Khi mẹ có con trong đời...
Anh chị có một căn nhà nhỏ ở Hà Nam, 2 đứa trẻ và một tình yêu lớn. Ngày trước, anh lạc đường, đứng trước ngõ nhỏ nhà ngoại chị hỏi thăm lối về. Người con gái đáp lời anh, rồi anh chị quen nhau, rồi kết hôn. Nhanh lắm, dù chưa đến một năm.
Anh đi quét sơn, chị làm công ty. Cuộc sống nếu nói là dư dả thì không, nhưng đủ đầy và hạnh phúc.
Đón đứa con đầu lòng, anh chị không giữ được sau lần chị bị ngã xe máy. Vài tháng sau, chị chửa bé Chuột - đứa trẻ được hoài thai bằng tình thương và niềm hy vọng. Từ đó, chị nghỉ việc công ty, ở nhà lo cơm nước cho chồng. Khi nào mẹ tròn con vuông, chị mới tính đi làm trở lại.
Tháng 12/2016, bé Chuột chào đời. Đến cuối năm 2018, anh chị quyết định sinh thêm con. Lúc thai nhi được hơn 4 tháng, ngực chị thường xuyên đau, cứng, hạch nổi ở vai, cổ, chị ho nhiều, chân đau nhức. Khi đi thăm khám, người ta chỉ bảo là u xơ lành. Anh chị cũng nghĩ như thế, cho đến khi bệnh trở nặng, thì gần như mọi thứ xung quanh suy sụp, gói gọn lại ở 2 từ: ung thư.
Các bác sĩ của bệnh viện K cơ sở Tân Triều kết luận chị bị ung thư vú. Bệnh đã ở giai đoạn cuối, di căn vào phổi và xương. Anh giấu chị, các bác sĩ cũng không dám nói trực tiếp với bệnh nhân, bởi đứa bé trong bụng chị đang lớn lên từng ngày.
Nhật ký 55 ngày người mẹ ung thư và con trai cùng chiến đấu: Mong Bình An rồi sẽ bình an! Thực hiện: Minh Nhân. |
Chị Đỗ Thị Vân (chị gái anh Đỗ Văn Hùng) gặp riêng bác sĩ, hỏi: "Nếu bây giờ Liên bỏ con, tỷ lệ sống là bao nhiêu?".
"Điều này không thể nói trước được, bệnh nhân hiện đang ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Gia đình cứ suy nghĩ kĩ" - bác sĩ đáp.
"Bác sĩ bảo không sao cả, cứ đẻ xong đi rồi chữa", chị Vân cố trấn an em dâu.
Nếu bỏ con, chị Liên có thể chỉ sống được 1, 2 năm, tạm gọi là duy trì sự sống. Nếu sinh con, có thể đi cả mẹ lẫn con. Quyết định chính là ở chị Liên.
"Nhưng mà, Liên à..."- chị Vân thủ thỉ, "Nếu bỏ con, em xác định phải cố chữa được bệnh, không thì lúc nào em cũng nghĩ đến con, như vậy sẽ "đi" sớm hơn".
Đỗ Bình An là tên mẹ đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an
Chị Liên suy nghĩ trong một ngày. Đứa bé đã được 5 tháng, sự sống gần như đang bắt đầu từng giây từng phút. Nhưng chị đã đánh cược cả tính mạng vào "canh bạc" lớn nhất cuộc đời mình. Thậm chí nếu phải chết trên bàn mổ, chị vẫn sẽ sinh con bằng mọi giá.
"Thôi, em giữ con".
Từ Hà Nam, cả gia đình vay mượn tiền nong rồi khăn gói lên Hà Nội chữa trị cho chị. Bé Chuột anh chị gửi lại nhờ hai bên ông bà chăm sóc. Chị trải qua 2 đợt hoá trị, tóc rụng sạch trơn. 6 tuần sau hoá trị, chị khó thở, xuất hiện dấu hiệu tràn dịch màng phổi, chị được chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu để kịp thời hỗ trợ đặc biệt. Tất cả thuốc sử dụng đều được cân nhắc tuyệt đối để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.
Hai tháng sau, chị không thể nằm thở, phải ngồi suốt ngày đêm, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng. Để chị đỡ mỏi, anh mua chiếc bàn học sinh có bàn tựa phía trước cho chị ngồi, khi nào mệt quá thì gục xuống ngủ.
Cảm nhận được lằn ranh giữa sự sống - cái chết, chị dặn dò anh nhiều việc. "Nếu vợ có mệnh hệ gì, chồng cố gắng chăm con, nuôi chúng nên người". Anh chỉ biết gật đầu, không dám khóc.
Ngày 22/5/2019, thai nhi ở tuần thứ 31, sức khoẻ sản phụ rất yếu, sự chịu đựng của một người mẹ đã đến giới hạn. Để tránh nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con.
Lúc ấy, chị mệt rồi, chỉ gắng gượng thều thào: "Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an".
"Bác sĩ mổ bắt con, vợ cố gắng, con ra vợ sẽ đỡ mệt hơn". Anh đáp, lòng cồn cào khôn xiết.
Anh nắm tay chị lần cuối trước khi chị bước vào "trận chiến" quyết định. Bên cạnh chị lúc đó có các bác sĩ và cả Bình An, anh đã cầu nguyện để Bình An được ra đời khoẻ mạnh, chị kiên cường chiến đấu.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, chị phải ngồi nghiêng, cúi người để thở. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ. Chị được gây tê tuỷ sống thay vì gây mê, giảm thiểu khả năng không thể tỉnh lại. Suốt ca mổ, chị từ từ ngắm nhìn con. Dường như khi ấy, sự sống đối với người mẹ rất mong manh, nhưng chị đã cố gắng thật nhiều cho đến khi Bình An kịp cất tiếng khóc chào đời.
PGS.TS Trần Danh Cường - bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, xúc động nhớ lại: "Hôm ngồi mổ lấy thai, bác sĩ gây mê nói nhỏ với tôi rằng phải làm nhanh không sản phụ thay đổi huyết động sẽ gây ngừng tim".
Thế là, 16h10 chiều 22/5/2019, Bình An đến với thế giới này. Tiếng khóc của con đánh thức tất cả những ai có mặt trong phòng phẫu thuật lúc đó. Con sinh non, chỉ nặng 1,5kg, bị phù nhẹ, mọi bộ phận trong cơ thể đều non yếu, từ hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa... kèm theo suy hô hấp nặng. Bé lập tức được thở bằng máy qua mặt nạ, đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
"Lúc Bình An ra đời, chị thay mặt bố mẹ đưa cháu tới viện sản. Chị vui lắm, không biết diễn tả như thế nào. Nhưng khi ấy Liên vẫn còn đang nằm trong phòng phẫu thuật sau 24 tiếng" - chị Vân nói.
Tỉnh lại sau phẫu thuật, chị Liên chỉ kịp hỏi chồng một câu trước khi ngủ thiếp đi, "Con nặng bao nhiêu cân? Con thế nào rồi?".
Những ngày sau đó, mẹ và con, mỗi người nằm điều trị một nơi. Đã có những thời điểm, trải qua nhiều cuộc hội chẩn, bệnh tình 2 mẹ con diễn biến xấu. Khoảng cách 10 cây số giữa 2 mẹ con trở nên quá xa vời, thậm chí là không thể tới nơi.
Tại Trung tâm sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bình An bé xíu như hạt đậu. Con bắt đầu tập ăn sữa non 3 giờ một lần, mỗi lần 4 ml, không cần mặt nạ thở nữa mà đã thở máy qua mũi, độ bão hòa oxy trong máu ổn định, tim mạch tốt, hệ tiêu hóa có xu hướng phát triển tốt.
