Hoàn cảnh trớ trêu trên là của chị Đỗ Thị Hạnh (42 tuổi, quê Thanh Hoá, tạm trú tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM), nhân vật mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong bài viết "Nhặt được em bé sơ sinh trước cổng chùa, người phụ nữ giúp việc mang về nuôi nấng yêu thương" đăng tải ngày 23-10-2017. Những tưởng cuộc đời người mẹ đơn thân sẽ có thêm niềm vui với đứa con nuôi bé bỏng thì gần một tháng sau, rắc rối bất ngờ xuất hiện.
Phải giao bé lại cho cơ quan chức năng
Người phụ nữ cưu mang bé trai bị bỏ rơi suốt 3 tháng trời có nguy cơ không được nhận con nuôi - Ảnh 1.
Bé Đỗ Pháo Chí đang được nuôi dưỡng tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP.HCM). |
Trao đổi với chúng tôi, chị Hạnh sụt sùi cho biết, kể từ ngày nhặt được bé trai bị bỏ rơi (3-9) trước cổng chùa Diệu Giác (đường Trần Não, quận 2, TP.HCM), sau khi làm các thủ tục trình báo với chính quyền địa phương, chị đã cưu mang bé như con ruột. Kể cả cái tên Đỗ Pháp Chí của đứa bé cũng do người phụ nữ trực tiếp đặt. Gần 3 tháng trôi qua, đứa bé từ chỗ vàng vọt xanh xao đã dần khỏe mạnh hồng hào. Chị Hạnh cũng đã đi đến quyết định sẽ nhận đứa bé làm con nuôi.
"Ngày 20-11, tôi được một cán bộ ở phường Bình An (quận 2) thông báo đưa bé Cà Rốt (tên ở nhà của Pháp Chí) đến làng Thiếu niên Thủ Đức để gửi, bảo rằng hai ngày sau khi làm các thủ tục nhận con đầy đủ sẽ được đến đón bé về. Cán bộ phường bảo rằng sẽ hỗ trợ tốt nhất cho tôi, tôi cứ yên tâm vì phải làm theo quy định" – chị Hạnh kể.
Theo lời của chị Hạnh, tối ngày 20-11, chị được một vị cán bộ tên M. liên hệ để lên phường An Bình ký giấy tờ làm thủ tục nhận con nuôi. Nghĩ mình nuôi bé cũng lâu và được phường tạo mọi điều kiện, người phụ nữ nhanh chóng thực hiện theo ngay mà không cần nhìn nội dung.
"Tuy nhiên hai ngày sau, khi tôi lên Làng Thiếu niên Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM) trình bày nguyện vọng được nhận lại bé Đỗ Pháp Chí làm con nuôi thì bộ phận quản lý trẻ mồ côi nói trường hợp của tôi rất khó, vì lý do tôi là mẹ đơn thân và đã có một con gái, cũng như tôi không có hộ khẩu tại TP.HCM mà chỉ có KT3 tại phường Bình An" – chị Hạnh nói tiếp.
Lúc này người phụ nữ vừa buồn vừa bất ngờ, liền quay trở lại phường để hỏi lý do. Tại đây sau khi đề nghị được xem lại các thủ tục mình đã thực hiện, chị điếng người phát hiện trong số các giấy tờ chị đã ký hôm trước, có lá đơn đề nghị cơ quan chức năng tiếp nhận bé Đỗ Pháp Chí vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Nghĩ mình bị tước đoạt quyền nhận con nuôi, chị Hạnh tiếp tục tìm đến Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM để cầu cứu.
"Không được nhận Cà Rốt làm con, chắc tôi không sống nổi…"
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch phường Bình An (quận 2) xác nhận có sự việc cơ quan chức năng địa phương yêu cầu chị Đỗ Thị Hạnh đưa bé Đỗ Pháp Chí lên phường để làm thủ tục chuyển bé sang trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo ông Tiến, lý do là vì trước đó chị Hạnh chưa làm hồ sơ nhận con nuôi, cũng như phường lo sợ người phụ nữ không đủ khả năng nuôi đứa bé, nên đưa sang Làng Thiếu niên Thủ Đức để có nơi đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp chuyện này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Làng thiếu niên Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, bé Đỗ Pháp Chí được UBND phường Bình An (quận 2) đưa vào đây ngày 24-11. Sau vài ngày khó chịu do lạ chỗ, hiện tại tình hình sức khỏe bé đã ổn định. Thời gian qua, có nhiều người đến hỏi thủ tục nhận nuôi đứa trẻ.
"Theo quy định, trung tâm sẽ đăng thông báo trên đài truyền hình về trường hợp của bé. Nếu trong thời gian 30 ngày không có ai nhận bé thì mới nghĩ đến phương án cho nhận con nuôi. Riêng chị Đỗ Thị Hạnh có hai lần đến thăm bé và đã được trung tâm hướng dẫn làm thủ tục nhận con nuôi" – bà Hồng Châu nói.
"Người muốn nhận nuôi con phải nộp đủ các giấy tờ như CMND, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng minh thu nhập, tài sản, đơn xin nhận con nuôi, tờ khai hoàn cảnh có xác nhận của địa phương, xác minh của công an địa phương. Theo Luật Nuôi con nuôi, trẻ sẽ được ưu tiên cho sống với gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ" – bà Nguyễn Thị Hồng Châu, cho biết thêm
Nửa tháng qua phải xa đứa trẻ, chị Hạnh như người mất hồn, không còn thiết tha làm việc. Chị chia sẻ, ít ngày trước khi qua thăm Pháp Chí, thấy đứa bé lạ chỗ nên khó ở, sụt ký mà đau xé lòng.
"Các cô ở làng khuyên tôi nên hạn chế vào thăm bé, lễ Tết thì hãy vào, vì lên thăm xong tối bé nhớ lại khóc mà phiền các cô. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng thương tình xem xét, cho tôi hoàn tất mọi giấy tờ nhận con. Tôi cũng đang nhờ bà con ở quê làm giấy tờ để chuyển hộ khẩu vào đây. Không được nhận Cà Rốt làm con, chắc tôi không sống nổi…" chị Hạnh tâm sự.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)