Nhân tài không về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ

02/10/2015 14:43:52

Tốt nghiệp loại giỏi và được Đại học Nottingham (Anh) cấp học bổng 3 năm học tiến sĩ, hai học viên Long và Luận xin gia hạn để theo đuổi việc học nhưng bị Đà Nẵng kiện ra tòa với số tiền hoàn trả hơn 5,4 tỷ đồng.

Tốt nghiệp loại giỏi và được Đại học Nottingham (Anh) cấp học bổng 3 năm học tiến sĩ, hai học viên Long và Luận xin gia hạn để theo đuổi việc học nhưng bị Đà Nẵng kiện ra tòa với số tiền hoàn trả hơn 5,4 tỷ đồng.

Những ngày qua, ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long) đứng ngồi không yên lo xoay xở gần 2,7 tỷ đồng hoàn trả cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, sau khi phải hầu tòa vì con vi phạm hợp đồng.

Ngồi buồn rầu, ông Bửu cho biết cùng tham gia đề án và sang Anh học tập với con mình còn có học viên Hồ Viết Luận. Hai chàng trai sinh năm 1991 học ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng tại Đại học Nottingham (Anh) từ tháng 9/2010.

Kết thúc 4 năm học, Long và Luận đứng nhất nhì lớp có 200 học viên nước ngoài, nên được trường đại học cấp học bổng, cho học tiếp 3 năm tiến sĩ. Được báo tin, hai gia đình mừng rỡ vì con có cơ hội học cao hơn mà gia đình và ngân sách thành phố không phải chi thêm tiền.

Từng nghe lãnh đạo Đề án 922 nói nếu học viên có kết quả tốt sẽ tạo điều kiện học lên thạc sĩ, tiến sĩ nên gia đình Long và Luận làm đơn xin gia hạn thêm 3 năm, cam kết sau khi con bảo vệ tiến sĩ sẽ về làm việc cho UBND TP Đà Nẵng. "Hai cháu chỉ xin ở lại Anh để học tiếp tiến sĩ, chứ không phải ở lại để làm việc", ông Bửu nói.
 

Đà Nẵng đang chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy hành chính. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.

Long và Luận được thông báo về học bổng này từ tháng 1/2014 và 3 tháng sau thì làm đơn nhận học bổng. Tuy nhiên đến tháng 5/2014, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng thông báo hai học viên đã vi phạm hợp đồng, yêu cầu về trình diện và làm việc tại Đà Nẵng.

"Tôi nói con xin tạm dừng việc học tiến sĩ 1-2 năm để về nước, nhưng phía trường đại học ở Anh quản lý chặt chẽ nên các cháu cũng không thể về được", ông Bửu buồn rầu nói và cho biết thấy việc nhận học bổng tiến sĩ ở trời Tây bao nhiêu người ước cũng không được, các cháu có nguyện vọng về lại làm việc cho thành phố nên gia đình không hề nghĩ đến chuyện sẽ bị kiện ra tòa.

Ông Hồ Niên (bố học viên Hồ Viết Luận) phân trần rằng, trước năm 2013, nhiều học viên khi nhận được học bổng cũng không về trình diện và vẫn được Đề án tạo điều kiện học tiếp. "Hai cháu Long và Luận xin gia hạn để học tiếp học bổng do trường đại học bên đó cấp, rồi về làm việc cho thành phố với chuyên môn tốt hơn chứ không phải cố tình phá vỡ hợp đồng", ông Niên bộc bạch.

Cùng mức bồi thường như gia đình ông Bửu (hoàn trả 100% kinh phí đã nhận từ Đề án 922), ông Niên cho hay khi ký hợp đồng, phía gia đình và học viên đều mong muốn sau khi tốt nghiệp được làm việc cho thành phố, nên điều khoản yêu cầu bồi thường 5 lần hoàn toàn không quan tâm đến.

"Phải nói thật lòng rằng gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đề án 922, vì nhờ đó mà con mình mới được ra nước ngoài học tập, có thêm cơ hội nhận học bổng tiến sĩ. Nhưng khi các cháu muốn gia hạn thì đơn vị quản lý đề án quá cứng nhắc, không nghiên cứu và quan tâm đúng mức", ông nói.

Hai phụ huynh cho hay, ngày 12/9/2014, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mời gia đình lên làm việc thì một ngày trước đó đơn vị này đã trình lên UBND TP Đà Nẵng việc đưa hai học viên ra khỏi đề án. Vì lẽ đó, khi gia đình trình bày nguyện vọng đã không tìm được tiếng nói chung.

"Hôm rồi tôi gọi điện cho Luận, cháu vẫn nói khi học xong tiến sĩ nếu thành phố cho về làm việc thì vẫn nhiệt huyết cống hiến", ông Niên kể và cho hay khi biết cha mẹ ở nhà phải hầu tòa, hai học viên tỏ vẻ buồn rầu.

"Chúng tôi không muốn hầu tòa chỉ vì lý do con mình học giỏi. Con học giỏi được nhận học bổng mà lại là bị đơn. Nếu chúng tôi sai thì đó là sai thậm tệ, hoặc chính sách hiện tại không đúng", ông Bửu nói và cho biết trong năm 2015, nhiều trường hợp xin gia hạn thời gian về làm việc cho Đà Nẵng để tiếp tục việc học ở nước ngoài đều được chấp thuận.

Ông Bửu là cán bộ nghỉ hưu sớm vì bệnh sơ gan. Ông xin Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho mình trả 10 triệu đồng mỗi tháng, đến khi đủ số tiền gần 2,7 tỷ đồng thì thôi. Còn ông Niên là bộ đội phục viên nhận chế độ một lần, vợ làm giáo viên đã nghỉ hưu, đang phải nuôi mẹ già và vừa thoát nghèo được 3 năm nay nên xin trả tiền cho thành phố mỗi tháng 5 triệu đồng - toàn bộ số tiền lương hưu của vợ ông.

Ông Bửu bảo rất hiểu thành phố mong nhanh thu hồi lại tiền ngân sách, vì đó là tiền thuế của người dân. Nhưng hai gia đình hy vọng sẽ được giãn nợ để có khả năng hoàn tiền, chấp nhận chịu lãi suất ngân hàng. Họ hy vọng khi con mình tốt nghiệp sẽ đi làm để tiếp tục trả đủ số tiền đã mượn từ Đề án 922, tuyệt đối không có tâm lý trốn nợ.

Trước đó Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện 7 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự do vi phạm hợp đồng, không về nước làm việc theo cam kết. Phía Trung tâm quản lý đề án thắng kiện, 7 người kia phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố.

Đà Nẵng khẳng định với 17 trường hợp còn lại, nếu không thực hiện nghĩa vụ thì thành phố tiếp tục khởi kiện để đảm bảo công bằng.
 
>> "Nhân tài" ở Đà Nẵng bị kiện vì vi phạm hợp đồng
 
Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)

Nổi bật