Đầu năm 2023, một người phụ nữ họ Châu ở Thượng Hải, Trung Quốc cần đóng viện phí 8.500 NDT (gần 30 triệu đồng). Do không quen thao tác trên điện thoại nên bà ra ATM để chuyển số tiền này nhờ con gái đóng giúp. Trong một phút bất cẩn, bà Châu đã nhập sai số tài khoản và nhấn nút xác nhận chuyển tiền. Khi bà kịp nhận ra thì màn hình máy ATM đã hiển thị “giao dịch thành công”.
Bà Châu cho biết, do vừa phẫu thuật xong, sức khỏe còn yếu, bà cảm thấy chóng mặt nên đã dẫn đến sơ suất trong lúc chuyển tiền. Phát hiện số tài khoản mình gửi tiền đến là của người lạ, bà vô cùng hoang mang và lo lắng. Sau đó, bà liền đến chi nhánh ngân hàng gần nhất nhờ hỗ trợ.
Dựa trên thông tin người nhận tiền, phía ngân hàng đã nhanh chóng liên hệ cho người nhận tiền nhưng đầu dây bên kia không nhấc máy. Nhân viên ngân hàng tra cứu thì phát hiện ra tài khoản này đã lâu không thực hiện giao dịch, do đó số điện thoại cũng không liên lạc được. Không còn cách nào khác, cảnh sát khu vực Bảo Sơn, thành phố Thượng Hải đành đưa bà Châu về đồn về đồn cảnh sát để tiếp tục tìm cách xử lý.
Sử dụng thông tin căn cước do ngân hàng cung cấp, cảnh sát Bảo Sơn sau đó đã tra ra số điện thoại hiện tại và gọi được cho chủ tài khoản mà bà Châu gửi tiền. Tuy nhiên, đầu dây bên kia khẳng định mình không nhận được bất cứ khoản tiền chuyển đến nào cả. Bà Châu nghe thấy vậy càng hoang mang hơn, vì rõ ràng bà đã nhìn thấy thông báo chuyển khoản thành công trên màn hình ATM.
Tiếp theo đó, ngân hàng và cảnh sát đều cố gắng liên lạc lại nhiều lần, nhưng cứ mỗi lần cuộc gọi được kết nối, đầu dây bên kia lại vội vàng dập máy. Cuối cùng, cảnh sát khu vực Bảo Sơn phải liên hệ với cảnh sát tại nơi người nhận tiền sinh sống để nhờ hỗ trợ xác minh sự việc.
Sau khi cảnh sát đến đến tận nhà người nhận tiền để làm rõ, người này mới nhận đúng là đã có một khoản tiền lớn gửi đến số tài khoản. Tuy nhiên, do gần đây nhận được quá nhiều những cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát, yêu cầu giao dịch tiền bạc nhưng thực ra chỉ là lừa đảo. Vì vậy, lần này khi nghe đầu dây bên kia nhận là cảnh sát khu vực Bảo Sơn, yêu cầu trả lại số tiền chuyển nhầm thì người này mới cảnh giác cao độ và dập máy.
Được sự xác nhận của cảnh sát, người nhận tiền lúc này mới giải tỏa nghi ngờ. Bên cạnh đó, biết được đây là số tiền thanh toán viện phí rất quan trọng với bà Châu, người nhận tiền đã nhanh chóng hoàn trả lại toàn bộ số tiền 8.500 NDT (gần 30 triệu đồng) chuyển khoản nhầm.
Cảnh sát ở Bảo Sơn, Thượng Hải cho biết, mặc dù lần này bà Châu đã lấy lại được tiền chuyển khoản nhầm một cách thuận lợi, nhưng đây chỉ là trường hợp may mắn. Nếu không thể liên lạc được với người nhận, hoặc người nhận nhất quyết không hợp tác thì mọi chuyện có thể sẽ rắc rối hơn và sẽ phải cần đến sự can thiệp của pháp luật.
Sau sự việc này, phía cảnh sát Trung Quốc cũng nhắc nhở người dân khi sử dụng các nền tảng như ngân hàng di động, Alipay, WeChat và máy ATM để chuyển tiền, vui lòng đảm bảo kiểm tra cẩn thận số tài khoản, tên và các thông tin khác trước khi bấm xác nhận chuyển tiền. Điều này sẽ giúp tránh được những rắc rối không cần thiết gây ra do chuyển khoản nhầm. Nếu không may thực hiện giao dịch chuyển tiền nhầm tài khoản, người dân hãy liên hệ ngay với ngân hàng và cảnh sát để được trợ giúp.
Ngoài ra, nếu bỗng dưng nhận được một số tiền không xác định mà không trả lại nó, bạn sẽ dễ vướng phải những vấn đề pháp lý. Trong trường hợp nghiêm trọng, hành vi này có thể được xem là cố tình chiếm đoạt tài sản và vi phạm pháp luật.
Theo Nguyên An (Nguoiduatin.vn)