Những năm gần đây, trong xu thế hội nhập văn hóa, Việt Nam xuất hiện nhiều chương trình lễ hội âm nhạc, nhất là âm nhạc điện tử, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Do khâu tổ chức bị buông lỏng, những sự kiện này phát sinh nhiều phức tạp, gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Có nhạc phải có ma túy?
Lễ hội âm nhạc điện tử "Trip to the moon" ("Du hành tới mặt trăng") được quảng bá là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 năm thứ 3 liên tiếp được tổ chức. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu khâu tổ chức được quản lý tốt, không để xảy ra việc buôn bán, sử dụng công khai "bóng cười" và cả việc sử dụng trái phép chất ma túy mà Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra.
Thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện dùng ma túy hay chuyện chết người khi tham gia lễ hội âm nhạc điện tử. Tháng 5-2017, một nam thanh niên tham gia sự kiện âm nhạc tại Sân vận động Mỹ Ðình sử dụng chất ma túy trong lúc nghe nhạc dẫn đến bị sốc thuốc, chết trước khi đến bệnh viện cấp cứu.
Đi cùng với các lễ hội này là nguy cơ về việc sử dụng chất kích thích, ma túy. Bởi lẽ, âm nhạc điện tử với nhịp điệu nhanh, mạnh luôn mang đến cho người nghe sự phấn khích, cuồng nhiệt. Một bộ phận người đam mê những giai điệu này tự cho rằng phải sử dụng chất kích thích, ma túy mới đủ độ "phê" để phiêu theo nhạc. Một bầu sô chia sẻ: "Tôi thường tổ chức các lễ hội âm nhạc nhưng dẫn đến tử vong vì sốc thuốc như lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành đến mặt trăng" là trường hợp hiếm gặp. Vì ở những lễ hội âm nhạc rock, khán giả không chơi thuốc nặng như thế này. Thoảng khi có sử dụng thì bồ đà là chất kích thích duy nhất có trong lễ hội".
Thông tin từ cơ quan điều tra tội phạm về ma túy, một phần nguyên nhân khác dẫn tới xu hướng sử dụng ma túy trong các lễ hội âm nhạc tăng cao là vì nhiều quán bar, quán rượu, vũ trường thường xuyên để xảy ra tình trạng khách vừa nghe nhạc tại quán vừa sử dụng ma túy. Số lượng người sử dụng ma túy có khi chiếm 90% số khách tại quán, phần lớn từ 20-30 tuổi. Điều đó hình thành nên một thói quen tiêu cực, phải có thuốc khi nghe nhạc.
"Đồ chơi" mới
Hiện nay, sử dụng "bóng cười" đang diễn ra khá phổ biến, trở thành một loại "đồ chơi" mới của giới trẻ. Bất cứ ai cũng có thể mua được nó dễ dàng như mua gói thuốc lá ở các quán bar, pub, beer club... Thậm chí, ở khu phố Tây Bùi Viện, "bóng cười" còn là món quà tặng cho một combo đồ ăn thức uống. Không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn truyền tay nhau những trái bóng to gấp đôi đầu người. Cả nam lẫn nữ thay phiên nhau hít khí N2O trong trái bóng. Ngay lập tức, gương mặt của người hút "bóng cười" trở nên thư giãn, thỏa mãn hơn... Một hình thức "phê" với cảm giác hết sức lâng lâng dễ nhận biết. Dưới loại nhạc điện tử EDM (electronic dance music) ở các bar, pub, beer club, lễ hội…, "bóng cười" càng phát huy tác dụng.
Đó là lý do giải thích vì sao ở những lễ hội âm nhạc quy mô lớn như "Trip to the moon", khi mà lực lượng bảo vệ "mỏng" hoặc công tác an ninh không được chú trọng thì "bóng cười" và cả ma túy dễ dàng thâm nhập.
Tại các lễ hội âm nhạc đã từng diễn ra, không khó để thấy một nhóm khán giả quây quần cùng nhau, phê pha rồi cởi áo, gật, lắc điên cuồng. Mới đây, tại một đêm nhạc ở TP HCM, người tham dự thấy một vị khách "phê thuốc" nằm vật xuống sàn, lên cơn co giật, được vài nhân viên bảo vệ bế ra ngoài để đưa đi cấp cứu.
Những năm gần đây, độ sa đọa của khán giả dự các lễ hội nhạc EDM còn kinh khủng hơn vụ lễ hội EDM ở Hồ Tây vừa rồi, chỉ là không xảy ra sự cố chết nhiều người mà thôi. Giới bầu sô khẳng định ở những lễ hội âm nhạc này thường do các nhãn hàng thức uống có cồn hay hàng điện tử tổ chức, mùi vị của chất kích thích, của bia rượu ngập tràn không gian lễ hội, từ khu vực khán giả đến khu vực super VIP.
Rất tiếc là việc quản lý các lễ hội này đang còn bị buông lỏng...
Trong cơn phê, những hành động thô thiển như hôn hít, sờ mó… đều có, dù trước lúc vào sân khấu, họ lịch lãm trong những bộ veston và váy dạ hội. Chính nó làm cho những lễ hội âm nhạc trở nên rẻ tiền và nguy hại” - một bầu sô thừa nhận.
Theo Thùy Trang (Nld.com.vn)