Sinh con hơn 20 ngày, chị vẫn chưa một lần được nhìn mặt con. Từ khi hôn mê cho đến lúc tỉnh lại, từ khi chỉ có thể dùng tay viết bảng, miệng thều thào những tiếng không ra hơi cho đến lúc nói được những câu tròn rõ, ước ao duy nhất của chị vẫn chỉ là được gặp Bình An. Chị bảo dù còn đau, còn mệt, nhưng bác sĩ cho đi gặp con lúc nào là sẽ đi ngay lúc ấy vì thương con, nhớ con, muốn bế con vào lòng.
"Con ngủ một tí thôi, mẹ nhớ gọi con dậy vì con sợ ngủ lâu", chị dặn mẹ.
"Bình An nắm tay mẹ à. Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ... mẹ sang"
"Nay em cũng khoẻ nhiều rồi, mong được nhanh gặp Bình An thôi".
"Em ăn uống nhiều rồi, đủ sức để đi gặp con. Nếu lựa chọn lại, em vẫn chọn con em, là người mẹ không bao giờ từ bỏ con mình. Ngày xưa em đau lắm, cả đêm đau phát khóc lên, nhưng sờ bụng có con ở đó nên thôi, không nghĩ gì nữa, tất cả là vì con, mong con từng ngày".
"Ngày nào em cũng xin chồng cho sang gặp con nhưng không được. Em sẽ tặng con một chiếc dây chuyền bạc khắc tên Bình An".
Và đằng sau những lời nói thều thào mong ngóng con mỗi ngày của chị, đã có rất nhiều nước mắt, nụ cười trong cuộc gặp đầu tiên - ngày 13/6/2019.
Chưa có cuộc gặp gỡ nào tại Trung tâm sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà mọi người xúc động, ai ai cũng đều rơi nước mắt. Hai mẹ con Bình An gặp nhau, mọi thứ xung quanh như ngưng đọng. Người mẹ bỡ ngỡ bơm cho con miếng ăn đầu tiên, nước mắt chị từ từ rơi lã chã. Khoảnh khắc ôm gọn con vào lòng, có thể quá đỗi giản đơn với những người mẹ khác, nhưng là sự nỗ lực, vượt qua mọi đau đớn đến gần với hiện thực được ôm bé Bình An. Nụ cười của chị tràn ngập hạnh phúc, sự mãn nguyện và đầy yêu thương!
Ôm con ngắn ngủi chưa đầy 10 phút, trước khi lên đường quay về Bệnh viện K, chị tự đứng dậy, vuốt ve đôi tay bé xíu của con. Chị vừa khóc, vừa nói: "Bình An nắm tay mẹ à. Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ... mẹ sang".
Rất nhiều luyến lưu, mãi không muốn xa rời...
Không có bộ phim nào có kết thúc đẹp hơn hành trình của 2 mẹ con Bình An
Bình An ra đời là nguồn động lực to lớn với chị Liên. Khi sinh con, chị chỉ mong con được vẹn nguyên hình hài, mình thì sao cũng được. Hành trình 2 mẹ con cùng bước đi, chưa biết đến bao giờ sẽ kết thúc, nhưng mọi thứ dường như đang tiến triển rất tốt. Chị đang khoẻ lên, còn Bình An cũng đang lớn lên từng ngày.
Đã có những lúc, chị nghĩ mình sẽ kết thúc cuộc đời này sau ca sinh mổ ngày hôm đó. Đau đớn không khiến chị gục ngã bằng cảm giác nhìn con trong chớp mắt rồi buộc phải rời xa, không được ôm gọn con vào lòng, da kề da như bất cứ bà mẹ nào khác.
Cứ ngỡ hành trình cuộc sống sẽ khép lại...
Ngày 15/7/2019, 55 ngày sau ca mổ đặc biệt, hai mẹ con được xuất viện trở về với gia đình ở Hà Nam. Đây là lần thứ 2, chị được gặp con. Lần này khác hẳn lần đầu tiên ngắn ngủi. Chị đã đi lại được, không phụ thuộc vào xe lăn hay người đỡ. Chị cười rất tươi, tự bước lên xe, di chuyển 10km từ Bệnh viện K Tân Triều lên Bệnh viện Phụ Sản.
