Đối với các loại ma túy mới, giới trẻ chưa có thông tin về tác hại của nó nên nhiều trường hợp các em tưởng vô hại nhưng khi đã sử dụng rồi thành quen và nghiện lúc nào không hay. Đặc điểm của các loại ma túy mới là dễ sử dụng nhưng khi đã nghiện thì rất khó cai và để lại những hậu quả khôn lường đối với người nghiện.
Lá Khát khô nhìn như búp lá chè. |
Loại ma túy mới có tên "Cỏ Mỹ" cho thấy, nếu không được tuyên truyền, nhìn cảm quan, nó như một "thảo dược" thiên nhiên không gây nguy hiểm cho con người. Nhưng thực tế, bọn tội phạm đã sử dụng một loại thực vật chỉ để làm bình phong, thực vật này đã được tẩm chất XLR-11. Đây là chất khi sử dụng sẽ gây loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, có thể có những tư tưởng cực đoan gây hại cho người dùng.
Loại thuốc này gây nghiện và được đánh giá là nguy hơn cả cần sa. Nhưng do mới xâm nhập vào Việt Nam nên thành phần XLR-11 có trong "Cỏ Mỹ" không nằm trong danh mục các chất ma túy. Đến khi "Cỏ Mỹ" được đưa vào danh mục các chất ma túy thì nó đã "tung hoành" được vài năm, gây bao hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Ngoài "Cỏ Mỹ", có thể nhận diện ra đây khá nhiều loại ma túy mới, nhưng có lẽ, được che đậy ngụy trang tốt nhất là dạng "bánh lười" (lazy cakes). Bánh này có các nguyên liệu như một loại bánh ăn thông thường, gồm: Bơ lọc lấy nước, bột mỳ, ca cao, đường, sữa, nho… nhưng thành phần chính của nó lại là cần sa. Bánh sau khi nướng, để nguội, có trọng lượng một chiếc là 1,4 lạng thì có chứa tới 2 đến 2,5g cần sa, giá mỗi chiếc từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Trong một bữa tiệc sinh nhật, "bánh lười" được mang ra cũng giống như các loại bánh ngọt khác. Khi sử dụng bánh có chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác "phê", hưng phấn, ảo giác. Người sử dụng sẽ dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười, vì vậy, nó được dân chơi gắn với cái tên "bánh lười".
Một chất gây nghiện khác cũng được dân chơi ưa dùng có tên gọi là "nước biển", tên gọi khác là GHB. "Nước biển" là một dùng dịch lỏng, không mùi, vị hơi mặn như nước biển thật. Tên khoa học là Gamma hydroxy axit butyrat. Chất hóa học này thường được dùng để lau rửa các mạch điện tử. Nó cũng có thể được dùng làm chất dẫn truyền thần kinh gây ngủ, phát triển cơ bắp…
Nắm bắt được tác động của nó nên bọn tội phạm đã bào chế thành một sản phẩm phục vụ trong các cuộc ăn chơi thác loạn của giới trẻ. Chỉ cần sử dụng khoảng 10 đến 20ml "nước biển" uống trực tiếp hoặc hòa lẫn vào đồ uống khác như nước ngọt, rượu…, trong vòng 5 đến 10 phút là người sử dụng đã mất kiểm soát bản thân, kích thích tâm lý, lắc lư điên loạn.
Hậu quả khi sử dụng "nước biển" cũng như các loại ma túy truyền thống khác gây rối loạn thần kinh, giảm nhịp đập của tim, hệ hô hấp, gây buồn nôn, chóng mặt, giảm trí nhớ… Có trường hợp còn bị co giật dẫn đến tử vong. Giá bán loại dung dịch chết người này cũng không hề rẻ, khoảng từ 1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng cho 50ml "nước biển".
Loại ma túy mang tên "Bùa lưỡi": Nhìn bề ngoài, giống như một miếng cao dán y tế nhưng thực chất, loại ma túy có tên gọi "bùa lưỡi" có chứa chất hóa học Lysergic Acid Diethylamide (còn gọi là LSD). Khi được dán vào lưỡi, nó tan ra, ngấm trực tiếp vào cơ thể thông qua cơ quan vị giác sẽ làm người sử dụng "phê" ngay sau 5 phút và kéo dài trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
"Bùa lưỡi" được dân chơi ưa thích vì nó như chất xúc tác kích hoạt thêm độ "phê" sau khi đã sử dụng ma túy đá. Ngoài những tác hại chung của "bùa lưỡi" giống như các loại ma túy khác, loại ma túy này nguy hiểm hơn bởi nó tạo ảo giác rất mạnh. Tuy nhiên dạng ma túy "bùa lưỡi" này xuất hiện chưa nhiều.
Loại ma túy mang tên "mặt quỷ": Bao bì bắt mắt phải nói đến gói ma túy "mặt quỷ". Theo nhận diện của một số nhà chuyên môn trên thế giới, chất chứa trong gói ma túy "mặt quỷ" có thể là Diablo Erich 3. Ngoài ra, còn có các loại ma túy khác được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau như thuốc lào Ả Rập, Spice K2 bằng nhiều đường xâm nhập vào Việt Nam và được một bộ phận giới trẻ đua đòi tìm mua để sử dụng thử, bất chấp hậu quả mà nó đem lại.
Loại ma túy mang tên "thiên đường", là loại ma túy được sử dụng thô nhưng cũng có thể gọi là ma túy mới, đó là lá khát. Cây lá khát có nguồn gốc từ châu Phi. Nhìn cảm quan, lá khát trông giống như lá cây chè, nhưng mức độ độc hại của nó gấp tới 500 lần so với các loại ma túy thông thường. Khi vận chuyển tiêu thụ, nó được sấy khô, có mùi thơm dễ chịu và có vị chát, ngọt nhẹ. Khi sử dụng lá khat, người sử dụng mắt bị mờ, rối loạn tâm thần, trở nên hung hăng bất thường, có thể trở thành những sát thủ "máu lạnh"…
Lá khat có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone. Từ chất này tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka. Đây là ma túy có dạng tinh thể màu trắng hay hồng nhạt. Được biết, người nghiện lá khát thì rất khó cai.