Sáng 4/5, chia sẻ với PV Nhịp Sống Việt, ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi, chồng của bà Liên) cho biết, sáng nay ông định đưa vợ đi khám nhưng do vừa mới về hôm qua, bà Liên vẫn còn mệt nên để nghỉ ngơi một ngày rồi sẽ đưa đến viện kiểm tra sau.
"Câu chuyện của vợ tôi đúng là thật kỳ lạ và may mắn khi bị rơi xuống vực sâu nhưng không bị làm sao chỉ xây xát bên ngoài”, ông Khánh chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn gia đình đã gặp phải trong khoảng 7 ngày vợ mất tích, thông tin trên báo VTC News, ông Khánh cho biết: "Sáng 27/4, hai vợ chồng vẫn liên lạc với nhau bằng điện thoại, tôi vẫn nghĩ bà ấy chỉ đang đi loanh quanh ở Hà Nội thôi vì đi bằng xe máy mà. Tôi có thói quen thức khuya, 3h sáng ngày 28/4, không thấy bà ấy về mà cũng không liên lạc gì. Tôi nghĩ bà ấy đang ở bệnh viện trông bà ngoại nên không gọi.
Trưa 28/4 tôi gọi cho vợ nhưng không được, linh tính chẳng lành nên tôi gọi cho tất cả anh em bạn bè ở Hà Nội hỏi nhưng không có nên tôi lại càng sợ. Dự cảm có chuyện không lành tôi lập tức làm đơn trình báo lên cơ quan công an", ông Khánh kể lại.
Ngoài ra, gia đình ông Khánh cũng đưa ra nhiều giả thuyết và tìm các phương án để tìm người thân.
"Gia đình cũng phân tích nhiều giả thuyết về việc vợ tôi mất tích. Mọi người cứ hỏi ở nhà có cãi vã hay gì không? Dạo này có xích mích hay vay nợ? Có người còn nói gở bảo hay bà ấy tự tử hay phải trốn nợ...", ông Khánh kể về quãng thời gian lo lắng khi vợ mất tích.
Ông Khánh kể rằng nhiều ngày tìm kiếm, gia đình gần như tuyệt vọng. Sự việc không may xảy đến khiến ông gần như suy sụp hoàn toàn.
Sau khi ông Khánh đăng ảnh vợ, chứng minh thư và những lá đơn kêu cứu tìm vợ lên Facebook mong ai nhìn thấy hay nhận ra vợ ông sẽ liên lạc với gia đình, rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến. Thậm chí có nhiều cuộc điện thoại rất đáng nghi ngờ, có dấu hiệu lừa đảo...
“Trong lúc rối bời, thì khoảng 22h đêm 3/5, có một cuộc điện thoại lạ gọi vào số của tôi. Lúc đầu tôi định không nghe máy vì nghĩ lừa đảo nhưng sau đó tôi cũng bắt máy thì đầu dây bên kia hỏi tôi có phải người thân của vợ tôi không? Tôi cũng yêu cầu họ kết nối Zalo để tôi nói chuyện và xem hình ảnh của vợ thì mới tin. Khi nhìn thấy vợ qua hình ảnh tôi mừng rơi nước mắt, gọi điện thông báo cho các con và họ hàng biết để mọi người yên tâm”, ông Khánh kể.
Sáng 4/5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Bích Liên (sinh năm 1963, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết không thể quên được 7 ngày sống trong sợ hãi, tuyệt vọng dưới vực sâu 30m ở Yên Tử (Quảng Ninh).
Giải thích việc đi một mình lên Yên Tử, bà Liên cho hay đây là lần đầu tiên bà đến khu di tích này. Bà nói ngày 27/4, bà đi từ nhà xuống Hạ Long lấy thuốc và dự tính thăm người bạn, tuy nhiên sau đó không tìm thấy bạn.
Tiếp đó, một số người nói ở đây tiện xe buýt đến Yên Tử nên bà quyết định đi để chiêm bái và mong cầu điều may mắn cho gia đình.
"Trước đó chồng tôi và tôi cũng hay đi chơi một vài ngày mà không báo nên tôi chủ quan nghĩ đi 1-2 ngày rồi về chứ không ngờ mọi chuyện lại như vậy. Giờ nghĩ lại mới thấy đó là điều sai lầm của mình, nhất là khi ngã xuống điện thoại lại bị mất", bà Liên nói.
Bà Liên nói từ lúc rơi xuống đã không ngừng kêu cứu nhưng tuyệt nhiên không thấy ai do lúc này có mưa và gió to. Ngoài ra bà cũng tìm được một số đồ vật có thể tạo âm thanh như miếng sắt, hòn đá để vừa gọi vừa gõ nhưng mãi không ai nghe và tìm cách tạo lửa nhưng không được.
"Dù có phần hoảng nhưng nghĩ lại, trước ranh giới sống chết thì cứ cố gắng bảo toàn tính mạng và tìm mọi cách để có thể sinh tồn. Tôi nghĩ không thể đầu hàng như vậy mà phải trở về với chồng con", bà Liên nói thêm và cho hay may mắn đã tới khi sáng sớm 3/5, thức dậy bà lại tiếp tục gõ, gọi và một cán bộ ban quản lý nghe thấy.
Người phụ nữ này khẳng định bản thân không hề bịa đặt ra câu chuyện bởi vé cáp treo vẫn còn và ban quản lý tra lại đúng ngày 27/4.
"Đi lên như thế nào, hành trình thế nào vé thể hiện hết rồi chứ tôi không thể nào đi nhặt vé đấy rồi bịa ra câu chuyện. Tôi cũng không phải người khổ tu, hành thiền hay có lý do gì để bịa ra câu chuyện này nhằm câu like, tạo sự nổi tiếng cho bản thân...
Tự nhiên cuộc sống gia đình tôi đang bình yên thế này thì tôi bịa ra làm gì để giờ cả gia đình bị khủng hoảng", bà Liên nhấn mạnh và cho hay việc mình kể chi tiết ra để nhằm giúp mọi người nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh như vậy sẽ có ý thức để sống, có kỹ năng để sinh tồn.
Bên cạnh đó, người phụ nữ này cũng chia sẻ rút kinh nghiệm sau sự cố không đáng có vừa qua: "Sai lầm lớn nhất của tôi là chỉ nghĩ đi lấy thuốc về trong ngày nên không báo cho chồng con. Qua sự việc này tôi chỉ mong đây là bài học để mọi người cẩn trọng hơn trong quá trình đi tham quan, du lịch”.
NT (Nguoiduatin.vn)