Bà Lâm Tú Linh (Lin Hsui Ling) - người quay và đưa lên mạng clip nhân viên nhà xe Việt Nhật chửi mắng và đuổi 2 nữ du khách nước ngoài xuống xe - bày tỏ bất bình về việc nhà xe đổ lỗi cho 2 du khách.
Chúng tôi đã liên lạc và trao đổi trực tiếp qua Facebook Messenger với bà Lâm để tìm hiểu câu chuyện đằng sau đoạn clip dài 1’22” đang gây xôn xao mạng xã hội.
Bà Lâm cho biết mình lên xe từ Hà Nội, trong khi 2 nữ du khách trong clip lên xe từ Huế nên bà đã chứng kiến toàn bộ sự việc từ đầu.
Theo bà Lâm, khi đến Nha Trang ngày 25-7, xe Việt Nhật dừng độ hơn một tiếng. Sau khi lên xe, 2 nữ du khách châu Âu kia than chỗ nằm không thoải mái nên muốn đổi sang chỗ gần cửa sổ. Nhưng nhân viên trong clip kiên quyết bắt họ nằm ghế sau cùng. Hai bên nói qua lại rồi dẫn đến xung đột như đã thấy.
Khi biết thông tin nhà xe và phụ xe nói rằng do hành khách uống rượu, hút thuốc, nhổ nước bọt vào người nên mới mất kiếm soát, bà Lâm tỏ ý nghi ngờ: “Điều đó là không thể. Tôi không hề thấy họ uống chút đồ có cồn nào”.
Theo bà Lâm, chính phụ xe mới là người hút thuốc, bà đã nhìn thấy phụ xe hút và vứt tàn thuốc lá ra đường, và có chụp lại ảnh tàn thuốc bị vứt lung tung.
Trên cả quãng đường trong xe bà không thấy khách nào hút thuốc. Xe cũng dừng ở một nơi vắng vẻ lúc rạng sáng, không có cửa hàng bán rượu bia nào, bản thân bà kiếm chỗ ăn sáng mà phải đi bộ hơn 20 phút mới tìm thấy một quán nhỏ ven dường.
Bà cũng thắc mắc làm sao nhà xe có thể tìm ra 2 du khách đã bị đuổi xuống xe đó để nói rằng hành khách đã xin lỗi.
Một clip khác về vụ việc được bà Lâm đưa lên Facebook cá nhân |
Bị “bán” cho xe khác
Bà Lâm Tú Linh cho biết đã mua vé ở đại lý tại Hà Nội, giá 750.000 đồng một vé. Đại lý cam doan sẽ mua vé hãng xe tốt nhất.
Ban đầu bà lên xe đề của hãng Queen café bus, vé có số ghế. Xe đến Hội An thì dừng, hành khách phải đổi sang xe khác, biển đề của công ty Việt Nhật. Nhưng vé đưa cho khách thì vẫn đề của Queen café bus và không có số ghế nữa. Bởi vậy khi lên xe, khách nước ngoài đều bị dồn về ngồi phía cuối.
Khi mua vé bà Lâm đã được thông báo sẽ đổi xe, nhưng nghe giải thích là do không có xe nào đi thẳng, bà thấy hợp lý nên cũng không thắc mắc. Đại lý không hề nói với bà là sẽ đổi cả hãng xe.
Trên quãng đường Đà Nẵng - Hội An, xe đi rất chậm, người lên xuống liên tục dù xe đã hết chỗ. Cả quãng đường bà không được nghỉ ngơi đúng nghĩa vì phụ xe thỉnh thoảng lại đánh thức yêu cầu bà đổi chỗ cho người khác mới lên. Việc này chỉ chấm dứt khi đến Mũi Né (bà Lâm áng chừng địa danh).
Cho đến trước khi xảy ra sự việc trong clip, bà Lâm đã ở Việt Nam 20 ngày và thấy khá hài lòng. Trước đó bà đã đi xe giường nằm lên Sa Pa và nhận xét nhà xe phục vụ rất tốt, lịch thiệp, nhân viên nói được tiếng Anh.
Vé đầu tiên mà bà Lâm mua ở Hà Nội là có số ghế (trái), và vé lúc đổi xe, không còn số ghế nữa - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bà Lâm Tú Linh sống ở Đài Trung (Đài Loan), không có nhu cầu nổi tiếng, bình thường Facebook cá nhân chỉ để chế độ bạn bè, nên không dự liệu được phản ứng khi đưa các clip vụ việc lên. Clip dài nhất đã có hơn 1,8 triệu lượt xem, hơn 19.000 lượt chia sẻ và gần 9.000 phản hồi.
“Có một số người comment, nhắn tin mắng tôi, nói tôi cút khỏi Việt Nam đi, Việt Nam không mời loại như tôi đến. Những lời lẽ vô lý như vậy tôi cảm thấy rất bực bội, khó chịu”, bà Lâm chia sẻ với Tuổi Trẻ Online. “Nhưng cũng có tin nhắn hay comment hỏi thăm, xin lỗi của nhiều người Việt Nam. Vì những lời đó mà tức tối cũng tan biến rồi”. Bà Lâm nói quan tâm nhất là 2 nữ du khách bị đuổi xuống xe kia, “họ còn ở Việt Nam không, có an toàn không”. “Tôi không phải người trong cuộc, chỉ chứng kiến mà còn thấy sợ. Nếu như là 2 người đó, chắc tôi khóc mất. Họ cũng là dũng cảm đấy”, bà Lâm nói. “Nhưng tôi biết trên đời người tốt nhiều hơn người xấu, tôi đi du lịch nhiều nơi, gặp nhiều người xa lạ giúp đỡ, cho nên hy vọng cũng có thể giúp được các bạn khi trả lời lần này”. Theo bà Lâm, không phải du khách nước ngoài nào cũng rành tiếng Anh, nên khi gặp vấn đề, họ không biết phản ánh ở đâu. Trong vụ việc này, phụ xe cũng nói tiếng Anh rất hạn chế, nên việc giao tiếp đã không trôi chảy. “Ban đầu tôi rất tức giận, muốn nói cho tất cả những người bạn trên Facebook là đừng đến Việt Nam nữa. Nhưng hy vọng sau vụ này, các công ty xe khách Việt Nam sẽ cải thiện phục vụ. Việt Nam không phải không tốt. những người không tốt chỉ là số ít, nước nào cũng vậy. Nhưng những việc thế này càng ít càng tốt”, bà Lâm Tú Linh chia sẻ. |
Theo Mai Nguyên (Tuổi Trẻ)