Có luật sư cho rằng chị Mai cần kiện Công an TP Cà Mau chứ không phải kiện chị Ngân, nhưng cũng có quan điểm cho rằng chị Ngân mới là người cần đi kiện.
|
Chị Phạm Tuyết Mai - người nhặt được số vàng gần 5 lượng cách đây hơn một năm
|
Liên quan vụ chị Phạm Tuyết Mai (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) kiện đòi sở hữu số vàng 5 lượng mà chị nhặt được khi phân loại rác, nhiều tranh cãi quanh việc chị Mai cần kiện Công an TP Cà Mau hay kiện chị Nguyễn Thị Bích Ngân - người nhận là chủ sở hữu số vàng này.
Như đã thông tin, ngày 4-8-2014, khi đang làm công nhân tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, chị Mai phân loại rác phát hiện bóp da bên trong có nhiều nữ trang kim loại bằng vàng với trọng lượng khoảng 5 lượng.
Chị Mai đã nộp cho Công an TP Cà Mau để thông báo tìm chủ sở hữu.
Liên tục trong 3 ngày (từ 13 đến 15-8-2014) Công an TP Cà Mau đăng thông báo công khai tìm chủ sở hữu số vàng chị Mai nhặt được. Tuy nhiên, sau một năm kể từ ngày Công an TP Cà Mau đăng thông báo không có ai tìm đến nhận.
Trong quá trình công an lập thủ tục cho chị Mai nhận vàng thì bất ngờ ngày 31-8-2015 (quá thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu 15 ngày), chị Ngân tìm đến Công an TP Cà Mau trình báo mình là chủ của gói vàng trên.
Qua xác minh các chứng cứ, Công an TP Cà Mau xác định số vàng chị Mai nhặt được là của chị Ngân. Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị Mai cần kiện chị Ngân hay kiện Công an TP Cà Mau?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:
Kiện cơ quan công an khi đến hạn mà không giải quyết
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu |
Vụ việc này tương tự vụ chị Hồng ve chai ở phường 10, Q.Tân Bình nhặt được 5 triệu yen Nhật trong loa thùng, cũng có người đến nhận là chủ sở hữu.
Trong tình huống đó, cơ quan công an phải là người xác minh, giải quyết yêu cầu của người nhận là chủ sở hữu, tranh chấp phát sinh giữa người nhặt được tài sản và người nhận là chủ sở hữu.
Như vậy, nếu chị Ngân đứng ra nhận là chủ sở hữu, tranh chấp với chị Mai trong thời hạn thông báo 1 năm vẫn còn thì chị Mai cần khởi kiện chị Ngân ra tòa theo thủ tục kiện dân sự để tòa phân định quyền sở hữu.
Trong trường hợp này, chị Mai là nguyên đơn, bị đơn là chị Ngân, còn Công an TP Cà Mau là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn thông báo, theo quy định thì cơ quan công an phải giải quyết số vàng trên theo điều 241 Bộ luật dân sự (BLDS) mà công an không giải quyết thì chị Mai cần khởi kiện cơ quan công an.
Cụ thể, theo điều 241 BLDS thì chị Mai được hưởng 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% của phần vàng còn lại sau khi trừ đi 10 tháng lương tối thiểu. Phần còn lại sung công quỹ nhà nước.
Trong trường hợp này, việc cơ quan công an trì hoãn giải quyết cho chị Mai mặc dù là để xem xét quyền lợi của chị Ngân cũng là trái quy định pháp luật.
Hoặc giả sử trường hợp nếu sắp tới cơ quan công an phân định và giao vàng cho chị Ngân thì chị Mai cũng có thể khởi kiện cơ quan công an vì giải quyết trái quy định.
Cơ quan công an chỉ là người trung gian, giữ giúp vàng nhặt được theo luật định, có quyền xác minh tính chính xác về chứng cứ nếu có người nhận là chủ sở hữu, ngoài ra không được quyền phân xử cho ai.
Nếu cơ quan công an phân xử quyền sở hữu thuộc chị Ngân thì chị Mai có thể kiện cả cơ quan công an vì làm trái luật và cả chị Mai (kiện dân sự).
TS Thái Thị Tuyết Dung - khoa luật hành chính ĐH Luật TP.HCM:
Khởi kiện cả công an và chị Ngân
|
TS Thái Thị Tuyết Dung |
Chị Mai có thể kiện hành chính Công an TP Cà Mau vì đã đến hạn phải giải quyết số vàng mà chị Mai đã giao nộp nhưng Công an TP Cà Mau không thực hiện theo quy định của pháp luật là cho chị Mai được sở hữu số vàng.
Việc Công an TP Cà Mau không thực hiện hành vi hành chính "giải quyết số vàng trên theo luật định" là đối tượng mà chị Mai có thể khởi kiện.
Ngoài ra, chị Mai cũng có thể kiện chị Ngân ra tòa vì chị Ngân là người tranh chấp sở hữu số vàng trên. Chị Mai có thể kiện dân sự yêu cầu tòa phân xử, xác lập quyền sở hữu cho mình với số vàng - bị đánh rơi, bỏ quên mà mình được hưởng theo luật định.
Trường hợp này, do quyền sở hữu chưa xác lập, có tranh chấp phát sinh thì quyền phán quyết thuộc về tòa án.
Luật sư Lê Trạch Giang - Đoàn luật sư TP.HCM
Chị Ngân có thể kiện chị Mai
|
Luật sư Lê Trạch Giang |
Khi đến hạn phải giải quyết số vàng đang bảo quản mà không xác định được chủ sở hữu thì đồng nghĩa chị Ngân mất quyền sở hữu (nếu có) với số vàng đánh rơi, bỏ quên.
Cơ quan công an phải giải quyết số vàng cho chị Mai được hưởng căn cứ quy định tương ứng của BLDS. Trách nhiệm giải quyết thuộc về cơ quan công an. Chị Mai cần kiện đòi cơ quan công an thực hiện trách nhiệm trên.
Còn về phần chị Ngân, nếu chứng minh được mình là chủ số vàng thì số vàng trên sẽ được giao lại cho chị Ngân.
Nếu sau khi cơ quan công an giải quyết cho chị Mai mà chị Ngân mới chứng minh được mình là chủ sở hữu thì chị Ngân có thể kiện chị Mai để đòi lại số vàng mà chị Mai được hưởng. Đồng thời chị Ngân có thể khiếu nại để yêu cầu cơ quan công an trả lại phần vàng đã sung công quỹ.
Như vậy, trong trường hợp này, không có cơ sở gì cho chị Mai kiện chị Ngân mà phải là kiện cơ quan công an.
>> Tình tiết mới vụ phân loại rác nhặt được 5 lượng vàng ở Cà Mau
>> "Chủ nhân" 5 lượng vàng ở miền Tây bị chị nhặt rác kiện
>> Công an xác định chủ nhân 5 lượng vàng ở nhà máy rác
>> Công nhân nhặt được vàng bị kỷ luật vì không nộp cho đơn vị
>> Sung công gần 5 lượng vàng công nhân nhặt được ở Cà Mau
Theo Ái Nhân (Tuổi Trẻ)