Nhà vệ sinh trên tàu hỏa: Hàng ngoại khó sử dụng?

23/03/2017 14:14:00

Trong khi phía VN cho rằng thiết bị xử lý chất thải trên tàu hỏa do Công ty Chodai Co., Ltd (Nhật) cung cấp dễ hư hỏng và bốc mùi hôi, nhà cung cấp khẳng định việc sử dụng và bảo dưỡng chưa đáp ứng kỹ thuật...

Trong khi phía VN cho rằng thiết bị xử lý chất thải trên tàu hỏa do Công ty Chodai Co., Ltd (Nhật) cung cấp dễ hư hỏng và bốc mùi hôi, nhà cung cấp khẳng định việc sử dụng và bảo dưỡng chưa đáp ứng kỹ thuật...

Nhà vệ sinh trê tàu SNT2 tại ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan

Thông tin từ ngành đường sắt cho biết hơn 90% thiết bị xử lý chất thải được lắp đặt cho hơn 1.100 toa tàu hiện nay là sản phẩm “made in VN”, còn lại là sản phẩm Nhật và Mỹ.

Tổng vốn đầu tư cho chương trình này gần 200 tỉ đồng thay vì hơn 300 tỉ đồng như dự toán ban đầu, trong đó phần dùng thiết bị của Chodai chỉ khoảng 
22,5 tỉ đồng.

Có mùi hôi

Dự án lắp thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách được Tổng công ty Đường sắt VN (ĐSVN) phê duyệt vào đầu năm 2014, sau khi được lắp thử trên một số đoàn tàu từ tháng 10-2013.

Theo tính toán của ĐSVN, tổng vốn đầu tư cho dự án (mua sắm, lắp đặt thiết bị thu gom chất thải sinh hoạt cho 823 toa tàu chở khách) khoảng 302 tỉ đồng, trong đó 50% vốn ngân sách nhà nước cấp.

Một lãnh đạo ĐSVN cho biết tại thời điểm triển khai dự án, chỉ mới có 10% toa xe lắp thiết bị vệ sinh tự hoại có thu gom chất thải, trong khi mỗi ngày có khoảng 6 tấn phân và 40.000 lít nước tiểu xả xuống đường sắt, bình quân khoảng 3.800 tấn chất thải/năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 
22-3, ông Phan Huy Giang - phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - cho biết đơn vị này thụ hưởng dự án của ĐSVN.

Hiện nay có khoảng 500 toa tàu chở khách được lắp đặt thiết bị vệ sinh thu gom chất thải vệ sinh, nhưng phần lớn là do Công ty CP khoa học công nghệ Petech (VN) cung cấp.

Còn bộ thiết bị của Chodai chỉ được lắp đặt trên khoảng 80 toa, vẫn đang trong thời gian bảo hành của nhà 
cung cấp.

Tuy nhiên theo ông Giang, các bộ thiết bị của Chodai đang gặp vấn đề như mùi bốc ra từ khu vực đặt thiết bị với mức độ cao, gây khó chịu cho hành khách đi tàu.

Nguyên nhân có thể do đặc thù của thiết bị là không dùng nước để xử lý mà ép chất thải rồi xay, lưu lại thùng xử lý và sau một thời gian mới hút thùng chứa chất thải một lần để đưa ra môi trường bên ngoài xử lý.

“Nhà cung cấp cũng đã làm việc, tiếp tục hoàn thiện những thiết bị chưa xử lý tốt chất thải” - ông Giang thông tin.

Riêng những toa tàu mới, ông Giang cho biết công ty chỉ dùng thiết bị được sản xuất trong nước, do Công ty Xe lửa Dĩ An cung cấp.

Chodai VN nói gì?

Theo Chodai VN, công ty này đã thử nghiệm thiết bị bio-toilet của Nhật Bản trên mặt đất và thiết kế trên toa tàu cho ĐSVN từ năm 2013 đến 2014.

