Nhóm này tuyên bố nguyên nhân của tất cả các loại bệnh tật mà con người mắc phải đều do quỷ, tà gây ra, muốn hết bệnh thì phải... “trừ”.
Người đứng ra lập và điều hành nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” là Nguyễn Thị Thương (SN 1975, ngụ đường Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc). Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, năm 2012, Thương tự tuyên bố mình “mang thai thánh” sau khi được bề trên ban phước, được chúa cha tin tưởng chọn làm “thư ký” trong “thời đại cuối cùng”, là “ngôn sứ” của chúa cha trong “thời đại mới”, có khả năng chữa bách bệnh, “trừ quỷ”, ban phát ân phước cho mọi người...
Người phụ nữ này lập nhóm “bầu khấn” lôi kéo nhiều người hiếm muộn tham gia; chữa bệnh hiếm muộn bằng các phương pháp sặc mùi mê tín dị đoan, đánh đập bệnh nhân một cách bạo lực để “trừ quỷ”. Dĩ nhiên, cách chữa bệnh phản khoa học này không hề có kết quả tích cực.
Tuy vậy, với cách diễn xuất tài tình, nhiều sự việc được dàn dựng công phu, đẩy lên đến mức hoang đường, Thương với sự giúp sức của một số đối tượng cốt cán, trong đó có Nguyễn Chu Truyền, vẫn lôi kéo được nhiều người mê muội, cuồng tín tin tưởng và tham gia hội nhóm bất hợp pháp này.
Nguy hiểm hơn, từ năm 2016 tới nay, Thương đã nâng cấp nhóm “bầu khấn” lên thành nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, vươn vòi bạch tuộc ra nhiều lĩnh vực liên quan đến khám, chữa bệnh, hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Các đối tượng còn thường xuyên tổ chức quay video chữa bệnh, “trừ quỷ” phản khoa học, lập nhiều kênh, đăng tải lên mạng xã hội nhằm lôi kéo, xúi giục người khác tham gia vào nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.
Địa điểm của nhóm được đặt tại số 14, đường Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc và số 53/5, đường Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc. Đến nay, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” với tôn chỉ, mục đích lệch lạc, nhuộm màu sắc hoang đường, tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan có khoảng 200 người tham gia, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự địa phương.
Tự xưng là “thư ký của chúa cha”, có chúa cha ở trong người che chở và có khả năng hiệp đồng, cho người khác nói chuyện với chúa cha qua Thương, đối tượng này còn mê muội tuyên bố đây là “thời đại cuối cùng” và Thương là người được lựa chọn trong “thời đại mới” để mê hoặc, lôi kéo người khác tin tưởng vào các hoạt động phục vụ mục đích bất minh của mình.
Thương hoang đường cho rằng, mọi nguồn gốc, căn nguyên của bệnh tật con người mắc phải đều do ma quỷ làm. Vì vậy cách duy nhất chữa khỏi bệnh là “trừ quỷ”. Tất cả những người bệnh nhẹ dạ, cuồng tín tìm đến với Thương đều được đối tượng này chữa theo một “mô típ” duy nhất: Đối tượng này chủ trì, “hỏi lời chúa” rồi truyền đạt “ý lệnh của chúa cha” cho mọi người và bệnh nhân nghe. Một số đối tượng trong nhóm lập tức co giật, trợn mắt, nói nhảm như động kinh.
Tiếp đó, bệnh nhân sẽ bị nhóm này vây quanh, đánh hội đồng vào mặt, đầu, bụng… một cách đầy bạo lực, phản cảm và cho uống nước lã nhưng đượcgọi là “nước thánh”. Thực tế, do bị đánh quá đau nên cơn đau lấn át bệnh tật, bệnh nhân tưởng “trừ quỷ” đã xong, bệnh tình đã hết.
Nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” còn tung hô Nguyễn Chu Truyền có khả năng chữa bệnh bằng cách đặt tay lên người, có thể thông truyền khả năng chữa bệnh cho người khác, chữa bệnh từ xa qua điện thoại. Đặc biệt, nhóm hoạt động phi pháp trên tung tin hoang đường rằng Truyền có cách chữa bệnh tài tình cho phụ nữ hiếm muộn bằng cách đặt tay lên bụng người muốn mang thai.
