Trao đổi với VietNamNet tại sảnh Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, một người chú họ của cháu A. đưa ra phán đoán “vật thể nghi đinh” ghim vào sọ cháu bé nhiều khả năng là loại đinh đóng gỗ, dùng súng bắn đinh để ghim. “Người đàn ông sống cùng mẹ cháu làm nghề thợ phun sơn, mẹ làm giấy nhám nên trong nhà có thể có loại súng bắn đinh này”, người chú nói.
Theo ghi nhận tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lực lượng công an thường xuyên có mặt để làm việc.
Trò chuyện với phóng viên chiều 19/1, ông Đỗ Hữu Chức (68 tuổi, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội), ông nội cháu A. kể, nhà trọ của mẹ cháu và nhân tình cách nhà nội khoảng 5-6km. Trước đó, thỉnh thoảng gia đình ông vẫn đón bé về, mỗi đợt ít nhất từ 3-4 ngày.
“Mấy đợt đó, cháu vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát và nói nhiều. Khi chúng tôi tắm cho cháu cũng không thấy vết bầm tím hay cào cấu gì”, ông Chức nói. Ông cũng cho biết chưa từng nghe cháu kể về việc bị ai đó đánh đập hay cuộc sống với mẹ có vấn đề gì.
Từ khi con trai ông Chức ly hôn, người con dâu đón bé A. về ở (khoảng 6 tháng nay), bé đã 5 lần gặp tai nạn, phải đi cấp cứu.
Lần đầu, cháu bị dị vật mũi, cấp cứu ở Bệnh viện Thạch Thất, phải mổ 3 lần. Vừa từ viện về được 15 ngày, cháu lại bị ngộ độc thuốc trừ sâu, đưa vào Bệnh viện Thạch Thất rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau đó hơn 1 tháng, bé A. lại bị nuốt phải đinh vít dài, rồi tiếp tục bị gãy tay. Vụ việc nghi đinh cắm vào sọ là lần thứ năm bé gặp tai nạn.
“Tất cả các lần cháu đi cấp cứu, đa số là gia đình chúng tôi tự biết tin qua người quen chứ mẹ cháu không báo. Riêng có đợt uống thuốc sâu thì vì nghĩ rằng con đã hấp hối, mẹ cháu mới gọi. Lần đó, khi tôi vào viện, cháu đã hôn mê rồi. Bệnh viện Thạch Thất cho biết “đưa vào viện chậm chút nữa là tử vong”, ông Chức kể.
Cũng theo người ông nội, những lần trước cháu gặp nạn, ông đã từng “bán tín bán nghi” chuyện có thể cháu bị hại, nhưng sau đó lại tin sự việc vô tình xảy ra do mẹ cháu chỉ vô ý, sơ suất. Ông không “làm to chuyện” vì rất mong muốn vun đắp cho mẹ cháu quay về với các con, để cả ba đứa trẻ có đủ bố mẹ, không phải chịu thiệt thòi. Trước đó, suốt hơn 10 năm chung sống với chồng và bố mẹ chồng, mẹ bé A. chưa từng đánh đập các con.
“Tôi luôn nói với mẹ cháu, con cái là tải sản lớn nhất đời người, nhưng mẹ cháu vẫn nhất quyết không muốn quay về…”, ông nói.
Nói về lý do vì sao ban đầu bên nội không giành quyền nuôi cháu A., ông Chức chia sẻ khi con trai và con dâu ly hôn, tòa đã phân chia để bên nội nuôi hai bé lớn (một bé lớp 3, một bé học mẫu giáo), còn người mẹ nuôi con út là bé A.
Thực tế, gia đình ông Chức thuộc hộ đặc biệt khó khăn trong xã, bố cháu A. không nhanh nhẹn, chỉ đi làm phụ xây nên thu nhập rất ít ỏi. Ông bà phải hỗ trợ kinh tế nuôi hai cháu lớn. Bởi vậy, một phần vì pháp luật đã phân chia rõ ràng, một phần nếu giành nuôi cả ba bé thì để tất cả các cháu được học hành đến nơi đến chốn sẽ là điều khó khăn. Thỉnh thoảng nhớ cháu, ông Chức lại đón bé về, thấy bé chơi cùng các chị rất vui.
Tất cả những lần bé A. nhập viện, ông đều là người trực tiếp ở viện chăm cháu, sau đó đưa cháu về nội chăm sóc một thời gian, đến khi khỏe mạnh trở lại mới cho mẹ cháu đón.
Đợt này, mẹ bé A. cũng không báo tin cho bên nội, chỉ khi một người quen nhìn thấy cháu tại viện và gọi về, gia đình ông Chức mới được biết. "Nghe tin cháu nghi bị đinh đâm vào đầu, tôi rụng rời chân tay,… Dứt khoát chúng tôi phải để cho pháp luật vào cuộc”, ông nói.
Được biết, trưa 18/1, ông Chức đã gọi điện đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để nhờ tổng đài hỗ trợ, vào cuộc giúp đỡ.
Trước đó, theo thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, chiều tối 17/1, bệnh viện tiếp nhận bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật. Bệnh nhi được mẹ đưa đến viện. Trong quá trình kiểm tra, thăm khám, các bác sĩ nhận thấy cánh tay phải của bé đã được bó bột trong 2 tuần.
Qua điều tra bệnh sử, người mẹ cho hay, từ chiều gọi con không tỉnh nên đưa vào bệnh viện. Sau khi tiến hành đặt ống, chụp phim, các bác sĩ phát hiện phim chụp có hình ảnh cản quang trên hộp sọ. Chẩn đoán sơ bộ xác định bệnh nhi hôn mê, nghi viêm màng não. Tình trạng của em bé rất nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Sau khi nhập viện Thạch Thất khoảng 1 giờ, bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để điều trị. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiến hành chụp cắt lớp, dựng hình đã nhận thấy có những hình ảnh giống như đinh gỗ ở sọ và tổ chức não của bé.
Ông Đỗ Hữu Chức kể, con trai ông là anh Đỗ Hữu Tr. và chị Nguyễn Thị L. lập gia đình được hơn 10 năm thông qua mai mối. Do anh Tr. không được nhanh nhẹn nên chị L. trở thành trụ cột gia đình. Cả hai sinh được 3 người con gái, bé A. là con út. Cuộc sống không có xung đột. Tuy nhiên, tháng 2/2021, L. bỏ đi, để các con lại cho ông bà nuôi. Sau đó, ông Chức phải nhờ hết các kênh thông tin mới tìm được con dâu.
Khi quay lại chung sống với nhau được một thời gian, chị L. vẫn gửi đơn ly hôn ra toà. Mặc dù gia đình nhà nội khuyên can, nhưng chị nhất quyết dứt áo ra đi. Đến tháng 6/2021, vợ chồng anh Tr., chị L. ly hôn. Sau đó không lâu, bé A. về sống với mẹ và bạn trai của mẹ.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)