Với áp lực sinh con, không ít cặp vợ chồng hiếm muộn đành ngậm ngùi chia tay nhau. Tuy nhiên, vẫn có những cặp vợ chồng dành trọn cho nhau tình yêu thương, nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời! Họ là những người vợ, người chồng không thể tuyệt vời hơn!
Cảnh hạnh phúc của vợ chồng ông bà Thọ - Tú. Ảnh: Q.N |
Ông Nguyễn Ngọc Thọ vốn là một thầy giáo thông thạo 4 thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung, Nga. Còn bà Đinh Thị Ngọc Tú là con gái của một gia đình có tiếng tại Hải Dương bấy giờ. Tình cờ họ gặp nhau - nói như ông Thọ “lần đầu gặp đã thấy sấm sét ở trong lòng”. Ông Thọ bộc bạch: “Tôi là trai Hà Nội gốc, hồi còn trẻ nên nghĩ phải chọn cô nào ưng mắt một chút. Gặp bà nhà tôi thấy cũng được, lại nhỏ nhẹ, dịu dàng nên tôi về viết thơ tặng luôn. Cũng may là bà ấy thích”.
Đám cưới đơn giản, ấm cúng diễn ra vào năm 1960 dưới sự chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè. Nhưng kể từ ngày đó, căn nhà nhỏ vẫn chỉ có bóng hai vợ chồng vào ra. Hai mái đầu xanh giờ đã chuyển bạc, nhưng mỗi lúc nhớ về “thuở ban đầu” bà Tú lại ngậm ngùi: “Cưới nhau được mấy năm, đợi mãi vẫn không có tin vui, vợ chồng tôi đưa nhau đi khám và biết được tôi rất khó có con. Thời đó, y học về sản khoa vẫn lạc hậu nên cơ hội và hy vọng dường như đã tắt hẳn với hai vợ chồng. Tôi buồn lắm, đêm nào cũng khóc vùi ướt gối. Tôi quyết định viết đơn ly dị để anh ấy đi tìm hạnh phúc mới… ”.
“Bà ấy quyết tâm lắm, những ba lần viết đơn ly dị” – ông Thọ cười vui tiếp lời vợ - “Hồi đó, chúng tôi bị áp lực từ phía gia đình nhiều, rồi cả miệng lưỡi cay độc của thiên hạ. Nhất là vợ tôi, người phụ nữ bao giờ cũng rất nhạy cảm mà. Bà ấy đòi chia tay nhưng tôi không đồng ý”.
“Đọc lá đơn đầu tiên, tôi nói: “Em đừng nghĩ nhiều, hạnh phúc gia đình đâu chỉ định nghĩa bằng duy nhất khái niệm con cái. Nhiều người con cái đề huề đủ nếp, tẻ vẫn ra tòa bỏ nhau đấy thôi. Cái chính là vợ chồng yêu thương, sống với nhau như thế nào. Đến lá đơn thứ ba thì tôi xé ngay trước mặt bà ấy và chỉ nói ngắn gọn: Anh chỉ có em là vợ thôi, suốt cuộc đời này anh không thay đổi ý định đâu. Em làm thế là xúc phạm anh đấy…”.
Cả cuộc đời không hết yêu vợ
Nếu như gặp ông Nguyễn Ngọc Thọ lần đầu, chẳng ai bảo ông đã ở cái tuổi 84, bởi không chỉ ngoại hình vẫn còn phong độ mà cách nói chuyện của ông cũng vô cùng trẻ trung, sôi động. Ông Thọ tham gia tập thể dục, tập nhảy đều đặn mỗi tuần cùng vợ, giao lưu học hỏi để cùng giúp nhau tiến bộ, chinh phục độ khó của từng điệu nhảy. Đó là cách họ bên nhau, duy trì, dung dưỡng tình cảm.
Thêm nữa, thay vì tìm kiếm hạnh phúc từ con cái họ đã tự tạo hạnh phúc cho nhau bằng việc… đi du lịch. Cuộc sống “xê dịch” của hai ông bà bắt đầu thường xuyên hơn từ khi ông Thọ về nghỉ hưu. Tình yêu, niềm đam mê của họ hòa quyện với nhau qua những chuyến đi khắp trong và ngoài nước. Ông chỉ cho chúng tôi một giá cao đầy những album ảnh họ chụp qua mỗi chuyến đi. Họ chụp cho nhau. Cho đến hiện tại, hai ông bà đã đi chung với nhau hơn 20 nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ tâm sự, mỗi ngày, ông còn duy trì viết nhật kí, điểm báo, điểm tin cập nhật sự kiện trong và ngoài nước. Có lẽ, cái nghề đi theo ông suốt thời trai trẻ cũng cứ thế mà gắn bó đến suốt cuộc đời. Ông chia sẻ: “Tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin tức qua truyền hình, đọc báo mỗi ngày. Vừa có được thông tin lại vừa rèn luyện đầu óc minh mẫn. Hôm nào mà không xem qua là bứt rứt khó chịu lắm”.
Bản thân ông Nguyễn Ngọc Thọ là người đã từng có 30 năm lăn lộn trong nghề báo với các cương vị: Trưởng ban Biên tập Phát thanh thanh thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Đại biểu nhân dân. Do làm báo nên ông Nguyễn Ngọc Thọ có rất nhiều bạn bè và vì thế chuyện hỏi thăm quan tâm nhau về chuyện con cái cũng là điều khó tránh.
Ông Thọ kể, trong một lần trò chuyện, nhà giáo dục Hà Thanh Ngữ có hỏi ông: “Không có con anh có buồnkhông, có trăn trở không?”.
Ông Thọ đã nói: “Đành rằng vợ chồng có đứa con là niềm hạnh phúc được cụ thể hóa nhưng nếu không có con thì ta có thể tìm nguồn vui khác, là sống hòa thuận với nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi của cuộc đời. Là người đàn ông hiểu biết, tôi không bao giờ cho phép mình xúc phạm đến nỗi đau của người khác, nhất là người đó lại là vợ mình. Đó là cách giải quyết tốt nhất của khiếm khuyết”. Câu trả lời ấy của ông trở thành niềm an ủi, chia sẻ động viên đối với vợ mình, đồng thời cũng khiến nhiều người bạn của ông cho đến giờ phút này vẫn đầy cảm phục.
Suốt cuộc trò chuyện tôi thấy bà Tú luôn chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng góp vui vài câu, gương mặt hiền hậu thường trực nở nụ cười. Mọi lời nói, cử chỉ dành cho chồng và cho khách đều rất ân cần, từ tốn, nhẹ nhàng. Đợi lúc vợ ra ngoài, ông Thọ mới ghé tai tôi bảo: “Cuộc đời này, người tôi không bao giờ hết yêu đó là vợ. Dù không phải là tình đầu của nhau, nhưng nguyện là tình cuối, tình trăm năm không thay đổi”.