Câu chuyện rắc rối trên xuất phát từ việc thuê nhà làm trụ sở bí mật đón tiếp đại biểu trong nước đến Hồng Kông dự Đại hội Đảng lần thứ nhất. Khi đó, Phùng Chí Kiên tốt nghiệp trường đại học Phương Đông tại Matxcơva trở về được giao nhiệm vụ cùng anh Thụ kiếm nhà thuê mướn. Hai anh còn trẻ, độc thân, tìm đâu ra một người phụ nữ tin cậy để chấp nhận làm “vợ hờ” ở chung nơi đất khách quê người? Thủ tục hôn thú thì lo được, còn vợ giả thì quả là rất bí.
Trở về Lạng Sơn, anh Thụ đem nỗi băn khoăn về việc tìm “người đi Hồng Kông làm nhiệm vụ đặc biệt” thì Mã Khánh Phương (người anh em kết nghĩa, một cơ sở cách mạng của ta từng giúp anh Thụ trong những ngày đầu đến Trung Quốc) nói: “Hay là để cô Mã Thị Phảy nhà mình đi được không. Chỉ có cô ấy là tin cậy nhất, lại biết tiếng Quan Hỏa”. Anh Thụ “à” lên một tiếng rồi nói “ý kiến hay quá!”.
Kịch bản “vợ giả”
Khoảng giữa năm 1996, khi đó tôi công tác tại Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn nghe tin, bà Mã Thị Phảy, người từng theo Hoàng Văn Thụ đi hải ngoại làm cách mạng đang sinh sống tại khu ga thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Bà Mã Thị Phảy (SN 1918, dân tộc Nùng), tuy tuổi cao nhưng ký ức hàng chục năm trời qua vẫn không phai lạt trong tâm trí. Bà kể rằng, ngày xưa nhà ở thôn Ma Mèo, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Từ nhỏ, Phảy được chứng kiến anh trai là Mã Khánh Phương kết nghĩa huynh đệ với Hoàng Văn Thụ.
Một hôm, dưới ánh trăng non chênh chếch bên sườn núi, tiếng chim Pi-óc thôi kêu tối cũng là lúc anh Phương và Thụ đến gần rồi nhẹ nhàng nói bằng tiếng Nùng: “Phảy đã sang tuổi trăng tròn 16 rồi đấy nhỉ? Em có biết chữ không?” Phảy quay lại nhìn anh Thụ rồi buồn rầu nói: “Nhà nghèo quá, có tiền đâu mà học. Gạo, tiền còn phải nộp cho quan phủ”. Cô gái mới lớn bỗng rơm rớm nước mắt nói tiếp: “Anh ơi, anh đi làm cách mạng cho em đỡ khổ, cho dân mình hết nghèo hèn”. Anh Thụ đỡ Phảy đứng lên, động viên: “Chắc chắn cách mạng sẽ thành công Phảy à. Anh nói câu này không biết em có đồng ý không? Anh muốn em theo học cái chữ ở Hồng Kông để phục vụ cách mạng cùng anh!”.
Phảy như không tin vào tai mình nên hỏi lại “Thật không anh?”. Anh Thụ, anh Phương nhìn thẳng vào mắt cô gái trẻ rồi gật đầu. Cô ríu rít đi tìm bố mẹ để xin phép, không ngờ họ cũng thống nhất cho cô đi hải ngoại từ trước rồi.
Bà Phảy ngước nhìn về phía xa xa rồi kể tiếp: “Hôm đi xe ngựa từ thị trấn Bằng Tường qua Long Châu (Trung Quốc) sau đó tìm cách sang Hồng Kông. Mùa này cạn nước nên phải hơn chục ngày đi tàu thủy mọi người mới đến đích. Anh Thụ dẫn Phảy đến trước mặt một thanh niên cao, gầy song nom hoạt bát rồi bảo: “Đây là anh Phùng Chí Kiên. Em đóng giả làm vợ người này nhé. Em là cán bộ cách mạng rồi mà”.
Phùng Chí Kiên ưng ý với cô gái và căn dặn: “Em có tên mới là Mã Phù Dung nhé. Anh sẽ coi em như em gái vậy thôi. Em có thích tên mới không?”.
