Nếu vào thăm thành cổ Quảng Trị, xin hãy nhẹ bước trên từng vạt cỏ. Nơi ấy, có xương máu, thân thể của những người lính đã ngã xuống. Trận chiến ác liệt 81 ngày đêm dội bom không ngớt của kẻ thủ, bom trên đầu và lửa dưới mặt đất, có những người chỉ mới mười tám, đôi mươi, đã mãi nằm lại nơi vùng đất oanh liệt này.
Chiến tranh lùi xa và hoà bình lập lại, bức thư cuối cùng được gửi về quê nhà sau khi người lính trẻ hi sinh. Bức thư đó anh viết cho người mẹ già thao thức mong ngóng đợi con, viết cho người vợ cưới được 7 ngày đã phải xa chồng. Anh dự cảm mình sẽ chết và không một ai có thể hiểu tại sao, trước cái chết của mình, anh nhẹ nhõm đến vô thường.
Anh là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949, quê Kiến Xương, Thái Bình. Anh hi sinh khi vừa 24 tuổi.
7 ngày làm vợ, một đời thủy chung
Ngày ấy, chàng sinh viên Khoa Cầu hầm, ĐH Xây Dựng vừa đẹp trai lại thông minh, phải lòng cô gái trẻ Đặng Thị Xơ trong làng. Anh hơn nàng một tuổi, nhà cách nhau chỉ một con xóm nhỏ. Thời gian ấy, người theo đuổi chị nhiều vì chị xinh, hiền lành và nết na. Nhưng chị chỉ yêu và chọn anh.
Anh chị yêu nhau 3 năm, dự định chờ anh học hết 5 năm mới chính thức về chung một nhà. Gia đình 2 bên cứ thế giục cưới, anh chị đều lần lữa, vì sợ chuyện hôn nhân ảnh hưởng đến việc học tập của anh.
Mùa xuân năm 1972, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, anh gác lại chuyện học hành, chuẩn bị lên đường nhập ngũ trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thế là, anh chị quyết định tổ chức đám cưới trong vài ngày ngắn ngủi anh xin về thăm nhà. Một đám cưới tuy nhỏ nhưng ấm áp và ngập tràn hạnh phúc, diễn ra vào ngày 2/1/1972.
Anh ở nhà với vợ được 3 ngày rồi hết phép, anh lại tiếp tục lên Hà Nội. Tết Nguyên đán năm đó, anh được về nhà thêm 3 ngày, đúng ngày giỗ bố. Trước lúc lên đường nhập ngũ, anh xin đơn vị về thăm vợ 1 ngày. Rồi kể từ đó, anh vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa.
Mang tiếng yêu nhau 3 năm, nhưng lại như những kẻ yêu xa, anh công tác ở Hà Nội, chị ở Thái Bình, yêu nhau đành gửi trọn nỗi niềm qua những phong thư. Rồi đến khi cưới nhau, chị làm vợ anh trọn vẹn được 7 ngày, 7 đêm. Từ khi anh lên đường, chị như người đàn bà mất chồng. Anh nắm tay chị mà dặn dò lần cuối: "Mình là vợ chồng. Anh đi chiến đấu, sau này ngộ nhỡ anh trở về không lành lặn, xin em đừng hắt hủi anh, em nhé". Chị nghe anh nói mà ứa nước mắt.
Sau ngày nhập ngũ, anh theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị, chiến trường khốc liệt nhất những năm 1972-1973. Đều đặn, hàng tháng anh đều gửi thư về nhà. Trong những bức thư mộc mạc gửi về từ chiến trường, bao giờ cũng có một phần gửi mẹ, một phần gửi các anh chị trong nhà, một phần viết riêng cho chị.
