Nguyên mẫu người đàn bà “đệ nhất xấu xí” làng Vũ Đại ngày ấy

24/05/2015 11:51:43

Để tìm nguyên mẫu của người đàn bà “xấu nhất Việt Nam” nhưng lại có sức sống mãnh liệt nhất trong văn học - Thị Nở, chúng tôi tìm về làng Vũ Đại. Nhiều điều bất ngờ được hé lộ, nhất là một trong những nguyên mẫu để tạo ra người đàn bà “dở hơi đó” không ai khác mà chính là một người họ hàng của nhà văn Nam Cao.

Để tìm nguyên mẫu của người đàn bà “xấu nhất Việt Nam” nhưng lại có sức sống mãnh liệt nhất trong văn học - Thị Nở, chúng tôi tìm về làng Vũ Đại. Nhiều điều bất ngờ được hé lộ, nhất là một trong những nguyên mẫu để tạo ra người đàn bà “dở hơi đó” không ai khác mà chính là một người họ hàng của nhà văn Nam Cao.
 
Nguyên mẫu Thị Nở là dì họ của nhà văn Nam Cao
 
Người đàn bà dở hơi có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam ấy là Thị Nở - người con gái xấu ma chê quỷ hờn song vẫn có được cuộc tình trăng hoa một đêm với kẻ khốn nạn chuyên rạch mặt ăn vạ là Chí Phèo. Ít ai biết được rằng, người đàn bà nổi tiếng trong văn học Việt Nam ấy được xây dựng từ một nhân vật người trần mắt thịt ngoài đời thực.
 
Men theo con đường tỉnh lộ quanh co, cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 30km, chúng tôi tìm về làng Vũ Đại nổi tiếng trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Ngôi làng ấy trước có tên là làng Đại Hoàng (tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân) nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao đã vẽ nên 2 nhân vật điển hình trong tác phẩm của mình bằng sự tích cóp, góp nhặt những điều xấu xa nhất của người trong thiên hạ và chính người làng mình. Ít ai ngờ được rằng, Chí Phèo - Thị Nở không chỉ là những nhân vật có trong văn chương mà là những người có thực ngoài đời.
 
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Duy Đường (gần 80 tuổi) - con cháu của cụ Bá Bính - nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến - cho hay, những câu chuyện về Chí Phèo - Thị Nở hiện giờ chỉ có một số người già nhớ, còn những thế hệ trẻ trong làng chẳng mấy người quan tâm. Khi chúng tôi hỏi cụ về nguyên mẫu hình tượng Thị Nở thì bất ngờ được biết: “Thị Nở là có thật và cũng có dây mơ rễ má họ hàng với chính nhà văn Nam Cao. Nam Cao gọi "Thị Nở" là dì”, ông Đường nói.
 
Theo lời giới thiệu của cụ Đường, chúng tôi tìm về nhà cụ Trần Hữu Đạt (90 tuổi, em ruột của nhà văn Nam Cao). Tuy sức khỏe yếu nhưng cụ vẫn rất minh mẫn mỗi khi nhắc đến người anh Nam Cao và những tác phẩm để đời, trong đó có hai nhân vật chính là Chí Phèo - Thị Nở. Theo trí nhớ của cụ Đạt thì nguyên mẫu của nhân vật Thị Nở ở chính ngay trong làng Đại Hoàng. “Hồi đấy, ở làng Đại Hoàng có cô gái tên Trần Thị Nở, con ông Trần Hữu Kính làm nghề đóng cối xay nên còn gọi là Phó Kính. Thị Nở lớn lên chẳng giống ai, xấu xí, tính tình hâm hâm dở dở. Cô có một thói quen là rất hay cười, ai nói gì cũng cười, không phải cười mỉm mà là cười phớ lớ, cười như được mùa. Vì thế ông Phó Kính mới đặt tên là Thị Nở”, cụ Đạt kể.
 

Cụ Trần Hữu Đạt trò truyện với phóng viên.

 
Theo cụ Đạt và các bậc cao niên trong làng, Thị Nở có một tính xấu nữa là rất hay buồn ngủ. Thị có thể ngủ mọi lúc, mọi nơi, mặc kệ đang làm gì hay không. Khi thì thị lăn ra đống rơm để ngủ, lúc thì gốc chuối, bụi tre, bờ ao. Có lần, thị ra bờ ao gánh nước, chẳng hiểu vì gió mát hay cảnh vật yên bình mà thị quẳng gánh, quẳng thùng, nằm đánh một giấc ngon lành bên bờ ao. Người làng ai cũng buồn cười. Một điểm khác với Thị Nở trong tác phẩm của Nam Cao là Thị Nở này có chồng con đề huề. Chồng thị chính là cậu của nhà văn Nam Cao tên là Đào. Anh Đào cũng đi làm thuê, nhà hai vợ chồng rất nghèo, nhưng được gia đình bố mẹ cho tí vốn liếng nên mua được chức quyền trong thôn. Thị thì tỏ ra vênh vang, còn chồng thì nai lưng ra trả nợ.
 
Con dâu của cụ Đạt là cô Đỗ Thị Lưỡng (SN 1952) đã nhiệt thành kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rất bất ngờ. Vì là cô giáo dạy Văn nên cô Lưỡng bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu về tác phẩm này cũng như những nhân vật ngoài đời thực. Cô Lưỡng phân tích tường tận cho chúng tôi nghe những gì giống và khác của nhân vật Thị Nở trong văn chương và ngoài hiện thực. Cô cho biết: “Thi thoảng, gia đình nhà Thị Nở vẫn nói xấu gia đình nhà văn Nam Cao vì đã mô tả một cách cường điệu hóa nhân vật Thị Nở trong truyện, để đến giờ, “tiếng tăm” của nhân vật Thị Nở vẫn còn lưu danh.
 
