Sau 60 ngày (21/4 đến 21/6) lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp từ chuyên gia, người dân...
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Ban soạn thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ đã tiếp thu hơn 100 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị cho dự thảo luật sửa đổi.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Hoàng Hồng Hạnh, việc học thi cấp Giấy phép lái xe A0 sẽ trang bị kiến thức pháp luật về ATGT cho học sinh khi tham gia giao thông.
Đồng thời, quy định cũng phù hợp với các quy định của Công ước Vienna (Công ước 1968).
Quy định này nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.
Quy định này được cho là giải bài toán học sinh cấp THPT đi xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện nhưng không có bằng lái xe phổ biến hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, những người điều khiển xe máy có dung tích xilanh từ 49cm3 trở xuống hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe.
Nhiều năm nay, Uỷ ban ATGT quốc gia đã nghiên cứu về ATGT cho trẻ em thấy nhóm đối tượng học sinh từ THCS trở lên chiếm 70% số trẻ em bị TNGT và trong đó có 90% các cháu điều khiển phương tiện tự gây TNGT.
Cũng theo ông Hùng, hiện các nhà trường đều có tuyên truyền giáo dục về ATGT, nhưng chưa được đào tạo và sát hạch nghiêm túc về các quy định pháp luật về ATGT và các kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho an toàn.
Do đó, việc đưa quy định này sẽ là cơ sở pháp lý cho quá trình nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cũng như văn hoá giao thông cho học sinh khi điều khiển phượng tiện an toàn. Hiện việc thi lấy bằng lái xe A1 người dân có thể tự học lý thuyết và thực hành rồi học một số buổi có đăng ký rồi dự thi sát hạch.
Chia giấy phép lái xe ra thành 17 hạng khác nhau:
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE. Cụ thể:
- Hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04kw.
Trong đó, xe gắn máy là phương tiện có 02 hoặc 03 bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50km/h.
Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50cm3.
Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất định mức liên tục lớn nhất không quá 4kw.
Xe gắn máy gồm cả xe đạp gắn động cơ đốt trong và xe đạp gắn động cơ điện (trừ xe đạp điện có công suất lớn nhất không quá 250w).
Người 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A0 phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe; các khu vực khác được thực hiện tại các sân sát hạch có sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lợi ích của việc học và thi giấy phép lái xe A0 là được bồi dưỡng kiến thức về luật giao thông đường bộ và kỹ năng điều khiển xe, tạo môi trường giao thông an toàn, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn và giảm chi phí xã hội. Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể và khuyến khích xã hội hóa để phục vụ nhu cầu thi giấy phép lái xe A0.
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 - 125cm3 (hiện nay là 50cm3 - dưới 175cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 04kw - 11kw và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A0.
- Hạng A cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kw và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A0, A1.
- Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.
- Hạng B2 cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe) số tự động; tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) số tự động có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B2 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg.
- Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
- Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B.
- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1.
- Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 16 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1, C.
- Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe cáchạng B2, B, C1, C, D1.
- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1, C, D1, D2.
- Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750kg.
- Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
- Hạng D1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.
HP (Nguoiduatin.vn)