Đã 5 ngày qua, nhưng chị Huỳnh Thị Như Ngọc (quê Anh Giang, tạm trú tại tổ 3, khu phố 9, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương ) vẫn chưa hết bức xúc khi con trai là Nguyễn Huỳnh Nhật Huy, 8 tháng tuổi bị sốt cao nhưng không có bệnh viện nào tiếp nhận.
Chị Ngọc kể, tối 10/8, con trai bị sốt cao, hai vợ chồng chị đi xe máy chở con đến các bệnh viện ở thành phố Thủ Dầu Một, như: Bệnh viện Phụ sản nhi Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa Medic, Bệnh viện Đa khoa Phương Chi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nhưng tất cả đều không tiếp nhận.
Có nơi nêu lí do không nhận cấp cứu trẻ dưới 5 tuổi vì không có chuyên khoa, chỗ thì đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nên không tiếp nhận bệnh thông thường. Sau cùng chỉ có Phòng khám Phụ sản nhi khoa Sài Gòn tiếp nhận khám cho bé với chuẩn đoán Sốt xuất huyết.
Chị Như Ngọc nghẹn ngào, nhìn con thở khó khăn, mặt đỏ bừng thì vô cùng lo sợ cho tính mạng của con mình. Đến các bệnh viện chị khóc lóc, van xin nhưng đều bị từ chối. Rất may, sau đó đã có chỗ tiếp nhận, khám, điều trị cho bé. Nếu không có Phòng khám này không biết bây giờ sức khỏe của con trai chị Ngọc sẽ ra sao.
“Lúc đó tôi lo lắng nên chạy lòng vòng ngoài đường, cũng may nhờ anh dân quân dẫn qua các chốt nhưng lại bệnh viện thì không chỗ nào nhận. Lúc đó, tôi sợ lắm. Giờ dịch bệnh mà bệnh viện không tiếp nhận, ngoài trường hợp con em thì có những trường hợp khác sẽ như thế nào”, chị Như Ngọc chia sẻ.
Trường hợp khác cũng đang ở "cửa tử", vỡ ối sắp sinh, nhưng không được bệnh viện nào tiếp là chị Lý Thị Đa Ghi (35 tuổi, quê Sóc Trăng, tạm trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Anh Lý Củn (32 tuổi, chồng chị Đa Ghi) kể: ngày 6/8, anh chở vợ chuyển dạ đi sinh nhưng bệnh viện, phòng khám ở thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, nơi thì đóng cửa, nơi thì lắc đầu không nhận. Quá lo lắng, anh chở vợ lên thành phố Thủ Dầu Một tìm bệnh viện.
Đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 ngay ngã tư Địa Chất, đoạn qua thành phố Thủ Dầu Một, trong lúc đang làm thủ tục qua chốt thì vợ bị vỡ ối. Rất may, một nữ cựu chiến binh có kiến thức về y tế đã đỡ đẻ thành công, cứu sống được hai mẹ con. Anh Lý Củn cho biết, lúc đó anh đứng bên ngoài lo sợ không biết tình hình như thế nào. Nếu hai mẹ con có chuyện gì chắc anh không sống được.
Bà Trần Thị Vàng, cựu chiến binh trực ở chốt ngã tư Địa Chất, người đã đỡ đẻ cho chị Lý Thị Đa Ghi nhớ lại, lúc đó nếu để sản phụ đi qua chốt sẽ rất nguy hiểm vì đã bị vỡ ối. Vì vậy, với một chút kiến thức về y tế bà đã cố gắng hỗ trợ sản phụ sinh con thành công.
“Tôi vừa cởi đồ ra thì thấy đầu em bé. Tình trạng đó buộc tôi phải làm thôi. Lúc đó, một tay tôi vịn đầu em bé, tay còn lại đỡ dưới lưng đem em bé ra. Đem em bé ra thì rất bối rối vì trong tay không có gì do đang trực chốt. Tôi móc nước miếng trong miệng em bé ra cho bé khóc, nhìn qua mẹ thì thấy đã an toàn”, bà Trần Thị Vàng kể lại.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế đều tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nên quá tải dẫn đến tình trạng người dân cần trợ giúp y tế nhưng không được tiếp nhận và xử trí kịp thời. Việc này gây phiền hà, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân. Cơ sở y tế không tuân thủ các quy định khám chữa bệnh, không tiếp nhận bệnh nhân... để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định, cần thiết chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định.
Theo người dân, hiện nay, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới chỉ nằm ở trên giấy, thực tế nhiều bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh không thể chỉ chăm chăm vào việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 mà “quên” chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ngành Y tế Bình Dương nên xem lại cách chỉ đạo, điều hành và xử phạt nghiêm các trường hợp từ chối nhận bệnh. Song song đó, nên lên danh sách cụ thể bệnh viện nào còn tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh thông thường để người dân không phải chạy lòng vòng tìm nơi tiếp nhận để rồi xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như vừa qua./.
Theo Thiên Lý (Vov.vn)