Sau 13 tháng vận hành thử nghiệm, trên đường sắt, Công ty Chodai đã liên danh với Công ty cổ phần khoa học công nghệ Petech đấu thầu trúng 2 gói thầu GS 2A và GS2B cung cấp 199 bộ thiết bị bio- toilet B50 với đơn giá khoảng 110 triệu đồng/bộ.

Tổng giá trị của hai gói thầu khoảng 22,5 tỉ đồng. Đồng thời Chodai tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị cho 300 cán bộ ĐSVN. Thiết bị được bảo hành 3 năm kể từ khi lắp đặt.

Giải thích lý do thiết bị bio-toilet dễ hư hỏng và bốc mùi, đại diện Chodai tại VN cho rằng lỗi là do người sử dụng và bảo dưỡng.

Theo vị này, bio-toilet là một hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, hoàn toàn không sử dụng nước.

Chất thải và nước tiểu được trộn lẫn với mùn cưa cùng các chế phẩm sinh học sẽ được đảo trộn trong bể xử lý.

Nhiệt lượng từ trong bể sẽ làm hóa hơi toàn bộ phần nước có trong chất thải của con người và được hệ thống quạt hút đưa ra bên ngoài.

Các loại mùn cưa, vỏ trấu cùng một số chủng vi sinh (được cung cấp sẵn tại VN) được thay thế sau 6 tháng đến 1 năm tùy vào số người sử dụng, có thể dùng làm phân bón trong nông nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn phân bón hữu cơ sinh học VN.

“Với thiết bị này, quá trình sử dụng không được đổ nước, hoặc xịt rửa nước vào trong bể xử lý làm chết các vi sinh vật hiếu khí; không được vứt rác, trừ giấy vệ sinh, vào bể xử lý khiến hệ thống đảo trộn, cấp nhiệt và không khí trong bể xử lý bị hư hỏng” - vị này nói.

Ngoài ra, thiết bị phải được theo dõi, vệ sinh sạch sẽ trong suốt quá trình vận hành, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của nhà sản xuất về việc vận hành, bảo dưỡng định kỳ thiết bị, nếu không nhà vệ sinh có mùi khó chịu là điều không tránh khỏi.

“Để khắc phục được tình trạng trên, nhiều lần chúng tôi đã nhấn mạnh trong các buổi đào tạo và tập huấn, yếu tố con người trong việc sử dụng, vận hành - bảo dưỡng theo dõi và vệ sinh sạch sẽ thiết bị là quan trọng, rất cần sự quan tâm và nghiêm túc thực hiện của các đơn vị vận hành thiết bị”.

Dự án gần 200 tỉ đồng

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, đến tháng 3-2016, ĐSVN đã lắp đặt bộ thu gom chất thải vệ sinh trên 1.100 toa tàu, trong đó thiết bị biofast do Công ty CP khoa học công nghệ Petech (Petech Corp, VN) chiếm gần 90%, còn lại là thiết bị bio-toilet của Chodai (Nhật) và Microphor (Mỹ).

Ông Phan Trí Dũng, chủ tịch Petech Corp, khẳng định thiết bị của Chodai khá tốt, nhất là về mặt bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên tại VN, do toa tàu quá đông khách và tàu chạy liên tục 2-3 ngày đêm cùng tập quán dùng nước rửa khiến bể vi sinh bị đọng nước, không sấy khô kịp, nên lên men gây hôi.

“Chodai từng là đối thủ của Petech khi đấu thầu các dự án đường sắt. Tuy nhiên, do nhận thấy họ làm ăn đàng hoàng, có năng lực và trình độ chuyên môn cao, nên chúng tôi chủ động đề nghị liên danh cung cấp thiết bị thu gom chất thải vệ sinh cho đường sắt” - ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, dù tổng dự toán ban đầu của dự án là 302 tỉ đồng, nhưng mua thiết bị rẻ hơn dự tính nên tổng 3 gói thầu chỉ dưới 200 tỉ đồng.

TUẤN PHÙNG

 
Theo Tuấn Phùng - Lâm Hoài (Tuổi Trẻ)

Nổi bật