Miệng cười, mắt đỏ hoe, chị cố không khóc. Bình An như cảm nhận được hơi ấm mẹ, bất giác miệng mỉm cười, áp đôi má tròn vào ngực mẹ.
Thời điểm lọt lòng, Bình An bé bỏng chỉ nặng 1,5kg. Ngày trở về bên mẹ, con đã nặng 2,4kg, ăn được 8 bữa sữa đầy đặn mỗi ngày và không còn phải sử dụng thuốc điều trị, ngoại trừ bổ sung vitamin và vi chất. Cuộc gặp trước cuống quít, vội vã bao nhiêu thì cuộc gặp lần này đủ đầy, trọn vẹn bấy nhiêu. Vì không chỉ gặp chốc lát mà là được về bên nhau, ở bên nhau thật lâu.
Hôm đó (15/7), là ngày đầu tiên Bình An và mẹ được ở cạnh nhau cả ngày. Là đêm đầu tiên, cậu con trai bé bỏng được ở trong vòng tay mẹ.
"Điều kỳ diệu đã đến, khó có thể mô tả hết được. Một bà mẹ ung thư giai đoạn cuối đáp ứng điều trị tốt. Một em bé 31 tuần tiến triển bình thường. Bệnh tình trước đó quá nặng nề, chỉ hy vọng cứu được con. Không ngờ, hôm nay lại được đưa Bình An về nhà với mẹ Liên. Có lẽ không có bộ phim nào có kết thúc đẹp hơn hành trình chống chọi bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài cơ thể của 2 mẹ con chị Liên" - bác sĩ Cường xúc động.
Hành trình kéo dài mãi
Con xóm nhỏ ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đón 2 mẹ con về. Đến nay, Bình An đã có thể phát triển như một đứa bé bình thường trong vòng tay của bác Vân. Một ngày, con ăn khoảng 8 bữa, ngủ ngoan và đặc biệt không hề quấy khóc. Còn mẹ Liên, cứ một tháng kết thúc một đợt hoá trị lại bắt xe khách về nhà.
"Chị là người cứng rắn, cực kì kiên cường, nhưng khi xem lại chương trình Điều ước thứ 7, chị không thể kìm được nước mắt vì 2 mẹ con Liên tội quá. Chị chỉ mong nó khỏe lại, chăm được con nó thôi, chẳng cầu mong xa hơn là nó khỏi bệnh.
Lúc chưa mổ, cũng chỉ nghĩ nó sống được 1 - 2 tháng để nhìn thấy con. Nhưng đến bây giờ, chị lại hy vọng chút nữa, để Liên có thể sống thêm 5-7 năm, chứng kiến 2 đứa con trưởng thành, khôn lớn" - chị Vân tâm sự.
Để có thể đủ khả năng chăm sóc Bình An, chị Vân lên Hà Nội học khoá đào tạo 2 ngày do Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức. Mọi việc đều được bác sĩ hướng dẫn kĩ lưỡng vì trường hợp của Bình An sức khoẻ còn yếu nên phải trải qua quá trình chăm sóc đặc biệt. Về nhà, chị chịu khó ấp bế, da kề da, để cháu cảm nhận được chút hơi ấm từ người thân.
"Bình thường Liên cũng thích chị ra Hà Nội lắm, vì 2 chị em nói chuyện vui và nó còn hay cười. Khi đưa Bình An về đây rồi, cả xóm cùng ra đón cháu. Quả thực, 2 mẹ con nó đã chiến đấu đầy nghị lực".
Dù trước mắt còn nhiều gian nan, nhưng nhìn lại hành trình đã qua của mẹ con chị Liên, ai rồi cũng phải tin vào sự diệu kỳ của cuộc sống, vào sức mạnh lớn lao của tình mẹ. Có thể sẽ mất khá nhiều thời gian nữa, cho đến khi Bình An thực sự được mẹ Liên chăm sóc. Nhưng hành trình 2 mẹ con chiến đấu cùng nhau, chúng ta cùng hy vọng, sẽ còn được kéo dài mãi.
Mong Bình An rồi sẽ bình an.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)