Thư anh gửi về, ai đọc đều rơi nước mắt. Anh không kể khổ, chỉ tâm sự điều kiện, hoàn cảnh thời chiến của những người lính thời đó. Anh vào biên chế công binh, đào hầm hào cho ban chỉ huy trong thành cổ. Chiến trường ác liệt, anh viết gửi vợ đôi lời: "Anh mang tiếng đi chiến đấu, người ta trực tiếp cầm súng, nhưng anh thì không. Anh theo chỉ huy đi đào hầm, vận chuyển bộ đội từ bờ Bắc sang bờ Nam. Nhưng mà tình hình khốc liệt quá, em à".
Nhưng sau lá thư tháng 12/1972, ông bưu tá vẫn đạp xe mang thư về làng, không bao giờ dừng lại ở trước cửa nhà chị nữa. Từ đó, chị mất tin anh.
Bức thư cuối cùng nhàu nát dưới đáy ba lô
Tết nguyên đán năm 1973, ông cụ thân sinh có nói với chị: "Xơ à, thằng Huỳnh cùng đoàn binh ra Quảng Bình rồi, vậy thì Tết này sao nó cũng được về nhà". Bà con làng xóm vẫn hay hỏi thăm Huỳnh có viết thư về nữa không, miệng chị bảo "có", nhưng trong bụng linh tính chuyện chẳng lành.
Đến tháng 2/1973, gia đình chị nhận được giấy báo tử của anh. Sợ chị không chịu nổi cú sốc, chị gái anh Huỳnh đã xin hoãn báo tử 3 tháng. Đến tháng 5/1973, giấy báo tử cùng toàn bộ quân tư trang của anh được gửi về nhà chị. Lúc ấy, chị đang đi đắp đê thì có người gọi tìm. Mọi người đã làm xong lễ truy điệu, chỉ chờ chị về đặt bức di ảnh của anh, được chụp năm 17 tuổi, vào trong quan tài.
Theo giấy báo tử, anh hi sinh vào ngày 2/1/1973, hưởng dương 24 tuổi, đúng kỷ niệm tròn một năm ngày cưới. Và những ngày 2/1 những năm sau này, là những ngày chị buồn nhất, khóc nhiều nhất và cũng thương anh thật nhiều. Lúc nhận quân tư trang của chồng, chị không hề hay biết có lá thư của chồng cất trong ba lô. Chị lặng lẽ cất đồ của anh vào tủ, không dám đụng đến vì quá đau đớn. Dù đã biết trước việc chồng đi bộ đội sẽ không nhiều cơ hội quay về, nhưng chị vẫn cứ âm thầm khóc, dù là ra cánh đồng hay về nhà, chị đều khóc. Nhiều người sợ chị sẽ chết mất, vì cứ một thân một mình, chị khóc suốt ngày suốt đêm.
Đến rằm tháng 7 năm 1975, mẹ chồng dặn chị mang di vật của anh đi hoá. Chị phát hiện một bức thư nhàu nát, vàng ố, nét chữ mờ nhòe, ở đáy ba lô. Bức thư được viết bằng dự cảm của anh vào ngày thứ 77 trong Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Đọc dòng đầu tiên, chị bật khóc.
"Quảng Trị 11/9/72.
Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất" thì gia đình, khỏi thấy đó là điều đột ngột".
Trước khi anh đi bộ đội, chị có dặn anh nên chụp một bức ảnh, kể cả ảnh cưới, ảnh kỉ niệm, nhưng anh không chụp. Trên đường hành quân ở Thanh Hoá, anh gửi thư về, tự trách mình: "Vì anh không nghe em, nên em chịu khó mang ảnh anh chụp cùng bạn đi tách một ảnh riêng mình anh thôi". Sau này, bức ảnh đó được dùng làm di ảnh đặt lên bàn thờ anh. Tài sản quý giá nhất với chị, tính đến bây giờ, khi đã 70 tuổi, vẫn chỉ là bức thư và tấm di ảnh của chồng.
"Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh"
Bức thư được anh viết vào tháng 9/1972 - trước ngày anh hy sinh hơn 3 tháng, từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ. Dự cảm về cái chết đang đến rất gần, anh xem bức thư này như những lời trăng trối. Anh gửi mẹ, gửi vợ, gửi anh chị, đôi lời cuối cùng khi mà chỉ vài tháng sau đó, anh nằm lại mãi với đất Mẹ.
"Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…".
"Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em à, chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh. Thật là chỉ vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau.
Anh rất hiểu, biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khoẻ, yêu đời.
Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo những lời anh căn dặn. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được lá thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời em còn trẻ lắm. Theo anh thì em nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều, là em đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn, cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời, em sẽ làm đúng nghi lễ của người con dâu. Thôi nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.
Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh làm theo lời anh dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ở ngoài phong bì (2/1/1973) mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buỗi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em, đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hoà bình, có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về.
Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó em sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó.
Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi".
"Anh chị kính mến! Anh em liền từng khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khoẻ mạnh trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn. Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình.
Đối với Xơ, anh chị nên động viên tìm đường tương lai vì đời em ấy còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé chào anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị….
Thôi con đi đây, chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.
Con của gia đình
Lê Văn Huỳnh".
30 năm mòn mỏi người vợ tìm kiếm hài cốt chồng
Bức thư dài 10 trang của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh như vẽ ra viễn cảnh chính xác số phận người lính trẻ. Theo lời chồng, chị cùng người thân tổ chức kiếm tìm hài cốt của anh, nhưng không có kết quả. Chị không bao giờ ngờ rằng, ngay cả việc được đón anh trở về, dù không lành lặn, cũng trở thành một ước mơ quá đỗi xa vời. Phải đến lần thứ 3, nghe theo lời anh viết trong bức thư, cả gia đình lần về Quảng Trị chiến trường xưa mong có thể đưa anh về nhà.
Trong khi đó, sau năm 1975, khi mặt trận không còn tiếng súng, một người phụ nữ ở Quảng Trị là bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong). Trong vườn sắn nhà bà có 3 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có một tấm bia khắc tên bằng tôn, đề: Lê Văn Huỳnh.
Đoán chắc đây là 3 người lính hi sinh trong trận chiến năm xưa, bà Ngân và người dân trong làng thay nhau chăm sóc và hương khói chu đáo. Hoà bình lập lại, đã 2 lần địa phương đến quy tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm được hài cốt, nên chuyện những ngôi mộ cũng dần dần bị quên lãng. Có người giải thích chuyện này là do những thay đổi của nền đất tại khu vườn, nhưng cũng có người bảo đấy là anh Huỳnh vì đã hẹn nên cố "chờ" chị Xơ đến đón về.
Năm 2002, chị Xơ khi ấy đã 52 tuổi, ngược xuôi lên Hà Bắc tìm người lính đem quân tư trang của anh về cho chị. Chị cũng sang xã bên tìm người cùng học, cùng nhập ngũ với anh năm xưa, nhưng không ai hay biết anh hi sinh ở đâu. Cuối cùng, nhờ những người đồng đội cũ của anh, chị tìm được anh Cường - người chôn cất 3 người lính trẻ trong vườn sắn năm xưa tại Quảng Trị.
Cả đoàn 7 người, gồm cả chị Xơ và anh Cường, cùng hành hương về Quảng Trị, đến khu vực anh Huỳnh hi sinh, thì ngay anh Cường cũng không nhận ra nơi mình đã chôn cất ba người đồng đội. Trong thư, anh Huỳnh viết mình nằm lại tại thôn Nhan Biều 1, nhưng do yêu cầu đột xuất, các anh lại xuống xóm 2, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong để làm nhiệm vụ. Hai thôn này cách nhau 7km. So với địa chỉ anh viết trong thư chỉ cách nhau vài cây số nhưng cùng dọc theo bờ sông Thạch Hãn, còn ngày hi sinh thì đúng như người lính dự đoán.