Khi được “thầy” Truyền đặt tay lên bụng, không cần quan hệ nam nữ sẽ vẫn có thai, đây được gọi là “thai thánh”. Nhiều người tới đây chữa bệnh đã bị nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” làm cho u mê, lệch lạc về nhận thức, tư tưởng bằng những chiêu trò mê tín dị đoan.
Với những việc làm trái với đạo lý, sai với giáo lý, tháng 8/2017, TGM Đà Lạt ra quyết định cách chức quản hạt, quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển linh mục Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu - Đà Lạt và ra thông báo đến các linh mục quản xứ trong giáo phận cấm nhóm "Chúa cha" sinh hoạt tại nhà thờ.
Ngày 31/5/2020, sau khi khánh thành "Nhà Chúa cha" tại nhà riêng của Thương và Quảng, nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động tôn giáo trái phép và chữa bệnh trừ quỷ với tên gọi nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc".
Ngày 6/6/2020, TGM Đà Lạt ra thông cáo nhận định và quyết định liên quan đến hoạt động của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc". Thông cáo này chỉ ra, dù được nhắc nhở, cấm trừ quỷ nhưng Thương và nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" vẫn tiếp tục tổ chức trừ quỷ và còn đưa lên mạng những clip trừ quỷ để quảng bá, lôi kéo.
Ngay sau khi thông cáo ngày 6/6/2020 của TGM Đà Lạt có hiệu lực, nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" liên tục đăng tải nhiều video clip lên YouTube phản đối quyết định của TGM Đà Lạt, biện minh cho những việc làm sai trái của nhóm, phê phán giáo hội, công kích Bản quyền mà trực tiếp là Giám mục Nguyễn Văn Mạnh và Ban tư vấn hội đồng linh mục giáo phận Đà Lạt.
Ngày 7/10/2020, TGM Đà Lạt tiếp tục có thông cáo lần 2 về việc áp dụng vạ cấm chế đối với Nguyễn Thị Thương và nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc". Theo đó, Thương bị cấm tham dự vào Thánh lễ và các nghi lễ vì đã tự xưng là "lời Chúa cha", lún sâu trong sai lầm giáo lý đức tin. TGM Đà Lạt cũng gửi thư định hướng cho Thương nhưng nhóm này không chấp hành.
Đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền, ngày 25/9/2020, TGM Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức vụ quản xứ Thánh Mẫu (TP Đà Lạt), buộc linh mục Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn - Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại... nhưng vị này không chấp hành.
Không chấp nhận việc làm xa rời giáo lý, đi ngược lại các giáo huấn của Giáo hội, ngày 6/12/2020, TGM Đà Lạt ra thông cáo gửi các linh mục giáo phận Đà Lạt quyết định áp dụng vạ huyền chức "treo chén" đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền.
Nghĩa là, ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục vì đã không tuân phục Giám mục giáo phận, tự ý rời Đan viện Châu Sơn đến ở "nhà Chúa cha"; tham gia nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" mà không xin phép Giám mục, sai lạc về giáo lý, đức tin, tự tách mình ra khỏi Hội thánh và linh mục đoàn giáo phận Đà Lạt.
Tin vào nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, những năm qua, rất nhiều người bệnh ở các tỉnh, thành trong cả nước đã tìm tới nhóm này với mong muốn chữa khỏi các căn bệnh đang mang trong người. Kết quả, bệnh không hề khỏi mà còn trầm trọng hơn. Hàng loạt người nhà của các bệnh nhân đã làm đơn tố cáo hành vi của Thương. Việc tụ tập đông người hoạt động mê tín dị đoan đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ dân xung quanh, gây mất ANTT. Nhiều gia đình xung quanh đã có đơn tố cáo Thương gửi tới cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Trưởng phòng Y tế TP Bảo Lộc cho biết, đã kiểm tra nơi nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” hành nghề nhưng bà Thương không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh. Bản thân Thương và những người trong nhóm cũng không có chuyên môn, bằng cấp liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động tụ điểm chữa bệnh mê tín dị đoan này nhưng Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật và coi thường tính mạng của người bệnh.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)