"Họ trực tiếp đến nhà, năn nỉ tôi nhận lại lương, đồng thời, xin lỗi, nhận trách nhiệm nhưng khi trả lời báo chí lại ngược lại, đổ lỗi cho tôi", nguyên Phó Tổng thanh tra CP cho hay.
Theo ông Bình, đến thời điểm hiện tại, cá nhân ông không hề nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của phía bưu điện cũng như bảo hiểm xã hội về vấn đề của mình.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình. Ảnh: Thanh tra Chính phủ. |
Tuy nhiên, khi đọc thông tin qua báo chí, ông không đồng tình với trả lời của các cơ quan trên khi cho rằng, ông chỉ cung cấp mã thẻ ATM cho Bảo hiểm xã hội TP.HCM và từ tháng 4/2017, ngân hàng không chi trả lương cho các trường hợp chỉ có mã thẻ, không có số tài khoản.
Đồng thời, do ông Bình không cung cấp số điện thoại, vì thế đã không thay đổi thông tin và không chi trả được lương hưu.
"Tôi không đồng tình với cách trả lời như vậy và nó không thuyết phục, sai nhưng không nhận lỗi.
Bởi khi có chủ trương của Chính phủ trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản ATM thì tôi đang công tác ở Ban Tổ chức Trung ương và làm thẻ ngân hàng của BIDV này.
Sau khi về tỉnh một thời gian thì tôi không sử dụng thẻ này nữa, đến khi về Thanh tra Chính phủ, tôi mới đăng ký sử dụng lại.
Suốt thời gian dài công tác tại Thanh tra Chính phủ và sau khi về hưu từ 2015 đến tháng 3/2017, tôi vẫn nhận lương qua thẻ ATM cho đến tháng 4/2017 thì không nhận được lương.
Đến khi tôi lên phường, bảo hiểm xã hội hỏi thì lại đổ lỗi do tôi không khai rõ, thay đổi thông tin... Việc giao dịch của bưu điện với ngân hàng như thế nào thì tôi có biết đâu", ông Bình nêu.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, sau khi ông lên tiếng về sự việc thì lãnh đạo Bưu điện Thành phố, Giám đốc Bưu điện quận 3 đã đến tận nhà xin lỗi nhưng giờ trả lời báo chí lại khác.
"Tối 23/8, Phó Giám đốc Bưu điện Thành phố và Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận 3 cầm hơn 45.132.000 đồng trực tiếp đến nhà tôi năn nỉ tôi nhận lại lương, đồng thời, xin lỗi, nhận trách nhiệm nhưng khi trả lời báo chí lại ngược lại, đổ lỗi cho tôi.
Việc như vậy rõ ràng là họ sợ trách nhiệm và như thế không thể chấp nhận được", ông Bình chỉ rõ.
Ông cũng thông tin thêm, qua tìm hiểu thì không phải một mình ông gặp phải việc này mà một số người khác cũng bị trục trặc lương hưu trả qua tài khoản ATM.
"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, Thanh tra thành phố cần làm rõ số tiền lương hưu này là bưu điện giữ hay ai, có bao nhiêu người đã mắc phải trường hợp như tôi và có hay không việc chiếm giữ lương hưu này để cho vay, lấy lãi... khi phát hiện rồi mới trả lại.
Và giả sử, nếu tháng 8 này tôi không đến phường, không nêu ý kiến thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục bị chiếm dụng?.
Tôi sẽ làm đơn kiến nghị thanh tra rõ việc này", ông Bình nêu thêm.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)