Cũng theo cô Lưỡng, dì họ của nhà văn Nam Cao chỉ là một phần nguyên mẫu của nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn “Cái lò gạch cũ” của nhà văn Nam Cao, ngoài ra còn một nguyên mẫu nữa cho nhân vật này.
 
Nguyên mẫu thứ hai cũng... xấu thậm tệ
 
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Bá Kiến trong truyện, chính là cụ Nghị Bính ngoài đời thực. Căn nhà bằng gỗ nhỏ, trông rất cổ kính, xinh xắn, nằm ngay gần đầu thôn Nhân Hậu. Người trông coi căn nhà là cô Trần Thị Mai đã kể cho chúng tôi nghe về nhân vật hình tượng thứ hai của Thị Nở. Cô bảo: “Tôi cũng chỉ được nghe ông nội và các bậc cao niên trong làng kể lại rằng, nguyên mẫu của Thị Nở ngày trước tên Trần Thị Thìn, con cụ Phó Thảo (vì cụ biết chữ nho nên gọi cụ là Phó Thảo). Cô Thìn tuy sinh ra trong gia đình khá giả nhưng lại xấu xí, tính tình cũng dở người. Cô có cái mũi to bạnh, da dẻ sần sùi như vỏ cam, cái mặt ngắn tũn, trông rất vô duyên. Gia đình bề thế nhưng vì quá xấu, không ai theo đuổi nên cô ở vậy. Nếu có thì cũng chỉ là một vài người hay trêu ghẹo, tán tỉnh vớ vẩn. Thanh niên làng thì không dám với cao vào gia đình cụ Phó Thảo, người có điều kiện lại chê cô xấu xí”.
 

Cô Trần Thị Mai - người trông coi căn nhà cụ Bá Kiến ngoài đời thực .

 
Nhà cô Thìn có mảnh vườn trước cửa, cỏ mọc xanh rì. Mẹ cô thường sai con gái đi làm cỏ nhưng cô làm cả ngày cỏ vẫn tươi tốt. Sở dĩ như vậy bởi vườn nằm ngay đường đi, mấy thanh niên làng đi qua thường buông dăm ba câu trêu ghẹo khiến cô không thể tập trung vào làm cỏ mà luôn ngừng tay mời họ vào nhà chơi. Thấy thế, mẹ cô thường xuyên chửi mắng và rồi cô lại phụng phịu hờn trách. Những lúc như vậy, cái mũi cô bạnh ra rất to, khuôn mặt nhăn nhó, xấu thậm tệ. Tính tình của cô Thìn cũng chẳng giống ai, “tứ mùa diện váy” và gặp ai cũng cười nhăn nhở.
 
Còn một người phụ nữ khác, đó là người buôn trứng ngoài chợ. Trong một lần đi qua cái lò gạch cũ đã gặp và quen với Chí Phèo. Cô Mai cho biết: “Những cụ trong làng nói rằng, anh Chí Phèo không yêu Thị Nở ở làng này mà yêu cô “Nở” buôn trứng ở làng khác”. Chí Phèo và bà buôn trứng có với nhau một người con, đến giờ, người ấy vẫn còn sống trong làng. Nhưng không ai trong làng biết được sự thật người đó là ai. Có nhiều đoàn làm phim được dẫn đến để tìm gặp người con Chí Phèo, nhưng gia đình hoàn toàn phủ nhận.
 
Cô Thìn không lấy chồng, ở với gia đình suốt đời, còn Thị Nở lại có gia đình đề huề. Nhưng Nam Cao đã chắt lọc, tổng hợp những nét xấu xí trong tính cách và ngoại hình của cả hai nhân vật này để tô vẽ nên hình tượng Thị Nở trong tác phẩm “Cái lò gạch cũ”. Cô Mai cũng nhắc: “Ngày xưa, có rất nhiều đoàn ghé thăm làng “Vũ Đại”, thăm nhà Bá Kiến, nhưng giờ đã vãn đi rất nhiều. Giờ con cháu trong thôn Nhân Hậu chẳng mấy ai quan tâm và hiểu rõ về hình tượng nguyên mẫu của hai nhân vật để đời Chí Phèo - Thị Nở, các cụ trong làng - những người biết rõ - thì tuổi cao, sức yếu rồi.”
 
Có thể nói, Chí Phèo - Thị Nở đã trở thành "cặp đôi hoàn hảo", có sức sống lâu bền nhất trong văn đàn văn học Việt Nam. Sau này, hình tượng Thị Nở không chỉ nằm trên trang giấy mà còn tái xuất trên màn ảnh. Nhưng để có thể làm sống dậy một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn và tính tình hâm hâm dở dở như thế không phải là dễ. Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu đã hóa thân rất tốt vào nhân vật này, để mỗi khi nhắc tới Thị Nở trên màn ảnh, người ta lại nhắc ngay đến người đàn bà có hàm răng thô kệch, xấu xí, thích ỡm ờ với đàn ông mặc vẻ ngoài của mình. Tuy nhiên, với người đàn ông của mình, thị lại rất thủy chung, yêu thương, săn sóc.
 
>> “Huyền thoại Thị Nở” tiết lộ nguyên nhân dang dở của mối tình đầu
 
Theo Lê Khang (Lao Động)

Nổi bật