Nhiều chuyên gia lo ngại về dải phân cách cứng phục vụ buýt nhanh

18/01/2017 20:44:00

Trước việc hạ tầng giao thông quá tải, một số chuyên gia cho rằng việc cưỡng bức phân làn bằng dải phân cách cứng để ưu tiên buýt nhanh có thể dẫn đến tai nạn trên đường phố.

Trước việc hạ tầng giao thông quá tải, một số chuyên gia cho rằng việc cưỡng bức phân làn bằng dải phân cách cứng để ưu tiên buýt nhanh có thể dẫn đến tai nạn trên đường phố.

Nhà chờ Nguyễn Tuân là một trong 4 điểm sẽ được thí điểm lắp dải phân cách cứng. Ảnh: Bá Đô

Sở Giao thông Hà Nội vừa đồng ý thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng ở làn xe buýt nhanh, nhằm chống tình trạng các phương tiện khác cố tình lấn làn. Dải phân cách sẽ cao khoảng 60 cm, là loại hàng rào nhẹ, di động, dự kiến được đặt từ bến chờ đến các điểm giao cắt.

Trước mắt, Hà Nội sẽ thí điểm dải phân cách cứng ở 4 khu vực nhà chờ: Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy và Giảng Võ.

Trao đổi với PV về chủ trương trên, đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội) cho hay đơn vị chưa nhận được phương án nên chưa thể đưa ra đánh giá chính thức. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc đưa buýt nhanh vào hoạt động là chủ trương tốt, giúp giảm xe cá nhân và xe buýt cần được ưu tiên.

“Có một thực tế là hạ tầng giao thông ở Hà Nội đang quá tải, tuyến đường rộng nhất chỉ được 16 m dành cho làn xe chạy, trong khi đó một làn dành cho buýt nhanh, do vậy áp lực giao thông sẽ rất lớn, khiến lực lượng chức năng vất vả hơn”, Đại tá Thắng nói.

Từ lý do trên, ông Thắng cho rằng bước đầu nên tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành và thay đổi ý thức tham gia giao thông thay vì sớm xử phạt và dùng các biện pháp cứng.

nhieu-chuyen-gia-lo-ngai-ve-dai-phan-cach-cung-phuc-vu-buyt-nhanh-1
Nhiều thời điểm, xe buýt nhanh trở thành chậm vì giao thông ùn ứ, các phương tiện lấn làn.Ảnh: Bá Đô

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm hiện nay. Hà Nội cần tính toán hợp lý hơn để hạn chế lãng phí. "Hạ tầng, áp lực giao thông quá lớn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khi phân làn cưỡng bức”, ông Thủy lo ngại.

Ông Thủy phân tích, xe buýt thường ở các nước mỗi giờ có thể vận chuyển 5.000 lượt khách, tuy nhiên xe buýt nhanh ở Hà Nội với hàng chục xe, mỗi ngày vận chuyển trên 10.000 lượt hành khách (đạt khoảng 30% công suất). Với con số như vậy thì chưa thu hút người dân, không nên cưỡng bức phân làn để ưu tiên loại hình vận tải này mà xem nhẹ các phương tiện khác.

"Hà Nội cần nghiên cứu kỹ và có đánh giá cụ thể, chỉ khi tuyến này hoạt động đạt công suất 70-80%, vận chuyển 30-50 ngàn lượt hành khách thì mới tiến tới phân làn cưỡng bức, ưu tiên buýt nhanh", ông Thuỷ khuyến cáo.

nhieu-chuyen-gia-lo-ngai-ve-dai-phan-cach-cung-phuc-vu-buyt-nhanh-2
Khu vực nhà chờ Giảng Võ cũng sẽ thí điểm lắp dải phân cách cứng. Ảnh: Bá Đô

Cũng cho rằng việc lắp đặt dải phân cách cứng dễ khiến các phương tiện va quệt, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, ông Lê Đỗ Mười (Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải) cho rằng cần phải làm đồng bộ hạ tầng, hiện làn đường còn lại cho các phương tiện khác khá hẹp nên phân cách cứng sẽ "khó khả thi".

Theo Bá Đô (VnExpress.net)

Nổi bật