Nhà cao tầng ở Việt Nam có thể chịu được động đất lớn không?

31/03/2025 15:01:37

Các chuyên gia phân tích về nguy cơ của các nhà cao tầng ở Việt Nam trong kịch bản nếu xảy ra động đất lớn.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar ngày 28/3/2025 được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong khu vực trong hơn một thế kỷ qua với những mất mát vô cùng to lớn về con người. Theo thống kê được AP đăng tải, tính đến ngày 31/3, số người thiệt mạng đã vượt quá 1.700, với hơn 3.400 người bị thương và khoảng 300 người vẫn mất tích.

Trận động đất này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Myanmar mà còn ảnh hưởng đáng kể tới các quốc gia láng giềng. Tại Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bangkok, dù cách tâm chấn khoảng 1.000 km, rung chấn mạnh đã làm sập một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng, khiến hơn 100 công nhân bị mắc kẹt.

Dư chấn của trận động đất này cũng được cảm nhận tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng chống chịu của các tòa nhà cao tầng trước nguy cơ động đất.

VTC dẫn thông tin từ ông Nguyễn Văn Toán, kiến trúc sư Công ty 207 Bộ Quốc phòng cho biết, các công trình cao tầng ở Việt Nam được thiết kế để chịu được động đất khoảng 6 độ richter. Tuy nhiên, nếu xảy ra động đất mạnh đến 7 độ richter, nhiều tòa nhà có thể đối diện nguy hiểm, đặc biệt là những công trình kém chất lượng, cũ hoặc đang xây dựng chưa hoàn thiện.

Ông Toán nhấn mạnh, khả năng chống chịu của các tòa nhà còn phụ thuộc vào khu vực địa chất và chất lượng thi công. Quá trình thi công cần đảm bảo đúng chất lượng, sử dụng đủ và đúng vật liệu theo thiết kế.

Nhà cao tầng ở Việt Nam có thể chịu được động đất lớn không?
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Toán, để tăng cường độ chống chịu của các tòa cao ốc, ngay từ đầu, Bộ Xây dựng phải yêu cầu tiêu chuẩn kháng chấn cao hơn, tương tự như ở Nhật Bản, nơi các tòa nhà được thiết kế để chịu được động đất từ 7 đến 7,5 độ richter.

Chia sẻ với Viettimes, TS Nguyễn Tấn Tiên, giảng viên chuyên ngành cơ học và phân tích kết cấu, điều phối viên chương trình kỹ thuật và quản lý xây dựng, Trường Đại học Việt - Đức cho biết, hiện, thiết kế công trình cao tầng tại Việt Nam chịu tải trọng động đất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012. Tiêu chuẩn này yêu cầu các công trình phải chịu được tải trọng động đất tương ứng với mức độ nguy hiểm của khu vực địa chất nơi xây dựng.

Mặc dù Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa Thái Bình Dương và ít xảy ra động đất mạnh, nhưng các rung chấn từ các trận động đất ở khu vực lân cận như Myanmar vẫn có thể ảnh hưởng đến các tòa nhà cao tầng. Điều này đặt ra yêu cầu về việc rà soát và nâng cao chất lượng công trình, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Ông Đặng Hữu Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Việt House, khuyến cáo các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thẩm định các công trình quan trọng và cao tầng. Quá trình thi công cần được giám sát chặt chẽ, đảm bảo nghiệm thu thực chất để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo và theo dõi rung lắc tại các tòa nhà cao tầng cũng là biện pháp cần thiết để chủ động ứng phó khi có động đất xảy ra.

Theo hầu hết các chuyên gia xây dựng, trong bối cảnh có nhiều tòa nhà cao tầng thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.

Ông Hải cho biết thêm, ở Việt Nam, động đất thường xuất hiện nhiều hơn tại các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên hoặc khu vực Tây Nguyên như Kon Tum..., tuy nhiên, phần lớn chỉ có cường độ nhỏ. Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM nằm trên vùng đồng bằng với nền địa chất tương đối ổn định.

Dù vậy, thiên tai luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường, do đó không thể chủ quan. Cần triển khai các biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ để giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu động đất lớn xảy ra.

HL (SHTT)