3 ca sốt xuất huyết chuyển viện đều tử vong
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được phân công điều trị các bệnh truyền nhiễm với 550 giường bệnh. Nhưng hiện tại, bệnh viện đang có 739 ca mắc sốt xuất huyết, chưa tính các bệnh lý khác.
Nhiều khoa phòng đồng loạt phải chia lửa, tăng cường giường xếp ở hành lang. Khoa Hồi sức tích cực trẻ em sẽ ngưng nhận bệnh để dành giường cho người lớn mắc sốt xuất huyết nặng.
Đáng nói, nhiều ca nặng có thể hồi sức ở tuyến tỉnh nhưng vì tỉnh thiếu dung dịch cao phân tử nên bắt buộc phải chuyển lên TP.HCM. “Hiện nay chúng tôi vẫn chịu được nhưng vài tháng tới khi sốt xuất huyết vào đỉnh dịch thì không chắc chắn”, BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chia sẻ.
Tình trạng tương tự xảy ra với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện, từ đầu năm đến nay đơn vị này đã tiếp nhận hơn 4.500 trẻ đến khám do mắc sốt xuất huyết và gần 2.000 trường hợp nội trú.
Mới đây, 3 bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đều tử vong sau khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngay sau đó, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức họp, đánh giá nguy cơ và nhận thấy thời gian di chuyển từ Củ Chi vào trung tâm TP tốn hơn 2 giờ, không an toàn cho người bệnh sốt xuất huyết nặng.
Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi có nhân sự chủ yếu là bác sĩ trẻ, những người có kinh nghiệm hiện đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác. Về trang thiết bị, bệnh viện có đầy đủ máy thở, phương tiện lọc máu.
Do đó, ngoài tập huấn lại chuyên môn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ hỗ trợ hội chẩn khi có ca bệnh nặng, điều trị ngay ở tuyến dưới, tránh chuyển viện nguy hiểm cho người bệnh.
Sẽ sản xuất dung dịch cao phân tử tại Việt Nam
Một vấn đề nổi cộm được đề cập nhiều lần là thiếu dịch truyền cao phân tử Dextran. Không chỉ TP.HCM mà tất cả các tỉnh phía Nam đều gặp khó vì hết dịch truyền này, phải thay thế bằng HES 130. HES 130 hiệu quả không cao bằng Dextran và chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán.
Bộ Y tế khẳng định sẽ sớm bổ sung các hướng dẫn cần thiết để thanh toán BHYT với dịch truyền HES 130, giúp bác sĩ yên tâm điều trị cho bệnh nhân trong bối cảnh thực tế.
Đại diện Cục quản lý Dược cho hay, hiện đang cố gắng để có dung dịch cao phân tử Dextran sớm nhất cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, phải chờ từ 6-9 tháng sau khi đặt hàng do Công ty dược phẩm Otsuka tại Thái Lan không có hàng sẵn.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần dược phẩm Otsuka Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký cấp phép lưu hành Dextran 40 vào tháng 7/2022. Sau đó sẽ tiến hành sản xuất dung dịch cao phân tử Dextran tại nhà máy của công ty Otsuka đặt ở Đồng Nai.
Như vậy trong tương lai, Việt Nam có thể chủ động nguồn dịch truyền dành riêng cho sốt xuất huyết nặng, thay vì phụ thuốc vào nguồn cung duy nhất tại Thái Lan.
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, dịch truyền này trên thế giới đã không còn sử dụng, các quốc gia châu Âu cũng không quan tâm do không có dịch sốt xuất huyết. Trong khi đó, dịch truyền Dextran rất thiếu yếu khi bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
“Đề nghị Bộ Y tế có cơ chế riêng với các công ty dược khi nhập khẩu các thuốc quý hiếm như Dextran để luôn trong tư thế sẵn sàng, đồng thời tạo điều kiện sản xuất Dextran tại Việt Nam, không bị động khi có dịch”, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Theo Linh Giao (VietNamNet)