Nguyên nhân hai vụ sạt lở ở vùng Rào Trăng 3 có thể không giống nhau

21/10/2020 08:30:38

Theo nhà khoa học từng trực tiếp khảo sát nguy cơ sạt lở vùng Rào Trăng 3, hai vụ sạt lở tại đây làm 30 người chết có thể có nguyên nhân không giống nhau.

TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - nói có thể có hai nguyên nhân nhân tạo và tự nhiên. Đương nhiên hai vụ sạt lở nêu trên nhất định là hệ quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân trong đó nổi bật là đất đồi núi với lớp vỏ phong hóa granite bị ngâm nước mưa nhiều ngày dẫn đến giảm lực liên kết.

Tuy nhiên, mỗi nơi dường như có một nguyên nhân đặc thù chứ không hoàn toàn như nhau, không hoàn toàn do tác động trực tiếp của các hoạt động nhân tạo đã và đang diễn ra tại thủy điện Rào Trăng 3 cũng như tại các công trình khác.

“Cách đây một năm đơn vị chúng tôi có tiến hành khảo sát nguy cơ sạt lở vùng này và cũng đã chỉ ra hai nhóm nguy cơ với hai nhóm nguyên nhân khác biệt”, TS Hòa nói.

Nguyên nhân hai vụ sạt lở ở vùng Rào Trăng 3 có thể không giống nhau
Vị trí nơi 17 công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng.

Nhóm nguy cơ cao nhất là do nhân tạo với 40/42 điểm dự báo trượt lở do bạt ta luy, tức là can thiệp vào cấu trúc bề mặt tự nhiên của đồi núi. Chỉ 2 trong số đó mới có thể thuộc về cấu trúc bề mặt tự nhiên vốn có từ lâu của vùng này.

Cụ thể, vụ lở đất ở khu vực nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 người bị vùi lấp và tử vong rất có thể do sạt lở ta luy tức do tác động trực tiếp của người.

Ngược lại, vụ sạt lở tại trạm kiểm lâm tiểu khu 67 khiến 13 quân nhân tử vong có thể không chịu tác động trực tiếp của yếu tố người và, thay vào đó, có thể có yếu tố tự nhiên.

Xây dựng thủy điện là nguyên nhân chính

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - VACNE) cho biết, xây dựng các công trình thủy điện ở vùng núi cao đầu nguồn là một trong những nguyên nhân chính tác động xấu đến việc sạt lở, lũ ống, lũ quét càng tăng cao tại miền núi, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung bởi khu vực này được đánh giá là có nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nhiều nhất nước ta.

Việc xây dựng nhà máy thủy điện đồng nghĩa với việc mất đất, kéo theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện).

Nguyên nhân hai vụ sạt lở ở vùng Rào Trăng 3 có thể không giống nhau - 1
PGS.TS Lê Bắc Huỳnh.

“Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư. Việc tận thu rừng trong lòng hồ, khu vực công trình cũng luôn kéo theo sự lợi dụng để khai thác, tàn phá rừng đầu nguồn các lưu vực sông. Hậu quả là thủy điện làm mất dần “bình phong” điều tiết lũ tự nhiên trên lưu vực, gián tiếp làm gia tăng lũ, đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ mất bền vững của công trình (giảm tuổi thọ và tăng các chi phí khác của vận hành hồ chứa thủy điện theo quy định)” – ông Huỳnh phân tích.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, tàn phá rừng khi xây dựng công trình thủy điện chính là con đường ngắn nhất tự gây thảm họa cho chính mình. Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

“Khi có tác động của con người trong quá trình xây dựng thủy điện, đào xới thì càng khiến quá trình này càng gia tăng, khiến không chỉ lũ nước mà bùn đá càng gia tăng” – ông Huỳnh cho hay.

Theo PV (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật