“Anh là thủ trưởng của tôi, là người tài ba và có tầm chiến lược. Tôi và anh đã có những năm tháng gắn bó trong suốt thời kháng chiến đầy gian khổ”. Người anh, người thủ trưởng mà đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nhắc đến chính là đại tướng Lê Đức Anh.
Chia sẻ với Zing.vn, đại tướng Phạm Văn Trà nói rằng có lẽ ông không thể nhớ hết những câu chuyện trong ngày tháng gắn bó với thủ trưởng Lê Đức Anh, bởi “chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm”.
Vị tướng quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử
Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nhớ lại, ông có cơ duyên gặp và làm việc với đại tướng Lê Đức Anh vào năm 1969, khi chiến trường Quân khu 9 (Đồng bằng sông Cửu Long) bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Tướng Lê Đức Anh khi đó được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9, còn ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Khu ủy. Ông giữ cương vị này trong 6 năm, đến năm 1974 thì được điều trở lại chức Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.
Ở Quân khu 9, “Chín Hoà”, “Tám Thuận” lần lượt là 2 bí danh gắn với ông Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Ở chiến trường, mọi người thường nói rằng đó là một cơ duyên đặc biệt khi ngẫu nhiên 2 bí danh này lại ghép thành một từ “Hòa Thuận”.
Có lẽ bởi vậy, theo lời tướng Trà, “cặp đôi hòa thuận” rất ăn ý trong tác chiến, luôn bám sát chiến trường và nắm rõ lòng địch. Hai ông đi đến đâu cũng mở ra con đường phát triển, mang lại sự thay đổi của cả một vùng.
Cũng ở chiến trường Quân khu 9, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà vẫn nhớ như in quyết định của vị chỉ huy Lê Đức Anh thời điểm năm 1973.
Cái hay của anh Lê Đức Anh là thế, anh dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, vì nếu chần chừ chờ ý kiến cấp trên sẽ đánh mất thời cơ
Đại tướng Phạm Văn Trà
Trong khi nhiều chiến trường ngừng bắn và bị địch o ép thì ở Quân khu 9, nhờ quyết định của tướng Lê Đức Anh, căn cứ càng được mở rộng hơn, không lâm vào tình cảnh khó khăn như ở những nơi ngừng bắn.
“Cái hay của anh Lê Đức Anh là thế, anh dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, vì nếu chần chừ chờ ý kiến cấp trên sẽ đánh mất thời cơ”, ông Trà nói.
Một cái hay khác của tướng Lê Đức Anh được nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nhắc đến, đó là khi thảo luận về một trận đánh hay một chiến dịch, ông cho anh em phát biểu thoải mái. Cấp dưới có thể “cãi” ông đến cùng, nhưng nếu đúng, thì ông vẫn nghe theo.
“Tôi cũng có 2 lần cãi anh ấy gay gắt”, tướng Trà nhớ lại.
Ông kể, lúc đầu “cãi” cũng hơi ngại, tưởng thủ trưởng không nghe, nhưng rồi sau đó ông thuyết phục được thủ trưởng.
Lần đầu tiên vào năm 1972. Khi ấy đang chuẩn bị vào chiến dịch, B52 càn quét một ngày trời khiến tiểu đoàn hy sinh tới hơn 600 người, đơn vị gần như hết lực lượng.
“Anh ấy lúc đó vẫn quyết thực hiện chiến dịch. Nhưng chúng tôi nói không đánh được, vì lực lượng không củng cố được. Sau hồi tranh cãi, cuối cùng anh quyết cho lùi lại mấy ngày”, ông Trà kể.
Cuộc tranh cãi thứ 2 vào năm 1978, khi Sư đoàn 330 bàn cách diệt Pol Pot ở núi Phú Cường (An Giang).
“Tôi thấy cách bao vây Pol Pot của anh ấy không phù hợp, có thể gây thiệt hại lớn về người nên đã cãi lại”, ông Trà kể, dù sau đó tướng Lê Đức Anh cũng “không chịu”, nói rằng “không đánh thì thôi”, nhưng chốt lại, ông vẫn nghe theo phương án của ông Trà đưa ra.
