Kỷ niệm lần thứ 129 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi VnExpress bài viết về công tác cán bộ.
Những bài học đau xót
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 đã chỉ rõ: "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ".
Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác (tôi nâng đỡ con anh thì anh nâng đỡ con tôi, hoặc tôi nâng đỡ người của anh thì anh nâng đỡ người của tôi...) và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.
Đến nay, dù công tác cán bộ đã đổi mới nhiều, nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng, là kẽ hở để những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng, dẫn đến sự bất bình to lớn trong nhân dân và đặt sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ vào thế bất lợi.
Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, "chạy chức chạy quyền", có nguồn tài sản bất minh, nâng đỡ người thân, gia đình, họ hàng, là cánh hẩu, bị xã hội và báo chí lên án, lại vẫn có thể biện bạch thách thức dư luận hay lên giọng rao giảng đạo đức. Không thể để một ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Lại càng không để cho những quan tham, dù ở cấp nào, có thể trốn tránh trách nhiệm và "hạ cánh an toàn".
Càng là người của tổ chức, của Đảng, lại càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trước sự nghiêm minh của pháp luật, sự giám sát của nhân dân.
Rà soát lại "quy trình"
Làm thế nào hạn chế tối đa sai sót trong lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cấp chiến lược? Câu trả lời ở đây là cơ chế trách nhiệm.
Quy trình tuyển chọn, đề bạt cán bộ là của tập thể, nhưng công việc giới thiệu cần được cá nhân hóa để thuận tiện cho việc vận hành cơ chế trách nhiệm.
Người giới thiệu có trách nhiệm bảo vệ sự tiến cử của mình trước các cơ quan chức năng. Người được tiến cử có thành tích và tiến bộ thì cá nhân người giới thiệu và tập thể giới thiệu được khen thưởng xứng đáng; nếu người được tiến cử vi phạm tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức, người giới thiệu và những thành viên nào trong tập thể tán thành giới thiệu bổ nhiệm nhân sự sai lầm cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tương xứng.
Người cán bộ được giới thiệu để tuyển chọn phải có trách nhiệm trình bày rõ trước cơ quan tuyển chọn về những thành quả nổi bật đã làm, được cơ quan, đơn vị, nhân dân thừa nhận và phải trình bày những công việc mình sẽ làm trên cương vị mới. Các cơ quan chức năng và nhân dân sẽ đánh giá quá trình "thi tuyển" này thông qua các cơ chế giám sát, qua báo chí và dư luận quần chúng.
Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí trong hệ thống chính trị phải chịu trách nhiệm nếu kết quả bổ nhiệm nhân sự ấy lại là người kém đức kém tài; đồng thời cơ quan ra quyết định cũng phải có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm xử lý nhanh chóng những trường hợp cán bộ sai phạm trong công tác. Ở các quốc gia văn minh, chỉ cần một Bộ trưởng lỡ lời là đủ để Chính phủ buộc người đó thôi chức. Còn ở ta, một quốc gia có nền văn hiến hàng nghìn năm rực rỡ, sao lại không thể làm như vậy?
Chúng ta đã có hệ thống quy định khá chặt chẽ của Đảng, của Nhà nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Có những trường hợp hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Thực tế đó cho thấy cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã bộc lộ, đồng thời cũng phải rà soát quy trình xử lý cán bộ sai phạm theo hướng kiên quyết, nhanh gọn hơn, không thua kém gì các quốc gia văn minh.
Với cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được những kẻ kém đức, kém tài, cơ hội, chui sâu leo cao, đồng thời tìm chọn được những cán bộ có đủ đức tài làm rường cột quốc gia, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.
Dù ở hoàn cảnh nào thì đức hy sinh, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc luôn là những giá trị bất biến của hiền tài.
Theo Trương Tấn Sang (VnExpress.net)