Ngày 5/1, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) giai đoạn một có công suất 25 triệu hành khách sẽ được khởi công. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các nhà thầu sẽ xây dựng hàng rào, kết cấu bê tông, đường băng. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao giai đoạn một cho chủ đầu tư 1.600 ha mặt bằng sạch, còn lại 200 ha đất người dân chưa di dời do chưa có địa điểm tái định cư.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một bao gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, dự kiến hoàn thành 2025. Tổng mức đầu tư là hơn 109.000 tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD).
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành được xây dựng theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, mục tiêu là cảng hàng không lớn trong khu vực và thế giới.
Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) đang thực hiện các thủ tục để có thể khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào tháng 10 và hoàn thành giữa năm 2023. Tổng đầu tư công trình khoảng 10.990 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Theo quyết định đầu tư, nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách một năm, diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2, được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, nhà ga được xây dựng đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn 5 làn xe và sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng.
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 mới đạt khoảng 28 triệu. Do đó, việc xây thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách sẽ khắc phục tình trạng tắc nghẽn tại đây.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Ngày 4/1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ khởi công. Tuyến cao tốc dài 22 km, điểm đầu dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối quốc lộ 1, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng bằng vốn ngân sách.
Tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ dự án giai đoạn một trong năm 2023. Cao tốc này sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sắp hoàn thành, tạo thành tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, giảm tải cho quốc lộ 1 hiện nay.
3 dự án cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP
Giữa tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Đây là dự án cao tốc Bắc Nam đầu tiên theo hình thức PPP có nhà đầu tư.
Đoạn cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tổng vốn đầu tư 5.536 tỷ đồng, dự kiến khởi công giữa năm 2021, sau khi nhà đầu tư ký kết được hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án được thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn một quy mô 4 làn xe thiết kế với vận tốc 80 km/h.
Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại theo hình thức PPP gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định kết quả lựa nhà đầu tư, dự kiến khởi công năm 2021.
Năm 2017, Quốc hội đã quyết định đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, trong đó 8 dự án được đầu tư theo hình thức PPP, 3 dự án đầu tư công. Giữa năm 2020, Quốc hội đã quyết định chuyển thêm 3 dự án PPP sang hình thức đầu tư công. Trong 5 dự án còn lại, hai dự án không có nhà đầu tư tham gia sau khi mời thầu.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Cuối tháng 12/2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã tuyển chọn thiết kế cho tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với kỳ vọng là tuyến đường đẹp nhất cả nước, xuyên qua những dãy núi miền đông bắc Tổ quốc. Dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư để có thể khởi công cuối năm 2021.
Theo quyết định được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dài 115 km, tổng vốn 20.939 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP.
Tuyến đường có 52 km thuộc Lạng Sơn và 63 km thuộc Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam; kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.
Tuyến đường có quy mô tương tự dự án cao tốc Bắc - Nam, gồm 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17 m, tốc độ 80 km/h, đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế 60 km/h.
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô đi mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nhà chức trách ước tính thời gian từ Hà Nội đến Cao Băng sẽ rút xuống còn 2-2,5 giờ.
Sân bay Long Thành khởi công ngày 5/1 Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giảm 2.500 tỷ đồng Dự án cao tốc Bắc Nam được triển khai thế nào? 4 bộ, ngành giám sát đầu tư cao tốc Bắc Nam Đấu thầu ba dự án cao tốc Bắc Nam