Nhờ đánh trận đó, Sư 330 tạo “thương hiệu”, đi đến đâu Pol Pot đều sợ mà bỏ chạy.
Dự cảm đặc biệt
Nhắc đến người thủ trưởng của mình, ông Trà nhớ nhất những “dự cảm đặc biệt”. Ngay khi về làm Tư lệnh Quân khu 9, tướng Lê Đức Anh dường như đã có một sự linh cảm về tình hình Campuchia nên có những bước chuẩn bị nhất định.
Đại tướng Phạm Văn Trà sinh năm 1935, quê Bắc Ninh. Năm 1973, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Quân khu 9 đóng ở vùng Đồng bằng song Cửu Long. Lúc này, ông dưới quyền ông Lê Đức Anh - khi đó là đại tá.
Năm 1975-1977, ông lần lượt giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn 4, rồi Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 của Quân khu 9.
Khi ông Lê Đức Anh giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Trà là Tư lệnh Quân khu 3. Những năm sau đó, ông Trà lần lượt giữ cương vị Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng.
Quân khu 9 lúc đó đã có Sư đoàn 4, Sư đoàn 8 nhưng ông vẫn đề nghị và cho thành lập Sư đoàn 330, gồm những trung đoàn mạnh nhất. Trung đoàn 1 U Minh do ông Phạm Văn Trà làm Trung đoàn trưởng được “biên chế” vào Sư đoàn này.
Theo lời chỉ huy của tướng Lê Đức Anh, chỉ đơn vị quân đội thiên về làm kinh tế mới được cho bộ đội phục viên, còn những đơn vị chiến đấu, ông cho giữ lại hết, phòng khi “có biến”.
Đúng như dự liệu, từ năm 1975-1977, quân Pol Pot rất nhiều lần tấn công vào biên giới Việt Nam. Đến tháng 4/1977, đối phương đánh quy mô cấp sư đoàn. Nhờ có sự quân bị quân lực từ trước nên Quân khu 9 đã đánh chặn địch và giữ được đất đai.
Trong khi đó, một số khu vực khác của Việt Nam bị quân Pol Pot tấn công gây tổn thất lớn. Khi quân địch đã đánh sâu qua biên giới, Bộ Quốc phòng phải điều Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) về trấn thủ Tây Ninh để đánh chặn.
Nhiều người can tướng Lê Đức Anh rằng nếu cho bộ đội tấn công sẽ tạo ra trận chiến rất ác liệt nhưng ông vẫn chỉ huy kiên quyết đánh Pol Pot đến tận sào huyệt cuối cùng
Đại tướng Phạm Văn Trà
Sau thời điểm này, tướng Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 7 và làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia tiêu diệt Pol Pot.
Lúc ấy, ai cũng biết đội quân Pol Pot có lực lượng rất mạnh, lại được sự hậu thuẫn của một số nước lớn. Nhiều người can tướng Lê Đức Anh rằng nếu cho bộ đội tấn công sẽ tạo ra trận chiến rất ác liệt nhưng ông vẫn chỉ huy kiên quyết đánh quân Pol Pot chỉ đạo phải đánh Pol Pot đến tận sào huyệt cuối cùng.
Khi Pol Pot chạy sang phía Thái Lan rồi, ông cho lập phòng tuyến bằng cách cắm chông, gài mìn, trồng tre để giữ đất. Quân Pol Pot sau đó tấn công trở lại nhưng vấp phải phòng tuyến vững chắc này và dần suy yếu.
Lúc đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Phạm Văn Trà đang là Tư lệnh Quân khu 3. Ở thời điểm năm 1991, lúc này, tướng Lê Đức Anh nói một câu khiến ông nhớ mãi. Đó là những chỉ đạo của ông phòng trường hợp Liên Xô sụp đổ. Ông yêu cầu Tư lệnh các Quân khu, Quân đoàn phải nắm chắc quân đội, sâu sát đơn vị, giữ ổn định chính trị để việc này không gây tác động đến ta.
Và sau đó, dù có nhiều biến động lớn nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định.
Tướng Phạm Văn Trà cũng nhắc đến thủ trưởng của mình với hình ảnh của một người dám đưa ra những quyết định táo bạo. Ông kể năm 1993, tướng Lê Đức Anh mạnh dạn chủ trương cho giảm quân số từ 1,2 triệu còn 500.000 nghìn và 70.000 sĩ quan.
Theo lời ông Trà, trong cuộc họp Chính phủ, tướng Lê Đức Anh đã đề nghị cấp đất cho anh em sĩ quan, bởi họ đã đi chiến đấu cả đời nhưng giờ về lại không có gì. Với những người trẻ, khi phục viên sẽ được Nhà nước tạo điều kiện để đi xuất khẩu lao động.
Chủ trương của tướng Lê Đức Anh khi đó là phải cắt giảm quân số để giảm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng, từ đó mới có điều kiện hiện đại hóa quân đội.
Khiêm tốn, không tư lợi
Trong cuộc sống hàng ngày, tướng Trà và tướng Anh gắn bó với nhau như anh em, chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện buồn vui của cuộc sống, của thời cuộc.
Khi không còn giữ những cương vị lãnh đạo, hai ông đều ở nhà công vụ ở số 5A Hoàng Diệu nên cũng có nhiều dịp tâm tình, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến.
Nhắc đến con người, tướng Phạm Văn Trà nhận xét “người anh” của mình luôn khiêm tốn, mẫu mực. Dù giữ nhiều cương vị quan trọng nhưng ông quan niệm khả năng của các con đến đâu sẽ phát triển đến đó. Địa phương, đơn vị phân công về đâu thì làm việc ở đó chứ không can thiệp, không tham gia bảo các con phải làm gì.
Dù giữ nhiều cương vị quan trọng nhưng ông quan niệm khả năng của các con đến đâu sẽ phát triển đến đó. Địa phương, đơn vị phân công về đâu thì làm việc ở đó chứ không can thiệp
Đại tướng Phạm Văn Trà
Mỗi lần đến thăm, nói chuyện, đại tướng Lê Đức Anh vẫn nhắc nhở, dặn dò tướng Phạm Văn Trà phải luôn quan tâm đến quân đội. Dù làm gì cũng phải giữ được truyền thống, những phẩm chất quý giá của người quân nhân.
Năm 1956, ông Lê Đức Anh xây dựng gia đình với bà Võ Thị Lê. Ông bà có với nhau 2 người con, một gái, một trai. Người con trai đầu, ông Lê Mạnh Hà nguyên là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Người con gái thứ 2 là Lê Xuân Hồng, cử nhân kinh tế, nguyên là cán bộ ngành hải quan TP.HCM, nay đã nghỉ hưu.
Trong một lần chia sẻ trên báo chí, ông Lê Mạnh Hà từng nói ông nhìn cha mình như một người cha bình thường - chứ không như người ta nhìn Chủ tịch nước. Ở nhà, ông chỉ thấy ở cha hình ảnh một người cha hiền lành như bao người cha khác và đặc biệt không bao giờ can thiệp vào sự lựa chọn của con cái.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, đại tương Lê Đức Anh từ trần vào hồi 20h10, ngày 22/4 tại nhà công vụ số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông Lê Đức Anh sinh năm 1920, bí danh Sáu Nam, quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và sau đó trực tiếp chiến đấu, chỉ huy trong những trận kháng chiến gian khổ nhất. Trong quãng đời binh nghiệp, đại tướng Lê Đức Anh có 9 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), 12 năm trên chiến trường miền Nam chống Mỹ (1964 - 1975), 8 năm làm chỉ huy ở chiến trường Campuchia (1979 - 1986) và 4 năm tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc (1986 - 1989)
Ông được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao những trọng trách quan trọng như Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước, Ủy viên cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.
Đại tướng Lê Đức Anh là đại biểu quốc hội 4 khóa (từ khóa VI đến khóa IX); là Ủy viên Trung ương Đảng 5 khóa (từ khóa IV đến khóa VIII), và là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII và VIII.
Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)