Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật: Liên quan vụ bán cảng Quy Nhơn

07/05/2019 08:27:00

Chưa đầy 2 năm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký 3 văn bản để Vinalines nắm 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn, tiếp đến là bán hết phần vốn của Vinalines cho Công ty CP Cảng Quy Nhơn

gày 5-5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng một số lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mắc vi phạm, khuyết điểm do liên quan đến cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Cho bán sạch vốn nhà nước

Được biết, các khuyết điểm được nêu trong kết luận này chủ yếu là do liên quan đến các sai phạm trong quá trình CPH cảng Quy Nhơn.

Cụ thể, ngày 4-2-2013, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (nhiệm kỳ từ tháng 8-2011 đến tháng 4-2016), nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ký quyết định đề án tái cơ cấu Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) giai đoạn 2012-2015. Theo đó, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật: Liên quan vụ bán cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Gần 4 tháng sau, ngày 27-5-2013, ông Ninh tiếp tục ký văn bản với nội dung xét đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, Thủ tướng có ý kiến: "Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines CPH cảng Quy Nhơn theo phương thức Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ; các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; sau CPH, công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán". Đến ngày 8-9-2014, ông Ninh ký tiếp công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT, cho phép bán hết phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP; TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho các nhà đầu tư trong nước và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, trong thời gian chưa đầy 2 năm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh liên tục ký 3 văn bản để cho Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, rồi bán hết phần vốn của Vinalines tại QNP. Sau các văn bản này, Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành, trụ sở tại TP Hà Nội) đã được chuyển nhượng 86,23% vốn điều lệ (348/404 tỉ đồng) của QNP.

Ngoài ra, ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT và các ủy viên Ban Cán sự Đảng (gồm các thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật) cũng có những sai phạm do liên quan đến các văn bản tham mưu, đề xuất trong quá trình CPH tại cảng Quy Nhơn và bán hết phần vốn tại QNP.

Chậm trễ thu hồi

Hiện Vinalines vẫn đang tiếp tục đàm phán với Công ty Hợp Thành để thu hồi 75,01% cổ phần tại QNP về cho nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

"Sau khi tính toán, tại cuộc họp gần đây giữa các bên liên quan, đại diện Công ty Hợp Thành đã đề nghị số tiền chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại QNP là khoảng 750 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía Vinalines cho rằng mức giá này là cao nên đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến để xử lý vụ việc. Về cơ bản, Công ty Hợp Thành thống nhất bàn giao số cổ phần theo kết luận của TTCP, vấn đề còn lại chỉ là giá cả" - một nguồn tin tiết lộ.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Vinalines cho biết đơn vị này không chấp nhận mua lại 75,01% cổ phần tại QNP theo mức giá thị trường, mà chỉ với mức giá như ban đầu đã bán cho Công ty Hợp Thành. Còn các khoản như chi phí cơ hội hoặc lãi suất ngân hàng... đối với số tiền trước kia nhà đầu tư bỏ ra để mua cảng thì sẽ được tính toán thêm.

"Khi hay tin TTCP yêu cầu thu hồi 75,01% cổ phần tại QNP về cho nhà nước thì cán bộ, nhân viên cảng Quy Nhơn ai cũng vui mừng. Thế nhưng chẳng hiểu sao sự việc kéo dài gần 8 tháng qua mà cảng vẫn chưa được thu hồi khiến anh em rất lo lắng" - một nhân viên QNP nói.

Ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2005-2010), cho rằng việc thu hồi 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn về cho nhà nước phải phù hợp tình hình thực tế. "Bên nào sai thì bên ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp này, kết luận thanh tra không nói Công ty Hợp Thành mua sai mà chỉ nói các cơ quan chức năng bán sai. Do vậy, bên bán phải thương lượng sang nhượng lại cổ phần theo đúng quy định chứ không thể thu hồi lại cổ phần như lúc bán ban đầu" - ông Hà phân tích. 

Cảng Quy Nhơn hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ GTVT) quản lý. Năm 1993, Bộ GTVT thành lập DNNN Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Vinalines và đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn; tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án CPH, chuyển thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn. 

Thu hồi 75,01% cổ phần đã bán

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 9-2018, TTCP công bố kết luận thanh tra việc CPH cảng Quy Nhơn. Trong đó, đáng chú ý là Bộ GTVT có 2 văn bản cho Công ty Hợp Thành thỏa thuận trực tiếp khi chưa được Thủ tướng cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật. Vì vậy, 2 văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước...

Trên cơ sở đó, cuối tháng 2-2019, Bộ GTVT có văn bản hủy bỏ 2 văn bản nói trên. Bộ GTVT cũng giao Vinalines làm việc với Công ty Hợp Thành, thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán (tương đương 30.312.262 cổ phiếu).

Theo Đức Anh (Nld.com.vn)

Nổi bật