Lam Thị Sóc Kha (27 tuổi, quê Sóc Trăng) chỉ biết lặng im, lắng nghe tiếng mẹ khóc qua điện thoại khi bà chứng kiến cảnh 3 đứa cháu cùng con vật vạ giữa đường phố vào 11h đêm.
"Có về được không con? Mấy đứa nhỏ làm thế nào đây con?" - bà liên tục nấc lên, Kha chỉ vội đáp "Con không biết", rồi vội vàng cúp máy.
5 tháng trước, được người quen giới thiệu , 2 vợ chồng chị mang đầy ước vọng để đi Sài Gòn. Công việc phụ hồ phụ thuộc số công trình và ngày nắng ngày mưa, thế nhưng nó cũng vừa vặn để cả 2 thuê 1 căn trọ và tằn tiện mỗi tháng nuôi 3 đứa con nhỏ.
Công việc chưa bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP.HCM khiến 2 rơi vào tình trạng thất nghiệp.
"Ban đầu còn chắt chiu từng thứ để trả đủ 1 triệu 6 tiền trọ, nhưng đến tháng thứ 2 thì gần như không thể gồng nổi, chủ trọ đành đuổi cả nhà 5 người ra đường.
May mắn, có cái công xưởng ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, 2 vợ chồng đành dắt díu con đến tá túc. Đến hôm nay nhận tin TP nới lỏng, công xưởng sẽ hoạt động lại thì chẳng còn nơi nào đi cả…" - Thảo (29 tuổi, chồng Kha) kể lại.
Sau khi thông báo "bình thường mới" của TP được ban bố, 2 vợ chồng Kha chỉ có vỏn vẹn 3 tiếng để dọn đồ ra khỏi công xưởng. Cô gái trẻ nhìn chồng rồi cả 2 ngầm hiểu con đường cuối cùng là chạy xe máy về quê.
7h tối, họ lỉnh khỉnh nào quạt, nào chén dĩa, mền gối... và bắt đầu một hành trình "chỉ có tiến chứ không thể lùi được nữa".
"Lúc đó chị chẳng biết gì đâu nhưng chị biết ở lại chẳng còn nơi nào để trú nữa. Đến khi đến đây thì người đã đông đúc hàng trăm người. Tụi chị đã đứng đợi hơn 6 tiếng chỉ mong để có thể được quê, các con mệt quá rồi" - giọng Kha trầm buồn hẳng khi cố gắng bệ 2 đứa nhỏ ngủ trên tay trên chiếc xe máy cũ.
Tối 30/9, hàng trăm người dân TP.HCM đã đổ về cửa ngõ miền Tây. Tại chốt kiểm soát ở thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, họ bị lực lượng chức năng đã yêu cầu người dân quay đầu xe, trở lại thành phố. Thế nhưng, tất cả mọi người đều chấp nhận ở lại, vạ vật nằm nghỉ giữa đường chỉ vì mong mỏi: Trở về quê!
10 năm bám trụ mảnh đất Bình Dương đối với bà Phương chẳng bằng 10 ngày trải qua cơn "thập tử nhất sinh" vì căn bệnh Covid-19.
"Cổ họng đau rát, khi tôi được đưa vào bệnh viện thì đã không thể thở được nữa rồi. Bác sĩ liên tục phải cho thở máy, tôi tưởng mình không thể quay lại với gia đình nữa rồi" - bà miêu tả về chuỗi ngày mắc Covid-19.
May mắn, hơn 10 ngày điều trị, bà Phương đã âm tính. Thế nhưng, nỗi sợ bệnh, cái chết và số tiền trong túi đã cạn khiến bà chẳng còn tha thiết ở lại thành phố.
"Công trình đã ngừng việc từ lâu. Con trai út thì bị lao phổi cần phải chăm sóc mỗi ngày. Gia đình con trai lớn thì các cháu đều quá nhỏ, chẳng còn tiền trả trọ nữa huống chi mua sữa cho cháu".
11h ngày 30/9, 10 thành viên trong gia đình bà Phương quyết định sẽ phải trở về quê, "có rau ăn rau, có mắm ăn mắm". Bà trả trọ, chắt chiu hết số tiền còn lại để thuê 1 chiếc xe tải chở tất cả vật dụng đến cửa ngõ Bình Dương - TP.HCM. Tại đây, gia đình bà xuống xe, chia nhau chạy máy để tiếp tục hành trình về An Giang.
Đến cửa ngõ thị trấn Tân Túc, bà cũng hàng trăm người khác đều được lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu.
"Tôi đã nói với gia đình, chuyến này đi là chỉ có tiến chứ không lùi thêm được nữa. Vì giờ lùi là sẽ chẳng biết đi đâu. Nhà trọ thì đã trả, tiền bạc chẳng còn, về Bình Dương thì chắc chắn không được nữa. Thế nên hồi chiều tôi đã bảo các con đem theo bạt, mùng, mền, ở đâu cũng được, ngủ lề đường cũng được, miễn là được về quê…" - bà Phương kể.
Đến 3h sáng ngày 1/10, lực lượng chức năng đã thu thập 216 phiếu thông tin của người dân ở 13 tỉnh thành mong muốn được về quê.
Lực lượng nhanh chóng sắp xếp chỗ tạm nghĩ, sẽ sớm liên hệ với chính quyền các tỉnh để hỗ trợ đưa người dân trở về. Trong đó, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng… là những tỉnh đầu tiên sẽ có chính sách hỗ trợ bà con về quê.
Thế nhưng, đến gần sáng cùng ngay, tất cả người dân đều không chịu rời khỏi chốt kiểm soát liên tỉnh.
Theo Huy Hậu (Tổ Quốc)