Như Tiền Phong đã thông tin, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ba Đình căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát của liên ngành khẩn trương ban hành quyết định cưỡng chế và phê duyệt phương án cưỡng chế đối với phần diện tích vi phạm được cơ quan chuyên môn kết luận. Thành phố Hà Nội yêu cầu “khẩn trương”, nhưng đến nay UBND quận Ba Đình vẫn chưa ban hành quyết định cưỡng chế khiến dư luận đặt dấu hỏi về thái độ xử lý của chính quyền địa phương.
Tòa nhà 8B Lê Trực sai phạm chây ỳ việc tự xử. Ảnh: Như Ý. |
Với lý do phá dỡ công trình có kết cấu bê tông phức tạp như nhà 8B Lê Trực rất khó khăn, vì phải lắp hệ thống giáo bao che ngoài mặt đường Trần Phú từ tầng 1 đến tầng 5, phải thi công lắp đặt hệ thống giáo che ngoài trời trên tầng 19, Công ty CP May Lê Trực đề nghị Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên cho qũy thời gian 7 tháng chỉ để phá xong giai đoạn 1, gồm: tum thang, tầng 19.
Đáng lưu ý là Công văn số 171/2015/QLDA của Công ty CP May Lê Trực không nhắc đến việc phá dỡ giai đoạn 2, cũng như quỹ thời gian cụ thể sẽ hoàn thành việc phá dỡ và cắt gọt diện tích vi phạm theo kết luận của cơ quan chức năng.
Trước việc chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực có công văn “xin” quỹ thời gian 7 tháng để phá dỡ phần tum thang, tầng 19, trong khi cơ quan quản lý nhà nước là UBND quận Ba Đình chậm ban hành quyết định cưỡng chế, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định sẽ có văn bản đốc thúc và kiến nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định cưỡng chế nhà 8B Lê Trực theo đúng quy định, chứ không đồng ý với phương án tự phá dỡ trong thời hạn 7 tháng được chủ đầu tư đưa ra.
Một đại diện của Sở Xây dựng cho biết: “Với tốc độ phá dỡ thể hiện trong văn bản kiểm tra của cơ quan liên ngành thì việc phá dỡ của chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực đang thực hiện là chậm và không đảm bảo tiến độ theo đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Khi chủ đầu tư tự phá dỡ không đảm bảo tiến độ thì UBND quận Ba Đình phải có trách nhiệm ra Quyết định cưỡng chế, phê duyệt phương án cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đề nghị thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình nghiêm túc thực hiện chỉ đạo…”.
Chậm xử lý dư luận càng bất bình
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đối với công trình nhà 8B Lê Trực, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch thành phố đã rất nhiều lần chỉ đạo nhưng UBND quận Ba Đình lại xử lý với tốc độ rất cầm chừng.
“Ở đây có gì bất thường đáng nghi ngờ không? Tôi cho rằng việc UBND quận Ba Đình chậm ra quyết định cưỡng chế rất có thể vì trước đây hai bên có sự “dan díu” quyền lợi nào đó nên giờ khó xử. Đối với công trình đã được kết luận vi phạm rõ ràng như nhà 8B Lê Trực thì quá đủ điều kiện để ký quyết định cưỡng chế, vấn đề là UBND quận Ba Đình muốn làm, hay chờ dư luận lắng xuống rồi cho qua?”, ông Liêm nói.
“Tôi đồng ý quan điểm cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư tự giác khắc phục vi phạm, nhưng việc tháo dỡ phải được thực hiện nghiêm túc, chứ anh không thể kéo dài từ tháng này qua tháng khác, nếu để như vậy dư luận rất bất bình. Qua báo chí phản ánh có thể thấy Công ty Cổ phần May Lê Trực đã không nghiêm túc phá dỡ nên cần xử lý nghiêm khắc hơn. Những ngày qua, tôi được biết UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đốc thúc.
Tuy nhiên, chỉ đốc thúc trên giấy trong trường hợp này là chưa đủ. Để giải quyết triệt để, tôi cho rằng lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội phải thường xuyên dành thời gian giám sát chặt chẽ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND quận Ba Đình nếu cấp dưới không thực hiện đúng chỉ đạo…”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Để giải quyết triệt để, tôi cho rằng lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội phải thường xuyên dành thời gian giám sát chặt chẽ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND quận Ba Đình nếu cấp dưới không thực hiện đúng chỉ đạo…”. Ông Phạm Sỹ Liêm |