Người dân sinh sống gần khu vực nhà máy giấy Lee&Man lại “kêu trời” vì mùi hôi bốc ra nồng nặc từ nhà máy có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.
Bà Lư Ngọc Ánh (57 tuổi), nhà cách nhà máy giấy khoảng 100m cho biết, từ ngày 7/9 đã phát hiện mùi hôi nồng nặc phát ra từ nhà máy giấy Lee&Man.
Nhà máy giấy Lee&Man lại gây ra mùi hôi |
“Mùi hôi giống như mùi hầm cầu, ngửi vào rất khó chịu, thở không nổi. Mùi hôi không xuất hiện liên tục, mỗi ngày chỉ kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Đâu chỉ có mùi hôi, tiếng ồn phát ra từ nhà máy cũng khủng khiếp lắm, nhất là vào buổi tối. Người già, trẻ em không thể nào ngủ yên. Sống kiểu này chết còn sướng hơn”, bà Ánh bức xúc nói và cho biết, ngay sau khi mùi hôi phát ra từ nhà máy giấy, người dân đã báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương.
Tiếp lời, bà Huỳnh Thị Bích Thuỷ - nhà đối diện nhà máy giấy than: “Chúng tôi như đang bị nhà máy giấy tra tấn. Cứ cách vài tiếng mùi hôi lại bốc lên khủng khiếp, chưa kể khói bụi nữa. Chúng tôi hoang mang quá, không biết sống như thế này thì khi nào chết vì ung thư”.
Theo bà Thuỷ, người dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ di dời đi nơi khác, nếu không thì nhà máy giấy Lee&Man phải xử lý triệt để các vấn đề về môi trường và cam kết không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành xác nhận, vừa qua người dân có đến UBND thị trấn phản ánh mùi hôi bốc ra từ nhà máy giấy Lee&Man; chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống ghi nhận.
“Nguyên nhân phát sinh mùi hôi, phía nhà máy đang rà soát nên chưa có thông tin chính thức. UBND thị trấn Mái Dầm đã báo cáo trực tiếp về Sở TN&MT tỉnh để có hướng xử lí”, ông Tùng nói.
Trước đó vào tháng 3, khi nhà máy giấy Lee&Man vận hành thử đã gây ra mùi hôi, khói bụi than khiến người dân phản ứng dữ dội. Một số người dân cho biết, để tránh mùi hôi phát ra từ nhà máy, họ phải trùm túi nilông để ngủ.
Sau đó, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) Trần Phong đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận phản ánh của người dân.
Cơ quan chức năng xác định, trong nhà máy, có 4 khu vực phát sinh mùi hôi. Thứ nhất là nơi thu bùn về để đưa từ hệ thống xử lý nước thải ra hệ thống ép bùn. Thứ hai là nơi ép bùn, đóng bánh rớt xuống thành bùn khô. Thứ ba, từ hệ thống hiếu khí và thứ tư có thể khu vực đốt khí metan, khí dư.
Thời điểm này, trả lời báo chí, nếu nhà máy giấy Lee&Man tiếp tục xảy ra sự cố thì có đóng cửa hay không, ông Trần Phong cho biết, không ai mong muốn vì nhà máy đóng cửa vì đầu tư rất nhiều. Bản thân họ phải tự lo mình. Chính vì vậy họ phải nắm được việc pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ.
"Qua những vụ việc về môi trường, Bộ TN&MT đã thực hiện giám sát và yêu cầu rất nghiêm ngặt. Những ai tự bỏ qua những cơ hội để tự khắc phục việc mình làm sai thì phải trả giá”, ông Trần Phong khẳng định.
Theo Hoài Thanh (VietNamNet)