Đây là phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo “Phát triển thị trường Bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội”.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, trong một vài năm gần đâ Hà Nội có chuyển biến rõ rệt, như vấn đề trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh của một đô thị xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, phố đi bộ là thành công rất lớn của Hà Nội. Ngoài ra là việc cho phép kinh doanh, buôn bán về đêm; lộ trình giảm dần xe máy…
Thủ đô đang có những bước chuyển biến, hình thành các đô thị văn minh, bước đầu hình thành nếp sống thị dân. Nhưng thực trạng vẫn còn nhiều điều bức xúc, đặc biệt là giao thông, nhà ở, xử lý rác, môi trường.
Vì vậy, ông Nguyễn Trần Nam góp ý một số vấn đề nhằm phát triển thị trường bất động sản, tạo lập không gian sống văn minh cho Thủ đô.
Trước tiên, về công tác Quy hoạch và quản lý quy hoạch, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, để giải quyết bài toán tăng trưởng gắn với quy mô dân số, ngày 27/6/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó, xem việc liên kết vùng, xây dựng vùng Thủ đô gắn với các đô thị vệ tinh mang tính đột phá.
“Tuy nhiên, đã qua hơn 6 năm, việc thực thi ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh gắn với vùng thủ đô vẫn chưa thực hiện được trong khi những bức xúc về mặt xã hội, hạ tầng cơ sở ngày càng gia tăng” – ông Nguyễn Trần Nam nói.
Vì vậy, theo ông, Hà Nội cần hoàn thiện, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật.
“Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị về tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa.
Về vấn đề cây xanh, ông Nguyễn Trần Nam dẫn số liệu từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đến 2015, chỉ tiêu cây xanh mới đạt 2,5m2 /người trong khi mục tiêu quy hoạch năm 1998 là 16 m2 /người; đặc biệt thiếu các công viên trên 50 ha. Chỉ tiêu giao thông đến nay mới đạt 7,5%, còn xa mới đạt 25% theo quy hoạch năm 1998 và quy hoạch chung năm 2011 là 27%.
Do đó, ông Nguyễn Trần Nam đề xuất Thành phố cần tiếp tục cải tạo, nâng cấp, phát huy hiệu quả hệ thống các hồ nước, công viên, vườn hoa và chỉnh trang cây xanh đô thị. Cần dỡ bỏ hàng rào các công viên để mọi người dân, du khách được tiếp cận với không gian sống xanh, sạch, có nơi vui chơi, giải trí.
“Tôi đi nhiều nơi, thấy Hà Nội là duy nhất công viên có hàng rào bán vé. TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang đã dỡ hết hàng rào, không bán vé. Công viên xây bằng ngân sách, bằng tiền thuế của người dân thì phải để người dân hưởng thụ.
Thành phố có thể cho một số doanh nghiệp vào kinh doanh các dịch vụ lành mạnh để phục vụ người dân” – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Cùng với đó, ông Nguyễn Trần Nam đề xuất Thành phố cần tiếp tục công tác sắp xếp, dành lại vỉa hè cho người đi bộ, tránh để bộ mặt đường phố lộn xộn, nhếch nhác.
“Bao nhiêu năm nay người dân rất bức xúc vì vỉa hè cứ vài năm lại đào lên lát một lần. Gần đây Thủ đô có chủ trương lát đá bền vĩnh viễn, tôi thấy rất đồng ý. Việc lát đá xảy ra chuyện này chuyện kia là do công tác triển khai thôi, còn chủ trương là đúng. Vỉa hè là bộ mặt đô thị, sắp tới chúng ta hạn chế xe máy thì phải có vỉa hè, và nên lát bằng vật liệu sang trọng, bền vững, lâu dài. Độ bền đá lát vỉa hè phải tối thiểu là 10 năm, thậm chí vĩnh viễn” – ông nói.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thành phố di dời một số trụ sở sở ngành, cơ quan Nhà nước, công trình công cộng ra khỏi trung tâm Thành phố. “Xung quanh Hồ Gươm, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài… đang để rất nhiều đất trưng bày tranh cổ động, nhưng bảo tàng thì lại bỏ không, không trưng bày.
Rất nhiều công sở ở trung tâm thành phố buổi tối tắt đèn tối om, rất lãng phí. Chúng ta có thể di dời ra ngoài khu trung tâm, đất đó có thể xây dựng các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch… sẽ thu hút được rất nhiều khách, đem lại rất nhiều tiền” – vị chuyên gia kiến nghị.
Ông Nguyễn Trần Nam cũng kiến nghị Hà Nội cần đầu tư hệ thống chiếu sáng tiết kiệm; tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đề ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân; tập trung phát triển giao thông công cộng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính...
Theo Hà Loan (An Ninh Thủ Đô)