Chị Nguyễn Thị Lệ (26 tuổi, ở xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) – phép lạ đã đem đến cho chị sự sống may mắn còn lại trên đời này sau vụ nổ bom kinh hoàng. Tuy vậy, người mẹ của hai đứa trẻ đang phải sống thực vật với thân hình chỉ còn da bọc xương.
Những tưởng đó là phép màu kì diệu xảy tới với gia đình chị Lệ, thế nhưng sau câu chuyện phép màu ấy lại là nỗi đau dai dẳng bám lấy gia đình chị. Khi chúng tôi tới thôn Rùa Hạ 2, hỏi thăm nhà chị Lệ - nạn nhân vụ nổ bom, người dân nơi đây đã chỉ cho chúng tôi đến tận nhà chị, ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Hải (bố chồng chị Lệ).
Ông Hải luôn tỏ nỗi lo cho số phận con dâu và nghĩ về hai đứa cháu. |
Ông Hải bảo rằng, hiện tại, chị Lệ nhận được tiền trợ cấp hàng tháng là 700 nghìn đồng nhưng tiền thuê người trông hàng tháng là 7,5 triệu đồng, cộng cả tiền thuốc, chăm sóc y tế cho chị rơi vào khoảng 15 triệu/tháng.
Tiền vay ngân hàng chữa bệnh cho chị Lệ hiện đã lên tới cả trăm triệu, nhưng còn nước còn tát… Gia đình ông Hải đang đặt mua một loại thuốc đông y cho Lệ ấy uống, đơn thuốc này là 30 triệu đồng. Bác sĩ bảo nếu Lệ tỉnh lại thì sẽ đặt mô não đang nuôi cất tại bệnh viện để phẫu thuật lại.
Người cha tâm sự về số phận của con dâu sống sót sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông. |
Những ngày người trông chị Lệ là bà Lê Thị Dung về quê có việc gia đình, ông Hải lại là người trực tiếp chăm sóc chị Lệ để chồng chị là anh Nguyễn Văn Âu lo công việc kiếm thu nhập trang trải tiền thuốc thang cho vợ và chăm sóc hai đứa con, đứa lên 4, đứa lên 2 tuổi.
"Giờ con dâu tôi chỉ còn là tấm da bọc xương, hai chân co quắp, khuôn mặt biến dạng, đầu bị lõm, các ngón tay cong ngược ra sau. Lệ ăn uống qua ống ở đường thanh quản. Một bên mắt của con đã được các bác sĩ phẫu thuật khoét đi, mắt còn lại khả năng phục hồi gần như là không có", ông Hải tâm sự.
Chị Lệ phải sống bằng thực vật, thân hình chỉ còn da bọc xương. |
Nói rồi, ông Hải lại ngồi nhẩm tính, chỉ còn 2 ngày nữa là tròn 14 tháng kể từ ngày Lệ bị tai nạn. "Hai đứa chúng nó yêu nhau từ năm cấp 3. Thằng Âu học hết lớp 12 ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc truyền thống của địa phương, Lệ thi đỗ Học viện Tài chính. Khi Lệ đang học năm thứ 2, chúng tôi tổ chức đám cưới cho hai đứa. Lệ bảo lưu kết quả học tập và dự định khi nào có điều kiện thì học tiếp. Nhưng cuộc sống với nhiều gánh nặng mưu sinh cứ cuốn chúng nó vào nên Lệ đành gác lại ước mơ học hành và trở thành người vợ, người mẹ đầy trách nhiệm. Vậy mà...", nói tới đây ông Hải im lặng và mím chặt môi.
Mọi sinh hoạt của chị Lệ phụ thuộc vào người giúp việc. |
Khi ông Hải dẫn chúng tôi vào thăm Lệ trong buồng, chị đang thở khó nhọc và bà Dung đang giúp chị hút đờm ở cổ. Lau chùi cho chị Lệ, chúng tôi thấy ở khóe mắt bà Dung là những giọt nước chốc chốc lại rơi. Bà bảo, bản thân đã khóc rất nhiều cho số phận người phụ nữ "hồng nhan" ấy. Gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân từ nhiều năm nhưng đây là hoàn cảnh đặc biệt mà bà Dung gắn bó lâu nhất.
"Lúc nào tôi cũng trong trạng thái muốn được ngủ một giấc ngon nhưng tôi sợ mình ngủ sâu giấc, Lệ bị nhiều đờm ở cổ, không được hút kịp thời sẽ dần rơi vào hôn mê, khi đó rất nguy hiểm. Ngày tôi vào viện chăm sóc Lệ bị tai nạn cũng là ngày con dâu tôi mới sinh được khoảng 1 tháng nhưng vợ chồng ông Hải muốn tôi ở lại chăm sóc Lệ, thương Lệ nên tôi đã ở lại cùng", bà Dung chia sẻ.
Và thoáng chốc, tôi thấy khóe mắt chị Lệ cũng có những giọt nước chảy ra. Ông Hải đứng bên cho hay, mặc dù con dâu đang sống thực vật nhưng ông vẫn tin, tự sâu trong tâm trí Lệ vẫn có những cảm xúc. Bởi lẽ nhiều khi anh Âu bước vào, hay có ai đó tới thăm và hỏi về hoàn cảnh, ông lại thấy chị rơi lệ.
Nhìn lên bức ảnh của vợ chồng chị Lệ, bất cứ ai cũng phải xót xa. |
Bà Dung cũng bảo rằng, nhiều đêm bà đang ngủ cũng nghe thấy tiếng khóc của chị, tiếng khóc gần như bất lực cứ thế bật ra rồi lại im bặt giữa màn đêm. Nhưng đó chỉ là những phản ứng tức thời còn ai gọi, ai hỏi gì thì Lệ đều không biết. "Âu nhiều khi cũng tâm sự với tôi, có lẽ, dù sau này, Lệ có như thế nào thì cả đời nó sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới một người phụ nữ nào khác. Nghe mà xót xa lắm. Trên màn hình điện thoại của Âu là hình ảnh cái Lệ tươi cười duyên dáng", bà Dung ngậm ngùi.
Còn với ông Hải, ông chia sẻ: "Đã từng có một phép màu để Lệ sống sót kì diệu sau vụ nổ bom kinh hoàng ấy, giờ gia đình tôi cũng chỉ mong có một phép màu nữa giúp Lệ tỉnh lại, dù phải ngồi xe lăn và không làm được gì nhưng cũng là có tiếng người, có sự giao lưu để hai cháu tôi hàng ngày được trông thấy nụ cười của mẹ, được gọi "mẹ ơi". Nhìn con rồi nhìn cháu mà chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Bọn chúng ngoài kia cũng như thế còn có mẹ, đàng này dẫu sao ông bà không thể như người mẹ được...".
Theo Minh Ngọc (Trí Thức Trẻ)