ngoài ra, vị chuyên gia giao thông này lưu ý, Hà Nội cần có phương án giải trình về việc sử dụng nguồn phí thu được từ các xe ô tô đi vào nội đô.
“Khoản phí thu được nêu với mục đích giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, vậy sẽ được bổ sung vào ngân sách xây dựng hạ tầng của thành phố như thế nào? Điều này Hà Nội phải làm rõ để đáp ứng với lòng tin của người dân”, TS. Phan Lê Bình nói.
Rõ ràng, khi bắt đầu thực hiện thu phí với ô tô vào khu vực nội đô vào năm 2025, người dân sẽ phải có những sự thay đổi trong thói quen sử dụng ô tô cá nhân, thậm chí buộc phải có những lựa chọn mới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để Đề án trên khả thi và thực sự đạt được hiệu quả thì một trong những công việc tiên quyết là từ nay đến 2025, TP. Hà Nội cần hoàn thiện ngay hệ thống vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt trên cao đang chậm tiến độ.
Cùng với đó là phát triển thêm các loại hình vận tải mới như xe điện, xe trung chuyển, xe ghép,... Cùng với đó là xây dựng các bãi gửi ô tô quy mô lớn gần các trạm thu phí và hạ tầng cho xe đạp như một số nước trên thế giới đang áp dụng.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)