Phảy cảm động không nói nên lời. Trong 3 năm ở Hồng Kông, Phảy được giao nhiệm vụ chăm sóc, cơm nước, liên lạc, chuyển những tài liệu mật tới anh em thủy thủ yêu nước đưa về Việt Nam. Thi thoảng, Phảy còn được tham gia các lớp học tập, đọc sách tiến bộ do anh Thụ tổ chức. Anh Thụ, anh Kiên còn thay nhau dạy tiếng, chữ Trung Quốc cho cô.
“Ngày đó, nỗi nhớ nhà cồn cào nhưng tôi vẫn nhẫn nại những đường kim, mũi chỉ vá áo quần cho các anh mỗi đêm. Đến khoảng giữa năm 1939, tôi hoàn thành nhiệm vụ và được trở về quê hương, tiếp tục hoạt động trong phong trào phụ nữ ở địa phương”, bà Phảy nhớ lại và kể.
Phát huy truyền thống
Dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Hoàng Văn Thụ, tôi lại ngược quốc lộ 1A lên biên giới, ghé vào thăm gia đình bà Mã Thị Phảy. Ngôi nhà vẫn như xưa, nhưng trên bàn thờ nghi ngút hương tỏa. Bà Phảy mất năm 2008, thọ 90 tuổi. Tiếp tôi là bà Vi Thị Bốn (SN 1955, con dâu bà Phảy) cùng con cháu. Bà Bốn rưng rưng cho biết: Sau khi từ Hồng Kông trở về, chính quyền thực dân gây khó dễ cho gia đình, chính vì vậy đến năm 23 tuổi, Mã Thị Phảy mới lấy được chồng. Vợ chồng bà Phảy có 2 người con, chị cả là Nông Thị Can, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Văn Lãng, con trai Nông Trung Lâm (chồng bà Bốn), từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư đoàn xã Tân Mỹ, Văn Lãng sau đó do bạo bệnh mất cách đây nhiều năm.
“Nhớ ghi những lời dặn của mẹ, cần phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, tôi gắng thay chồng nuôi dạy 5 con khôn lớn và thực hiện nghĩa vụ thờ phụng tổ tiên, cha mẹ. Cứ mỗi lần vào dịp ngày sinh Hoàng Văn Thụ mùng 4/11, gia đình lại có đĩa hoa quả tươi, nhang thơm thắp cúng người anh em kết nghĩa với Mã Khánh Phương”, bà Bốn nói.
Bà Bốn đưa cho tôi xem quyết định của Tỉnh ủy Lạng Sơn công nhận Mã Thị Phảy là “cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945” và được hưởng tiền trợ cấp hàng tháng. Bà Phảy còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương như: “Huân chương Độc lập hạng Ba”, “Huân chương Kháng chiến hạng Ba”...
Các con cháu tề tựu đông đủ để nghe bà Bốn thuật lại những câu chuyện xưa. “Tài sản lớn nhất là những người con trưởng thành và bộ quần áo tân thời, chiếc áo may mặc ở Hồng Kông và 1 cái ô của bà Phảy. Năm 1967, cán bộ trung ương đã xin mang đi triển lãm, cho vào bảo tàng. Tiếc nhất là tấm ảnh Bác Hồ và gia đình chụp chung đang ngồi hơ lửa ở cửa bếp, chiến tranh biên giới 1979 đã làm hỏng”, bà Bốn ngậm ngùi cho biết.
Tôi như còn nghe văng vẳng câu nói của bà Mã Thị Phảy trong lần gặp mặt. Bà kể rằng: Ngày 4/11/1994, tỉnh Lạng Sơn long trọng tổ chức khánh thành tượng đài Hoàng Văn Thụ ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, bà Phảy vinh dự được mời đến dự. Sau buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đến gặp bà Phảy ân cần cầm tay bà hỏi han: “Chị ơi, mấy năm nay sức khỏe và làm ăn có khá không. Chị cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm gương cho con cháu!”.
Theo Nguyễn Duy Chiến (Tiền Phong)