Sự phát triển của công nghệ thông tin các kênh youtube, nền tảng mạng xã hội dành cho trẻ con mọc lên như nấm. Bên cạnh, những thông tin góp phần phát triển nhận thức, kỹ năng sống cũng có những video độc hại ảnh hưởng tới trẻ nhỏ.
Trước sự nguy hiểm của mạng xã hội, kênh youtube đối với trẻ nhỏ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BSCK Nhi Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ CS trẻ em (Bộ LĐTBXH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe về vấn đề trên.
PV: Thưa chuyên gia, có hay không tình trạng trẻ xem youtube, mạng xã hội dẫn tới bị phụ thuộc?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Mạng xã hội nói chung và mạng Youtube nói riêng đang góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của trẻ em. Vì trực quan sinh động nên Youtube đang ngày càng trở thành nơi cung cấp rất nhanh, trực tiếp các thông tin, kỹ năng và kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cho trẻ em.
Tuy nhiên, bên trong các youtube luôn tiềm ẩn các vấn để tiêu cực, những kiến thức độc hại như: bạo lực, tình dục, mê tín ma mị nguy cơ cao ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần và tính mạng của trẻ em.
Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã gây ra những hội chứng nghiện youtube, nghiện game ở trẻ em dẫn đến những trường hợp trẻ bị phụ thuộc, mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến học tập, thậm chí gây ra chứng rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, hoặc tự tử ở trẻ em.
PV: Việc bố mẹ để con xem youtube, mạng xã hội, tivi không có quản lý và giám sát như vậy có thể gây ra những hệ lụy gì?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Sự thiếu hướng dẫn, quản lý giám sát của các bậc cha mẹ khi để trẻ được tự do xem youtube là hành động tự sát hại trẻ thơ. Nguy cơ cao để con em mình bị tiếp cận, xâm nhập vào những Youtube độc hại, nguy hiểm… gây ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần và tính mạng của trẻ em, gây nên một số vẫn đề xã hội nghiêm trọng như: bạo lực, xâm hại trẻ em và gia tăng trẻ em trẻ em vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên theo tôi, không phải cha mẹ nào, gia đình nào cũng có đủ thời gian, có đủ kiến thức và nhận thức được điều này. Do vậy, điều quan trọng nằm ở tầm cao hơn, đó là việc kiểm soát, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp các kênh yotube trên mạng cần phải tuân thủ các quy định Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo đúng quy đình của Luật trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Thủ tướng về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
PV: Thưa bác sĩ việc trẻ xem những video độc hại trên mạng có làm "méo mó" tâm hồn trẻ hay không?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Bên cạnh, mặt tích cực của mạng xã hội thì hiện nay xuất hiện nhiều các video clip, tiktok rất tiêu cực và nguy hiểm, hoặc gián tiếp hướng dẫn, xúi dục trẻ làm theo các trò chơi nguy hiểm, nó đang "đầu độc tâm hồn trẻ thơ Việt Nam".
Những nội dung của những video này sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó tâm hồn của trẻ nhỏ thậm chí đã gây ra những trường hợp gây nguy hại đến cả sức khỏe thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ. Đồng thời, những video độc hại còn có thể gây nên một số vẫn đề xã hội nghiêm trọng như bạo lực, xâm hại trẻ em và gia tăng trẻ em trẻ em vi phạm pháp luật.
PV: Bản thân ông đã từng chứng kiến trường hợp trẻ bị ảnh hưởng lớn từ việc xem những video độc trên mạng hay chưa?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Bản thân tôi là một bác sĩ Nhi khoa cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng từ việc xem các video độc hại trên mạng xã hội.
Có trường hợp em bé rối nhiễu tâm trí, gây bạo lực vi phạm pháp luật, bị tâm thần hoặc tự thắt cổ chết do xem các You tube độc hại.
Chúng ta cũng nhận thấy, trong những năm gần đây trong xã hội mọc lên như nấm các trung tâm dạy học, điều trị, phục hồi trẻ bị rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần, tự kỷ. Tất nhiên là do nhiều nguyên nhân, nhưng các Youtube độc hại cũng góp một phần không nhỏ vì nhiều năm qua nó đã gây ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần của nhiều trẻ em.
Đã có nhiều trường hợp gây ra những hội chứng nghiện youtube, nghiện Game ở trẻ em dẫn đến những trường hợp trẻ bị phụ thuộc, mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến học tập, thậm chí gây ra chứng rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, hoặc tự tử ở trẻ em.
PV: Hiện nay, điều kiện kinh tế tốt hơn gia đình nào cũng có smartphone cho nên đi tới đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh trẻ con mỗi đứa 1 chiếc điện thoại để vào mạng xem youtebe hay chơi game. Khi chứng kiến những đứa trẻ thay vì chơi đùa là cắm mặt vào chiếc điện thoại ông có cảm nghĩ như thế nào? Cá nhân ông có thấy rằng các phụ huynh hiện nay cũng đang lạm dụng điện thoại để dỗ dành cho trẻ hay không?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Với tư cách là một chuyên gia bảo vệ trẻ em, tôi không trách các bậc cha mẹ nhiều vì nhiều cha mẹ đã thiếu kiến thức để nhận biết ra ảnh hưởng độc hại của mạng xã hội mà chúng ta đang trao đổi trên.
Tôi cảm thấy buồn hơn vì cả xã hội, người lớn chưa quan tâm đến lợi ích của sự vui chơi ngoài trời gần gũi môi trường thiên nhiên và quyền của trẻ em được vui chơi giải trí và phát triển văn hóa tinh thần.
Chúng ta có thể thấy thực tế trong từng địa phương, tỉnh thành rất thiếu điểm vui chơi giải trí ngoài trời, hầu hết các sân chơi, rạp hát, chiếu phim cho thiếu nhi đã bị người lớn chiếm dụng làm bãi gửi xe, bán bia hoặc điểm giải trí cho người lớn.
Thêm nữa trẻ em phải nhồi nhét học tập suốt ngày không còn thời gian để vui chơi nữa.
Cha mẹ thì qua bận bịu để làm việc kiếm sống, do vậy còn chút thời gian ngắn ngủi các bậc cha mẹ đưa vào tay trẻ cái điện thoại, máy tính bảng, Tivi với suy nghĩ phần để an ủi, phần để dỗ dành trẻ và nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng bởi những youtube có nội dung xấu là khó tránh khỏi.
Lời khuyến cáo và lời khuyên của ông dành cho các bậc phụ huynh?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Mong các bậc cha mẹ hãy dành thời gian chuyện trò với con mình nhiều hơn, nếu trong trường hợp gia đình quyết định cho trẻ được tiếp xúc với các phương tiện kết nối được với mạng Internet thì hãy nhớ rằng, trẻ nhỏ dưới 7 tuổi thì cha mẹ hãy chuyện trò và hướng dẫn con em mình về mối nguy hại tiềm ẩn trong các video, Tiktok, Youtube và khuyên bảo trẻ nếu có lo ngại hoặc phát hiện gì lạ cần thông báo ngay với người lớn.
Nếu trẻ trên 7 tuổi hãy luôn giám sát và quản lý con cháu mình khi trẻ tiếp xúc với môi trường mạng thông qua máy tính, điện thoại, ti vi. Song song với quản lý, giám sát các bậc cha mẹ giáo dục, hướng dẫn trẻ khi trẻ lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn.
Đối với những gia đình thiếu điều kiện thời gian và kiến thức thì cần thiết phải kiểm soát danh mục hoặc khóa Kênh Youtube trên Ti vi thông minh.
Cảm ơn bác sĩ, chúc ông sức khỏe và thành công!
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)