Đồng loạt đi làm trở lại
Từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, có nhiều ca mắc trong cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, công sở trên địa bàn như tại khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công, UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ), UBND phường Phương Liên (Đống Đa)... Điều này dẫn tới nhiều bộ phận trong tình trạng thiếu người, phải có nhân viên từ các bộ phận khác hỗ trợ, xử lý công việc thay. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều công sở trên địa bàn. Tuy nhiên, đến đầu tuần này, nhiều công sở đã nhộn nhịp hơn do các "cựu" F0 đồng loạt đi làm trở lại.
Cuối tháng 2 vừa qua, cơ quan anh Vũ Trình (34 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ có 40% nhân sự đi làm do hàng loạt xin nghỉ làm việc ở nhà vì mắc COVID-19. Số nhân viên F0 liên tục tăng, thậm chí một ngày test nhanh có tới 5 nhân viên phải về nhà ngay lập tức vì dương tính.
Anh Trình cho biết, thông thường mỗi người thuộc diện F0 sẽ được nghỉ ngơi, kết hợp làm online trong khoảng 10-14 ngày tuỳ thuộc vào sức khoẻ. Đến hôm qua (14.3), trong 60% nhân sự F0 thì có đến 50% số người mắc đã đi làm nên cơ quan có thể “thở phào” vì những người chưa F0 sẽ không phải kiêm đủ việc nữa. Hiện chỉ còn 10% số nhân viên mới mắc thì tuần sau có thể đi làm trở lại.
“May mắn là sau khi lần lượt “ai cũng F0” thì hầu hết mọi người đã có thể đi làm trở lại” - anh Trình chia sẻ.
Công tác tại một cơ quan cấp cục, chị Nguyễn Thu Huyền (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) cho hay, chỉ 2 tuần trước, 100% nhân sự phòng chị thuộc diện F0. Thời điểm đó, không chỉ công việc của bản thân bị ảnh hưởng, việc mắc COVID-19 cũng khiến công việc của các F1 trong gia đình phải chuyển sang làm trực tuyến.
Sang đến tuần này, không còn ai có thể mắc bệnh, 100% nhân sự phòng chị Huyền đã có thể đi làm trực tiếp. Rất may khi mắc bệnh, mọi người hầu hết không triệu chứng, một vài người ho sốt thì cũng chỉ kéo dài 3 - 4 ngày nên nhanh khỏi bệnh. “Nay mọi người đồng loạt đi làm cứ cảm giác như cả cơ quan khai xuân sau tết vậy” - chị Huyền nói.
Ca COVID-19 “chững” lại, dấu hiệu đã đạt đỉnh dịch?
Theo tin từ Sở Y tế, ngày 14.3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 27.833 ca COVID-19, giảm 1.500 ca so với hôm 13.3, trong đó có 9.491 ca cộng đồng. Hà Nội đã có ngày thứ 3 liên tiếp có số ca mắc giảm. Số ca phải nhập viện ở Hà Nội chỉ chiếm 0,8% tổng số ca dương tính đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố.
Có thể thấy, số ca mắc tại Hà Nội đã có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm đi sau 2 tuần số ca mắc tăng vọt, liên tục “lập đỉnh”.
Cách đây hơn 2 tuần (ngày 27.2), Chủ tịch TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nói, đỉnh dịch tại Hà Nội sẽ ở khoảng thời gian 2 tuần sau thời điểm ngày 27.2. Bên cạnh đó, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện và là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian đầu tháng 3, số ca mắc tại Thủ đô tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này.
Với các thông số này, các chuyên gia đánh giá có những dấu hiệu cho thấy, đợt dịch liên quan chủng Omicron đã có dấu hiệu đạt đỉnh, thông qua việc số mắc mới có giảm dù mức giảm còn thấp, số khỏi bệnh tăng cao và luôn ở trên mức 50.000 F0 khỏi bệnh/ngày, gần gấp đôi số mắc mới. Tính đến ngày 14.3, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.116.497 người (tăng 44.595 người so với ngày trước đó).
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng, với tốc độ lây nhiễm COVID-19 quá nhanh tại Hà Nội thời gian qua, có thể biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Với tốc độ lây nhiễm như những ngày qua đồng nghĩa với số lượng, tỉ lệ người dân là F0 tăng cao, dần đạt đỉnh. Ông dự đoán Hà Nội đã đạt đỉnh dịch và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm dần.
Ông Nga cho biết thêm, để xác định được đỉnh dịch phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó phải xác định được số ca mắc trong ngày, số ca nhập viện và số người tử vong. Qua các yếu tố trên, có thể đánh giá, phân tích, tính toán được thời điểm dịch sẽ đạt đỉnh, sau đó dịch sẽ đi ngang và sẽ giảm dần.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, nhiều lúc dự báo cũng chỉ mang tính tương đối, nếu dịch bệnh có những diễn biến mới, ví dụ như xuất hiện biến chủng mới, thì việc dự đoán đỉnh dịch có thể có sai số.
"Việc xác định đỉnh dịch cũng phụ thuộc vào việc xét nghiệm, để tính toán được chính xác số ca nhiễm trong một ngày. Bây giờ xét nghiệm nhiều ra nhiều, xét nghiệm ít ra ít, nên nhiều lúc số ca mắc công bố không phải là số ca nhiễm thực tế" - ông Phu nói.
Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội - cho hay, để xác định đỉnh dịch tại một địa phương, phải cần nhiều dữ liệu đầu vào để phân tích, đánh giá. Hiện nay, dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp, nhiều người dân bị F0 không khai báo nên không thể thống kê đầy đủ, chính xác số ca COVID-19 tại thủ đô trong ngày.
Trước thực tế trên, vị lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, rất khó để xác định được đỉnh dịch tại Hà Nội bởi dữ liệu đầu vào không chính xác.
Theo Phạm Đông (Lao Động)