Nhóm của anh Huỳnh khi đó trên bến có 5 người. Quả bom đã làm 3 người hi sinh, 2 người khác bị thương, trong đó có anh Cường. Tỉnh lại, anh Cường liệm đồng đội trong tấm tăng võng và đặt ba đồng chí nằm theo hình tam giác, sau đó dùng tấm tôn khắc tên Lê Văn Huỳnh. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều, các vị trí đánh dấu không còn nữa, giờ đây là một bãi sắn mênh mông.
Ba ngày trôi đi, mọi người tuyệt vọng vì đào mãi mà không thấy. Ông Nguyễn Hậu, con trai cụ Ngân, người mà sau này đã thay mẹ gìn giữ phần mộ của các anh, đã nói một câu giản dị mà chân thật đến bất ngờ: "Ở cái đất Quảng Trị này nơi mô mà chẳng có máu xương của anh em mình gửi lại. Tôi đã thấy nhiều người tuy không tìm được hài cốt con em mình, nhưng biết họ đã hy sinh tại đây, thịt xương đã tan vào trong đất, thì chỉ cần một nắm đất đem về thờ phụng cũng là mãn nguyện lắm rồi, huống chi vườn nhà mình còn cả mộ chí thì phải ráng mà giữ...".
Chị Xơ cũng tin rằng anh nằm đâu đây thôi.
Ngày hôm sau, chị nhờ người vào chợ Đông Hà mua một đoạn sắt để thuốn, vừa thuốn, chị vừa lẩm nhẩm cầu nguyện anh linh thiêng cho chị tìm được anh để đưa anh về quê hương. Bỗng nhiên, chiếc thuốn đâm vào vật gì đó, anh Cường đoán chắc là tăng võng mới có âm thanh như thế. Mọi người đào lên, ba anh nằm giữa ba hố bom bị cày xới. Các anh nằm yên trọn vẹn, như đang ngủ giấc ngủ bình yên, hình hài hòa vào đất sau gần hàng chục năm cách biệt đằng đẵng hai phương trời.
Hơn 30 năm tìm kiếm, chị đã được nhìn thấy anh, chỉ còn biết ôm nắm xương lặng lẽ khóc. Theo đồng đội kể lại thì cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm, anh Huỳnh hi sinh vào ngày thứ 77. Mẹ anh không chờ được con, đã mất năm 1977.
"Thời điểm đấy trên bến có 3 người lính hi sinh, nên nếu tìm thấy một người thì sẽ thấy cả 3. Mỗi người bị thương 1 kiểu, nên không sợ bị lẫn. Huỳnh hi sinh chỗ này, ngay tại giao thông hào, một nửa người trên, nửa người dưới, anh bị gãy xương đùi" - "người vợ đợi chờ" Đặng Thị Xơ ngậm ngùi nói.
Sau khi tìm được hài cốt 3 người lính, trong đó có liệt sĩ Huỳnh, mọi người cắm 4 cành sắn, bên dưới trải lá chuối và làm lễ truy điệu ngay tại vườn.
"Trông nghĩ mà thương hại" - bà Xơ bật khóc. "Anh dặn tôi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại, ngày tìm được anh, tôi lại nhớ tới ngày 2 vợ chồng kết hôn. Bao năm xa cách, tôi lại được ôm anh. Chỉ có điều, tôi khóc nhiều hơn, còn anh thì lặng lẽ".
Người vợ gói hài cốt chồng trong mảnh vải đỏ, đặt nhẹ nhàng vào túi du lịch, lên tàu mang anh về quê. "Tôi ôm anh, đêm nằm ngủ cũng gối đầu cạnh anh. Trước khi lên tàu, chúng tôi đi 4 người nhưng vẫn mua 5 vé, ăn uống cũng phải mua 5 suất. Tôi dặn anh: "Hôm nay về quê, trên đường đi anh không được quậy phá để đi đến nơi về đến chốn".
