Cụ thể, theo thông tin báo chí đưa, 20h ngày 30.6, bà Lệ đã đến tiệm chăm sóc sắc đẹp P.N. (thị xã Phước Long, Bình Phước) do chị N (35 tuổi) làm chủ để dặm lại lông mày đã xăm trước đó. Để hạn chế việc sưng đau, tiệm này đã cho bà Lệ uống một loại thuốc. Gần 22 giờ cùng ngày, khi ra ô tô đi về thì trên đường đi, bà Lệ có dấu hiệu mệt mỏi, ngứa toàn thân. Bà Lệ yêu cầu tài xế chở quay lại tiệm P.N.
Khi chủ tiệm ra đón và mở cửa ô tô thì thấy bà Lệ đã bất tỉnh, sùi bọt mép nên chở đi cấp cứu. Tuy nhiên, các y, bác sĩ thông báo bà Lệ đã tử vong trước đó. Gia đình bà Lệ sau đó đề nghị cơ quan chức năng không pháp y tử thi.
Một nguồn tin cho rằng, loại thuốc mà bà Lệ uống là loại thuốc khá thông dụng, nhiều tiệm xăm môi, chân mày vẫn cho khách sử dụng. Bà Lệ là người có sức khỏe không tốt, bà mắc bệnh cường giáp và từng dùng nhiều loại thuốc.
Trường hợp đi làm đẹp lại tử vong như bà Lệ không hiếm. Tháng 7.2017, Tp Hồ Chí Minh đã liên tục có các vụ tử vong sau khi đi thẩm mỹ viện. Một nạn nhân là đàn ông 53 tuổi, quốc tịch Mỹ đã tử vong sau khi đến Viện Thẩm mỹ Việt Thành (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) để cắt da vùng hông lưng. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, bệnh nhân có dấu hiệu trụy mạch, dù được cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân tử vong được xác định là bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc gây tê.
Sau đó, một nạn nhân khác là chị S.B.T, 22 tuổi (ngụ huyện Hóc Môn) tử vong sau gần một tháng nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu, các bác sỹ cho biết bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng hậu phẫu. Điều đáng nói, các bác sỹ phát hiện thêm bệnh nhân đang mang thai khoảng 17 tuần, trong khi về khi bệnh nhân mang thai không được phép làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Tháng 5.2018, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ do tiêm thuốc làm trắng da. Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt. Chẩn đoán chị H. bị sốc phản vệ, các bác sĩ đã nhanh chóng tiêm cấp cứu sốc phản vệ. May mắn, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Bác sĩ Dương Vương Trung - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bưu điện), các trường hợp bị sốc phản vệ do tiêm truyền với mục đích làm đẹp không hiếm gặp, nhất là khi chị em đến các cơ sở y tế không có uy tín, sử dụng dịch vụ chưa được cấp phép.
Còn GS. TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ rất thường gặp. Không cần những cuộc "cắt gọt" lớn mà cả những tiểu phẫu chỉ động dao kéo một chút như nâng mũi, cắt mí, xăm môi, xăm mày cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể như nếu dụng cụ, nguyên liệu không đảm bảo vô trùng có thể gây nhiễm trùng, viêm tấy; nguyên liệu không đảm bảo có thể gây dị ứng, lở loét, thậm chí gây kích ứng, sốc phản vệ... Ngoài ra, nó có thể làm lây nhiễm các căn bệnh qua đường máu, thậm chí có thể gây hoại tử, tử vong.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, chị em đừng chỉ tin vào lời quảng cáo, đồn thổi về các cơ sở thẩm mỹ mà phải lựa chọn, cân nhắc cho kỹ. Khi cần “đụng dao kéo”, chị em nên đến các cơ sở y tế vì chỉ bệnh viện mới được cấp phép thực hiện phẫu thuật. Nếu đến các cơ sở không được cấp phép, chị em dễ gặp rủi ro về sức khỏe, hình thức khi phẫu thuật sai lệch, nhiễm trùng, thẩm mỹ chẳng đẹp lại thành xấu. Nếu chẳng may bị sốc phản vệ khi tiêm thuốc, phẫu thuật, các cơ sở này cũng thiếu trang thiết bị, thuốc, kỹ năng để tiến hành cấp cứu chồng sốc, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)