Đi làm thuê bị lừa bán
Nhiều ngày nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1949, tổ dân phố 2, thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang chạy ngược xuôi để làm các thủ tục và vay mượn tiền với mục đích đưa người con gái Trần Thị Dung (SN 1975) hiện đang ở Trung Quốc trở về Việt Nam.
Khó khăn ở chỗ, ở Trung Quốc chị Dung không có giấy tờ tùy thân. Còn ở Việt Nam, do mất tích 25 năm nên chị không có CMTND, thông tin cá nhân trong hộ khẩu. Chính vì vậy, việc đưa người con gái này trở về gặp rất nhiều trở ngại.
Theo bà Mỹ giải thích, Dung tuy là người con gái đầu của gia đình nhưng chỉ là con nuôi. Thời điểm đó vợ chồng ông bà còn khó khăn, không hiểu quy định của pháp luật nên chỉ nuôi nấng Dung chứ không làm giấy tờ gì cả.
"Tính Dung vốn thật thà, thấy bố mẹ vất vả nên cũng xin nghỉ học từ sớm đi làm kiếm tiền nuôi em. Vào năm 1993, Dung xin sang TP Vinh (Nghệ An) để làm thuê cho một người họ hàng. Nghĩ vậy cũng tốt nên vợ chồng tôi đồng ý. Nào ngờ đó cũng là lần cuối cùng gia đình tôi được gặp con", bà Mỹ kể.
Mấy tháng sau, gia đình bất ngờ không liên lạc được với chị Dung nữa. Vợ chồng ông bà đi ra Nghệ An để hỏi thăm thì không ai biết con gái ở đâu. Có người nói chị Dung đã chết, lại có không ít người cho rằng chị đã bị kẻ xấu lừa bán sang bên kia biên giới.
Ông bà chia nhau tìm kiếm khắp nơi, đầu đường xó chợ, các bến xe… ở TP Vinh để hỏi nhưng không được. Sau một thời gian, ông bà trở về nhà chờ tin tức con. Cách đây 9 năm, chồng bà Mỹ qua đời, ước mong duy nhất vẫn là được gặp con lần cuối nhưng không thành.
"Làm đủ mọi cách để tìm con nhưng đều vô vọng, gia đình cũng chỉ biết rằng con Dung mất tích chứ chẳng biết đang lưu lạc phương nào, còn sống hay đã chết", bà Mỹ nhớ lại.
Người mẹ mong ngóng con về
Gia đình bà Mỹ bất ngờ được người quen báo có thấy hình ảnh của chị Dung trên mạng xã hội. Bán tín, bán nghi, bà Mỹ và các con lần theo thông tin để kiểm tra và hạnh phúc vỡ òa khi biết chị Dung còn sống mạnh khỏe ở Quảng Đông, Trung Quốc.
"Sau hôm đó, gia đình đã liên lạc được với con qua điện thoại. Vừa nhìn thấy nhau qua màn hình, tôi với cái Dung khóc hồi lâu mới nói chuyện được. Nhìn thấy nó như vậy, tôi cũng vui lắm rồi. Giờ chỉ mong nó về được để mẹ con cầm tay nhau chút thôi chú ạ", bà Mỹ nói.
Theo lời chị Dung kể lại với gia đình, năm đó, khi đang làm thuê ở một quầy bán hoa quả ở chợ Vinh thì chị được một người phụ nữ rủ đi làm ở Hà Nội. Vì muốn kiếm được nhiều tiền gửi về phụ bố mẹ nên chị Dung đồng ý theo người đó lên xe mà không hề biết rằng mình bị lừa bán sang Trung Quốc.
Ở nơi xa lạ, không biết tiếng, không quen biết ai, chị Dung không thể liên lạc về với gia đình. 25 năm đã trôi qua, dẫu rằng, hiện tại chị đã lập gia đình, có chồng, con tại tỉnh Quảng Đông nhưng chưa lúc nào chị thôi nhớ về gia đình mình và thôi mong muốn được trở về thăm quê hương.
Cách đây ít lâu, gặp một đồng hương người Việt Nam, chị Dung đã nhờ người này gửi ảnh và thông tin lên mạng xã hội để hi vọng có thể tìm thấy và liên lạc được với người thân.
Nội dung thông tin như sau: "Tên là Trần Thị Dung, quê hương tỉnh Nghệ Tĩnh, Đức Thọ, Mai Hồ. Tên bố là Trần Văn Hà, mẹ tên là Mỹ... Em là Dung, bị lừa sang Trung Quốc bán 25 năm chưa về Việt Nam bao giờ. Ở chợ Vinh bị lừa ra đi. Vậy mong chị em Việt Nam, bạn bè dù là bạn trai hay bạn gái, lên mạng có lòng thương hại Dung xin chuyển địa chỉ đến quê nhà, Dung cảm ơn và lậy tạ…".
Từ khi biết tin con gái, bà Nguyễn Thị Mỹ mừng khôn xiết, liên tục thúc dục các con làm thủ tục đưa chị về, thế nhưng đến thời điểm hiện nay tất cả đều giậm chân tại chỗ. "Vì con ở một nước khác, muốn về phải làm thủ tục, đường sá xa xôi, hoàn cảnh gia đình còn vất vả nên chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng", bà Mỹ nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Trần Hữu Châu - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ, xác nhận chính quyền địa phương đã biết thông tin về việc chị Trần Thị Dung mất tích đã lâu, hiện đang lưu lạc xứ người và có mong muốn trở về quê hương.
"Hiện, UBND thị trấn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ cũng gia đình để làm những giấy tờ, thủ tục cần thiết theo thẩm quyền để chị Dung sớm đoàn tụ gia đình", ông Châu nói.
Theo Văn Nguyên (Tổ Quốc)