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh sau 30 năm nằm lại vườn sắn nhà người ta, nay đã có thể về nhà, an táng tại nghĩa trang xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
"Yêu Huỳnh dù là trước hay sau, tôi đều không ân hận"
70 tuổi, cuối đời, bà Xơ chẳng còn gì ngoài bức thư và tấm di ảnh của chồng. Cuối cùng, sau ngần ấy năm, bà đã có thể hoàn thành lời trăng trối của chồng. Suốt 30 năm tìm kiếm ông, không bao giờ bà ngủ ngon, chỉ nhớ đến ông. Nhưng từ ngày đưa ông về, bà cảm giác gần gũi và yên tâm.
Lúc ông hi sinh, bà mới 23 tuổi, lại có nhan sắc, mọi người đều khuyên nên đi bước nữa. Mẹ chồng thương con dâu, cũng khuyên con tái giá để tìm hạnh phúc riêng cho mình. Xung quanh bao người ngỏ ý đến với mình, nhưng bà Xơ một mực từ chối, tự nhủ, dù thiếu thốn tình cảm nhưng vẫn có thể vượt qua. Sau ngày mẹ chồng mất, bà xin gia đình cho trở về bên ngoại để ở, sắt son, hương khói thờ chồng.
"Yêu Huỳnh dù là trước hay sau, tôi đều không ân hận. Dù không có con với nhau, nhưng tôi chấp nhận, quyết ở vậy chờ cho đến khi tìm được anh ấy. Trong thư anh dặn, nếu hi sinh thì đưa hài cốt anh về quê. Chính vì lời dặn ấy, tôi đã dành 30 năm ngược xuôi tìm anh. Lúc đưa anh về với quê cha, đất tổ, thì tôi đã già".
Yêu nhau mang tiếng là 3 năm nhưng xa cách là chính. Cuộc hôn nhân của người khác 20, 30 năm, thậm chí lâu hơn, nhưng người vợ trẻ và anh lính chỉ kéo dài vỏn vẹn 7 ngày.
Hơn 40 năm qua, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị như một chứng nhân lịch sử vô giá. Song tình yêu son sắt, thủy chung của người vợ thì vẫn luôn trọn vẹn và ngày một đằm thắm theo thời gian.
Sau này, trong những giấc mơ, bà vẫn thường nhìn thấy ông "về". Ông Huỳnh - chàng lính trẻ hào hoa năm nào, vẫn thường gọi vợ mình bằng cái tên da diết: "Xơ ơi, anh đây!". Cho đến bây giờ, tiếng gọi "Xơ ơi" thân thương đến mức chưa bao giờ, trong bất cứ một phút giây nào, bà hối hận khi được làm vợ của ông.
"Yêu anh, đến với anh là lẽ tình cảm tự nhiên. Anh hi sinh, đó là nỗi đau lớn, nhưng tôi tự hào về người chồng, người chiến sĩ Thành cổ hiên ngang trước cái chết để Tổ quốc mãi xanh tươi. Tôi vẫn đang sống như những gì anh ấy khuyên tôi. Gạt đi nỗi đau, chấp nhận một tình yêu chờ đợi cho đến ngày chúng tôi được gặp lại nhau".
---
"Khi anh đi mái tóc còn xanh, ngày gặp lại thì mái tóc em đã bạc, da đã sạm nhăn vì lam lũ cuộc đời. Cái ôm tạm biệt ngày anh lên đường vào Quảng Trị chiến đấu còn ấm áp, thổn thức nhịp đập của hai trái tim trẻ đang hừng hực lửa yêu thì hôm nay cái ôm thật nhẹ nhàng, vỗ về và lạnh lẽo.
Giờ đây, cuộc sống của em bỗng nhẹ bẫng vì đã hoàn thành di chúc của anh. Chúng mình không có con chung, nhưng em biết, anh vẫn luôn bên cạnh em, để em mãi như một con thoi, cần mẫn "dệt" những niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào nỗi đợi chờ".
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)