Sáng 9.4, chia sẻ với PV Lao Động, ông Phạm Khắc Thảo (ông nội cháu P.Ph.A) cho biết, hiện ông đã viết xong đơn kiến nghị để nhờ cơ quan công an vào cuộc, xem xét hành vi bắt cháu ông súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo Hương có đủ căn cứ để xử lý hình sự hay không.
Lúc đầu, dự kiến hôm nay ông sẽ đi nộp đơn, tuy nhiên đến nay gia đình vẫn đang phân vân.
“Mấy hôm nữa bố cháu Ph.A sẽ về, chúng tôi dự định lúc đó sẽ bàn bạc thêm và tùy bố cháu quyết định. Hai ngày qua, gia đình tôi cũng mệt mỏi vì tâm lý của cháu Ph.A không ổn định, không ăn uống được nhiều.
Hơn nữa, ngày nào cũng có thành viên trong gia đình cô Minh Hương đến xin tha thứ, không làm to chuyện nữa. Bố cô Hương còn khóc, tha thiết van xin chúng tôi cho qua chuyện. Họ nói rằng cô Hương đang rất sốc, không ăn uống gì cả, trong khi cô đang phải nuôi con nhỏ. Cô cũng đã rất hối hận về hành động của mình. Tôi chỉ bảo từ từ rồi tính, đợi bố cháu về rồi gia đình bàn bạc thêm”- ông Thảo nói.
Cũng theo ông Thảo, gia đình sẽ đợi bố Ph.A về rồi đưa cháu đi khám tổng thể ở một bệnh viện uy tín. Kể cả trong trường hợp cháu Ph.A không có vấn đề gì về sức khỏe thì gia đình ông Thảo cũng yêu cầu cô Hương, nhà trường phải làm bản cam kết đồng hành với gia đình chăm lo, theo dõi sức khỏe của Ph.A trong thời gian tới.
“Bản cam kết phải có chữ ký của cô Hương, nhà trường, dưới dự chứng kiến của chính quyền địa phương. Có thể bây giờ, việc uống nước bẩn chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của Ph.A, nhưng những con vi khuẩn đấy sống lâu trong cơ thể, đến lúc nào đó mới phát bệnh thì sao. Trong trường hợp chúng tôi tha thứ thì gia đình cô Hương phải ký bản cam kết này”- ông nội cháu Ph.A nói.
Theo quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội về vụ việc này, hành vi phạt học sinh uống nước bẩn được vắt từ giẻ lau bảng của cô giáo Hương rõ ràng không còn là hành vi nóng nảy, mà có dấu hiệu của tội hành hạ người khác.
Luật sư cho rằng, trong trường hợp cơ quan công an vào cuộc xác minh, nếu thấy cô giáo đã có hành vi đối xử tàn ác với học sinh, khiến học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chấn động tâm lý, gây dư luận xấu trong xã hội thì cô giáo này ngoài việc sẽ bị đuổi việc thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.
“Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên.”
Theo Bích Hà (Lao động)