“Nhặt” bản đồ ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Cẩu thả và vô trách nhiệm?

02/06/2017 11:34:00

Không tán thành với lời giải thích “nhặt” bản đồ trên mạng để “mô tả về dự án cho dễ hiểu”, vấn đề dư luận đặt ra ở đây là trình độ, tính chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của các đơn vị thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)...

Không tán thành với lời giải thích “nhặt” bản đồ trên mạng để “mô tả về dự án cho dễ hiểu”, vấn đề dư luận đặt ra ở đây là trình độ, tính chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của các đơn vị thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)...

Về phía đơn vị quản lý dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải, thừa nhận việc "nhặt" bản đồ trên mạng và lý giải: “Việc này nhằm mô phỏng theo bản đồ quy hoạch giao thông đường sắt đô thị được duyệt cho TP Hà Nội. Chúng tôi khai thác từ mạng internet, chỉ duy nhất với mong muốn để người dân có cái nhìn tổng quan nhất về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông trong mạng giao thông đường sắt đô thị tổng thể của thành phố và không sử dụng vào bất cứ một mục đích thương mại nào”.

 Bản đồ thể hiện vị trí các điểm ga tàu đang được sử dụng ở nhà ga mẫu La Khê, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được cho là của sinh viên Đào Mạnh Sơn vẽ ra và tải lên mạng.
 

Bản đồ thể hiện vị trí các điểm ga tàu đang được sử dụng ở nhà ga mẫu La Khê, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được cho là của sinh viên Đào Mạnh Sơn vẽ ra và tải lên mạng.

Trước sự việc này, nhiều người bày tỏ ý kiến không đồng tình về cách làm việc "à uôm" thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị thực hiện Dự án, cũng như không tán thành với lời giải thích nói trên.

Chia sẻ với Dân trí, bạn đọc Bách Khoa bày tỏ quan điểm: “Đại diện Ban Quản lý dự án nói như vậy không chuẩn. Vấn đề tôi nghĩ là cả một dự án như vậy mà phải lấy một bản đồ trên mạng về dùng, hóa ra dự án này không có bản đồ nào tốt hơn sao? Tôi tin là tác giả (em Sơn) không đòi bản quyền đâu, vấn đề dư luận quan tâm là cả một dự án như thế mà lại lấy bản đồ trên mạng về dùng. Lại buồn cho các ông!!!”.

Cùng chung suy nghĩ về sự khiếm khuyết của một dự án lớn, bạn đọc Trần Quốc Thắng nói: “Thế hình ảnh đó có ghi nguồn không nhỉ? Dự án 18.000 tỷ đồng mà ngay cả 1 bản đồ cũng không có!”.

Tỏ rõ thái độ bức xúc về sự việc, bạn đọc Lê Quang Vịnh cho rằng đó là sự xấu hổ, thậm chí đặt vấn đề về chi phí trưng bày cũng như trình độ thẩm định của đơn vị thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

“Xấu hổ quá! Không vẽ nổi cái bản đồ và cũng không biết cái bản đồ đó có chỗ nào chưa ổn (Theo lời của tác giả vẽ bản đồ), ấy vậy mà vẫn cứ treo. Trình độ của Ban quản lý dự án được coi là như thế nào? Kiểu gì ban quản lý dư án cũng phải tính toán chi phí trưng bày chứ làm gì có chuyện không” - bạn đọc Lê Quang Vịnh cho hay.

Cùng chung quan điểm với bạn Lê Quang Vịnh, bạn đọc Dân Thường nói ngắn gọn: “Chỉ chừng đó thôi cũng thấy sự cẩu thả, vô trách nhiệm của dự án này rồi! Hỏi thế thì làm sao công trình chất lượng được?!”.

Không chỉ nói về bản đồ dự án được lấy ở mạng, bạn đọc Bùi Quang Sóng còn đề cập tới tiến độ thi công dự án chậm trễ và kế hoạch dự án thì không đến nơi đến chốn. “Lên kế hoạch làm dự án lẽ ra phải có hình ảnh hoặc sơ đồ mô phỏng chứ. Đằng này làm lâu rồi mà cứ chậm lên chậm xuống. Trong khi cái sơ đồ các tuyến lại đi “mượn” trên mạng” - bạn Bùi Quang Sóng nói.

 Bản đồ quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội do TEDI thiết kế, được sử dụng trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
 

Bản đồ quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội do TEDI thiết kế, được sử dụng trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Bên cạnh những ý kiến bất bình, sự búc xúc về một dự án lớn mà việc thực hiện, triển khai thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiêm túc, một số ít bạn đọc lại có quan điểm “bật lại” tác giả tấm bản đồ trên mạng.

Bạn đọc Hưng Nguyễn đặt câu hỏi: “Bản đồ thì TEDI (Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - PV) có hết và làm đẹp đẽ hết cả rồi. Bạn vẽ lại thử hỏi bạn lấy nguồn từ đâu ra, đã xin phép trước khi sử dụng chưa?”.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)

Nổi bật