Công an bảo có, nhân chứng bảo không
Thấy Giang dùng tay té nước, đùa giỡn với biểu hiện không bình thường, nhiều người cho rằng anh ta bị ngáo đá nên lớn tiếng gọi lên bờ. Một số người báo cho công an phường Vĩnh Trung có trụ sở cách đó khoảng trăm mét. Khoảng 5 phút sau, bốn công an đến hiện trường. "Công an đã thả một chiếc thang xuống hồ, thuyết phục anh ta lên bờ, thậm chí dụ sẽ cho tiền, nhưng người này không nghe theo", anh Nguyễn Thành Long (30 tuổi, thợ cắt tóc) kể.
Gần 30 phút sau, anh Giang đi ra xa, gặp hố nước sâu và chìm dần. Vẫn không thấy công an xuống hồ, anh Long vội cởi áo nhảy xuống nước. "Tôi biết bơi nhưng nhỏ con, muốn xuống cứu ngay từ đầu nhưng phải chờ nạn nhân chìm hẳn, không còn vùng vẫy nữa, tránh việc chính người cứu bị nhấn chìm", anh Long thuật.
Thấy người bạn làm cùng tiệm tóc với mình vật lộn tìm kiếm không có kết quả, anh Nguyễn Vũ (25 tuổi) cũng bơi ra. Chừng 10 phút, vẫn không tìm thấy Giang, anh Vũ đuối sức nên bơi vào bờ. "Lên bờ rồi tôi mới thấy có một chiếc phao vứt ở gần gốc cây, cũng không thấy có ai xuống cứu, nên lại cầm phao nhảy xuống nước", anh thuật lại.
Lần này vừa bơi ra chỗ nạn nhân chìm trước đó, hai thợ cắt tóc phát hiện Giang đã nổi lập lờ trên mặt nước nên cố đưa vào bờ. Một số nhân viên y tế có mặt tại đó tiến hành sơ cứu, ép tim ngoài lồng ngực nhưng nạn nhân đã tử vong.
Trao đổi với PV, đại tá Trần Thanh Hải, Trưởng công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, đã yêu cầu công an phường Vĩnh Trung tường trình vụ việc và có báo cáo. Về quy trình cứu nạn, theo đại tá Hải, đây là việc của cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Trả lời câu hỏi phía công an có gọi cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến hỗ trợ hay không, ông Hải cho biết "sẽ kiểm tra lại".
"Nhưng tình huống này phải cứu ngay chứ không phải ngồi chờ lực lượng kia đến. Công an phường cũng đã đi tìm phao cứu hộ, thuyết phục nạn nhân. Mà không riêng gì lực lượng chức năng, những công dân chứng kiến đầu tiên cũng phải có trách nhiệm xuống cứu. Giờ cứ nói rằng công an phải xuống cứu, nếu một công an nhảy xuống rồi chết dưới đấy thì sao", ông Hải nói thêm.
Anh Vũ chỉ địa điểm vớt được nạn nhân Giang dưới hồ Hàm Nghi. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Nói người Đà Nẵng vô cảm là thiếu căn cứ"
Người trực tiếp quay đoạn clip là anh Trương Đình Phương (36 tuổi), chủ tiệm cắt tóc nơi anh Vũ và Long làm việc. Anh Phương nói không biết bơi nên không thể xuống cứu nạn nhân. Về việc đăng clip lên Facebook cá nhân, anh lý giải là nhằm cảnh báo hậu quả cho những người sử dụng ma túy, chứ không phải để được nổi tiếng hay lên án bất kỳ ai.
"Lúc đó, xung quanh hồ có đến hàng trăm người, cả công an nữa. Nhiều người quay clip, nên không thể nói tôi vô cảm được. Một số người inbox hỏi, tôi đều giải thích kỹ và sau đó họ đã xin lỗi. Sáng qua thấy mọi chuyện đã qua, tôi quyết định xóa clip", anh Phương bức xúc nói.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cho biết trong sự việc này nạn nhân tự tử, đuối nước chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên không kịp cứu hộ. "Khi người này đã cố tình chết thì rất khó cứu", ông Tĩnh nói và cho hay gia đình nạn nhân cũng đã chấp nhận sự việc, đưa anh Giang về lo hậu sự.
Theo vị chủ tịch quận, việc dư luận nói những người đứng xem "vô cảm" là thiếu cơ sở, vì chỉ xem qua clip, không chứng kiến sự việc, nên không thể đánh giá chính xác. "Tôi sẽ có một cuộc họp để hỏi rõ về vụ việc, trực tiếp nghe những người chứng kiến kể lại. Nhiều khi chính quyền không kịp thời nắm bắt vụ việc mà chỉ nghe người dân báo lại", ông Tĩnh nói.
Trước thông tin cho rằng vụ việc ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" của Đà Nẵng, ông Tĩnh nói: "Cuộc sống cũng có lúc này, lúc khác. Chúng ta không thể lấy một hiện tượng để đánh giá bản chất của cả một quận, hay thành phố Đà Nẵng được".
Điều 102, Bộ luật Hình sự quy định: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a, Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b, Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |