Chồng chất nỗi đau, 15 ngày đeo 3 khăn tang
Sáng 23/10, chính quyền địa phương cùng rất đông người thân, hàng xóm láng giềng đã đến thắp hương, kính viếng hương hồn liệt sỹ Trung tá Nguyễn Cao Cường (trú thôn Nam Sơn, Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Trước đó vào tối 22/10, thi hài liệt sỹ Cường đã được cơ quan chức năng đưa về quê nhà để làm lễ mai táng sau khi làm lễ truy điệu tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Biết tin, hàng nghìn người dân địa phương cùng cơ quan chức năng đã đứng 2 bên đường để đón người liệt sỹ dũng cảm hy sinh.
"Từ hôm nhận tin Cường mất, chúng tôi đã có mặt ở đây phụ giúp gia đình. Hoàn cảnh gia đình này quá thương tâm. Mấy ngày qua, nhìn 3 mẹ con nó ai cũng trào nước mắt, ông trời bất công với gia đình này quá", bà Hoài (60 tuổi), ở cạnh nhà liệt sỹ Cường xót xa.
13 năm trước, Trung tá Cường kết hôn với cô giáo Nguyễn Thị Hoa là giáo viên Trường tiểu học Cương Gián 1. 13 năm chung sống, 2 người đã có 2 người con 12 và 8 tuổi.
Do tính chất công việc, Trung tá Cường phải thường xuyên xa nhà. Mỗi năm, anh Cường chỉ về nhà được đôi ba lần thăm bố mẹ, thăm vợ con rồi lại lên đường làm nhiệm vụ.
Ở nhà, chị Hoa lại một mình lo toan công việc, lo toan chăm sóc gia đình con cái để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Dù vất vả cực nhọc nhưng mỗi lần chồng gọi về, chị Hoa lại luôn động viên chồng an tâm đừng lo lắng chuyện.
Từ ngày nhận tin dữ, chị Hoa ngã quỵ, ngất lên ngất xuống nhiều lần. Lo lắng sức khỏe, người thân luôn phải túc trực để chăm sóc chị.
"Nửa tháng trước, mẹ cô ấy mới mất. Chồng cô ấy về chịu tang được vài hôm lại phải quay vào Quảng Trị làm việc vì mưa lũ. Cô ở nhà chịu tang mẹ, lại chăm sóc bố bị tai biến.
Hôm 17/10, anh trai cô Hoa bị bệnh rồi mất thì ngay ngày hôm sau cô ấy lại nhận tin chồng bị núi lở vùi lấp trong Quảng Trị. 15 ngày chịu 3 nỗi đau lớn, không biết cô ấy phải sống sao những ngày tới. Giờ một mình lại chăm 2 con ăn học, đau xót lắm", một người thân trong nhà nghẹn ngào.
Cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh về chín suối
Từ lúc nhận tin con gặp nạn, ông Nguyễn Khắc Dương (66 tuổi, bố liệt sỹ Cường) như người mất hồn. Ở cái tuổi xế chiều, có lẽ không còn nỗi đau nào hơn khi ông phải chịu cảnh "đầu bạc tiễn đầu xanh" về nơi chín suối.
Gạt nước mắt đau thương, ông Dương nghẹn ngào nhớ lại, hơn 1 tuần trước, 2 cha con gọi điện thoại trò chuyện với nhau. Anh Cường nói, sau đợt mưa lũ này sẽ về nhà gắng sửa lại mái nhà cho đỡ mùa mưa thấm dột. Anh Cường hứa hẹn sẽ về thăm bố mẹ.
Khoảng 20h ngày 17/10, tiếp tục gọi về. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh Cường nói hôm nay sức khỏe hơi mệt. Anh Cường cũng bảo tình hình mưa lũ ở Quảng Trị rất nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị sạt lở không đi được.
Sau vài phút hỏi thăm, anh Cường chào bố để xin đi ngủ sớm ngày mai còn đi làm việc giúp dân lũ lụt. Ông Dương không ngờ rằng, đó là cuộc điện thoại cuối của con trai mình về nhà.
"Tối đó, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, thương con nhưng việc nước đành động viên con ráng hoàn thành nhiệm vụ. Sáng hôm sau, nhận được tin vụ sạt lở đất xảy ra tại đơn vị con, đất đá đã làm sập nhà và vùi lấp 22 người.
Ban đầu tôi không nghĩ rằng con tôi có trong đó. Nhưng rồi, lần lượt từng người được tìm thấy, con tôi là người thứ 7 được tìm ra", ông Dương đau đớn kể lại.
Ngồi cạnh bên, bà Dương Thị Tạo (66 tuổi, mẹ liệt sỹ Cường) gào khóc: "Con nỡ bỏ bố mẹ, bỏ vợ con mà đi vậy. Hai đứa con nhỏ rồi ai chăm sóc đây con".
Được biết, trong ngày 23/10 sẽ diễn ra lễ viếng, truy điệu liệt sỹ Trung tá Nguyễn Cao Cường tại nhà riêng. Sau lễ viếng, chính quyền địa phương và người thân sẽ tổ chức an táng cho liệt sỹ Cường.
Trước đó vào rạng sáng 18/10 tại bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xảy ra vụ sạt lở đất ở Sư Đoàn 337 Đoàn Kinh tế Quốc phòng thuộc Quân Khu IV khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp dẫn đến tử vong.
Đến chiều 19/10, thi thể cuối cùng trong tổng số 22 quân nhân bị vùi lấp đã được tìm thấy.
Ngày 22/10, tại Nhà thi đấu Đa Năng tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng đã làm lễ truy điệu để tiễn biệt 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337.
Theo Ngọc Tú (Pháp Luật & Bạn Đọc)