Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Hải Phòng có giá hàng trăm tỷ đồng hiện "đắp chiếu". Ảnh: Giang Chinh |
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 27,786 triệu USD (tương đương 623 tỷ đồng theo tỷ giá ngoại tệ hiện tại), trong đó vốn vay ưu đãi của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 19,6 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và quyền sử dụng đất là 5,7 triệu USD. Chủ đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng (thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng).
Những ô cửa kính bên trong nhà máy cái còn cái mất và các khung sắt đều đã hoen rỉ, ngả màu. Ảnh: Giang Chinh |
Dự án được khởi công tháng 9/2003, nhưng do một số vướng mắc nên đến tháng 10/2004 mới được triển khai. Cuối năm 2008, sau rất nhiều trục trặc từ việc nhà thầu phá sản, công nghệ không đáp ứng, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng cuối cùng cũng được hoàn thành với dây chuyền công nghệ thiết bị được đánh giá tiên tiến nhất cả nước lúc đó.
Nhà máy đã lắp đặt 4 dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến của Hàn Quốc, gồm: phân loại; lên men bằng phương pháp sinh học; công đoạn ủ chín và tự động sàng, đóng bao. Nhà máy có hệ thống điều khiển hiện đại, bãi chôn lấp chất thải rắn và 47 xe chuyên dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất.
Sau khi vận hành chạy thử theo công suất thiết kế, sản phẩm đầu ra là phân compost đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013 đến nay nhà máy ngưng hoạt động.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết, nhà máy Tràng Cát có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, đáp ứng được 1/5 số lượng rác thải tại các quận nội thành Hải Phòng. Sau ngày khánh thành (6/12/2008), do thiếu kinh phí vận hành, sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được nên nhà máy hoạt động cầm chừng được ít năm, rồi đóng cửa suốt từ năm 2013 đến nay trong khi gói thầu cuối cùng là xây dựng hệ thống thoát nước chung quanh chưa được thực hiện.