"Người dân cần biết chắc chắn là mọi phương án đã cân nhắc và không có cách khác", ông Tuấn nêu.
Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội) thì hơn 1.300 cây xanh thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9.
Trong số hơn 1.300 cây xanh trong diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng… Đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.
Trao đổi với PV, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết, theo thông tin ông có được thì kế hoạch chặt hạ đa số trong hơn 1.300 cây xanh và có những cây xanh đường kính 1m vẫn đang lấy ý kiến, chưa có quyết định chính thức.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thông tin về kế hoạch này đã khiến đa số người dân thấy tiếc chứ không hẳn phản đối vì đây là mở đường ở chỗ thường tắc nghẽn, nhưng nhiều người hỏi sao không tính đến phương án giữ được cây ở giữa, mở rộng sang hai bên.
Một số thì cho rằng mở đường phải chặt cây, sự phản đối là làm khó cho nhà quản lý...
"Theo tôi, chủ đầu tư và chính quyền Hà Nội nên công khai nói về các tính toán phương án khi lập dự án. Nếu việc giữ cây xanh là bất khả do các lý do về an toàn hay kinh phí, thì Hà Nội cũng cần nói rõ để tất cả biết. Giải thích rõ vì sao không thể giữ cây.
Người dân cần biết chắc chắn là mọi phương án đã cân nhắc và không có cách khác. Mặt khác, không loại trừ khả năng người ta vẫn thấy còn có cách và có khả năng giữ được cây xanh, như vậy thì cũng phải lắng nghe", ông Tuấn nêu.
Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng. |
Đại biểu QH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, nếu chỉ nghe "chặt cây xanh đi để làm đường" thì hết sức phản khoa học, đi ngược lại mục tiêu bảo vệ môi trường nên sẽ khó đồng tình.
Tuy nhiên, theo ông, chúng ta cần phải xem xét vấn đề trong một mối quan hệ biện chứng hơn.
"Chẳng hạn như với một tuyến đường buộc lòng phải mở rộng mà trên tuyến đó có một số cây phải di dời và không có phương án lựa chọn nào khác, thậm chí việc di dời còn tốn hơn trồng cây mới thì tôi cho rằng việc này phải cân nhắc kỹ", ông nêu quan điểm.
Theo ông, chắc chắn các phương án liên quan đến việc di dời cây xanh này sẽ phải được trình ra HĐND TP cho ý kiến, chứ không thể có chuyện một cơ quan nào đó đứng lên tuyên bố rằng chặt hàng cây này đi và trồng cây khác vào được.
"Việc thông tin cho người dân góp ý sớm về sự việc ngay từ đầu là cần thiết. Từ đó, chính quyền địa phương cũng thấy rằng cần phải cẩn trọng trong việc xem xét những ý tưởng như thế này.
Phải công khai những phương án rất rõ ràng, minh bạch, thông tin rộng rãi đến nhân dân và phải thông qua các cơ quan có chức trách để có ý kiến chính thức. Chứ không phải cứ ý tưởng nào nghĩ ra là cho một cơ quan nào đó được quyền quyết định thực hiện", ông Cường nói thêm.
Còn GS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp thì cho rằng, nếu việc mở rộng tuyến đường vành đai 3 là cần thiết thì phải xem xét, đánh giá thận trọng việc giữ nguyên cây tại một số vị trí hay tiến hành trồng cây thay thế.
Ông thông tin, cây xà cừ trồng trên đường Phạm Văn Đồng có nguồn gốc từ châu Phi, tuổi đời từ 20-30 năm.
"Theo tôi, nếu mở đường mà giữ hàng cây ở 2 bên thì vẫn tốt nhất. Trường hợp bắt buộc phải di dời thì cần có kế hoạch trồng các cây thay thế", ông đưa ra ý kiến.
TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm bảo tồn Thực vật VN đánh giá, khi nhu cầu phát triển giao thông là cần thiết thì buộc chúng ta phải hy sinh cây xanh. Tuy nhiên cần thận trọng, tránh chặt cây, di dời một cách ồ ạt như trước, gây nên sự bức xúc trong dư luận.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)