Với việc làm và thu nhập lý tưởng mà các đối tượng này vẽ ra, không ít gia đình đã đánh liều, vay mượn gom góp để cho con em đi. Lao động Nguyễn Văn Đông ở Thanh Hà cho biết: “Ở xã em đã có một số người đi nên cứ người nọ giới thiệu người kia. Mọi người đều nghĩ thôi cứ coi như là đánh bạc, 5 ăn, 5 thua. Còn hơn ở quê, công việc ít lại lương thấp”.
Ngày 26-1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động xuất khẩu lao động trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra thông báo, trước mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc của rất nhiều người lao động, hiện đang có rất nhiều thông tin không chính xác để thu tiền bất chính và thậm chí là lừa đảo người lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
Qua phản ánh từ các địa phương về Bộ LĐ-TB&XH, đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Hàn Quốc, hứa hẹn tìm việc làm thông qua con đường đi du lịch, du học, kết hôn, thậm chí cả đi làm việc theo chương trình của Bộ LĐ-TB&XH với hợp đồng lao động giả mạo. Điều đáng chú ý là các đường dây này còn giả mạo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH có dấu và chữ ký của lãnh đạo Bộ.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, toàn bộ thông tin con dấu và chữ ký trong các thông báo này đều là giả mạo. Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc. Việc kiểm chứng hết sức đơn giản qua thông tin tại Trung tâm Lao động ngoài nước và Cục QLLĐNN về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc chính thức hiện đang triển khai.
Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, đại diện Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo, người lao động cần cảnh giác trước những lời mời gọi đi làm việc tại Hàn Quốc từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Khi có thông tin về tổ chức hay cá nhân tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hay các dạng xuất cảnh trá hình để sang Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp như du lịch, du học, kết hôn giả…, người lao động nên tố giác tới Cục QLLĐNN, Trung tâm Lao động ngoài nước, hoặc Sở LĐ-TB&XH tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú để các cơ quan chức năng phối hợp xử lý.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết những rủi ro khi làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó lưu ý chính sách xử phạt người lao động bất hợp pháp của Chính phủ Hàn Quốc. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Người lao động đã vi phạm quy định của luật kiểm soát nhập cư (như lao động có thời gian cư trú bất hợp pháp) thì sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay trước khi bị trục xuất về nước để lưu vào hồ sơ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; sẽ bị từ chối cấp visa và bị từ chối nhập cảnh.
Do vậy, người lao động Việt Nam cần nhận thức rõ quyền và lợi ích của việc làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc, cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi làm việc bất hợp pháp. Người lao động cũng cần biết tới các hình thức đi làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, quy trình thủ tục và địa chỉ đăng ký đi làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc để tránh tình trạng đi qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Bộ LĐ-TB&XH thông báo các chương trình đang triển khai đi làm việc tại Hàn Quốc hợp pháp Hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang được triển khai thực hiện dưới 3 hình thức: (1) Lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS) do Trung tâm Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện; (2) Lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc do các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam triển khai đưa đi; (3) Lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao (Chương trình Thẻ Vàng). Đối với chương trình EPS, hiện Thỏa thuận bình thường về chương trình hợp tác Bộ LĐ-TB&XH chưa được ký lại, Bộ sẽ thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khi Việt Nam và Hàn Quốc ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về hợp tác lao động giữa 2 nước. Hiện còn lại 2 chương trình là thuyền viên tàu cá và Chương trình Thẻ Vàng là người lao động có thể đi làm việc tại Hàn Quốc khi đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Để tham gia, người lao động phải đăng ký tại các doanh nghiệp được Cục QLLĐNN cấp phép và thẩm định hợp đồng. Thông tin cụ thể được đăng trên trang thông tin điện tử của Cục QLLĐNN (www.dolab.gov.vn). |